Chuyện rằng, trong số những người Đàng Ngoài theo chúa Nguyễn đến trú ngụ ở làng Cổ Tháp (Quảng Điền) có một thiếu nữ xinh đẹp. Trong khi mọi người làm ruộng thì nàng miệt mài làm bún (mang từ quê gốc vào). Chuyện làm ăn, có người mến mộ nhưng cũng lắm kẻ ganh ghét. Thế rồi, năm ấy vùng đó mất mùa liên tiếp. Kẻ xấu bụng tung tin, là do thần linh quở phạt bởi cô đã đem “hạt ngọc của Trời” ra mà ngâm, mà chà, mà xát, mà nghiền nát để làm… bún. Làng nổi giận, lệnh cho cô phải bỏ nghề hoặc bị trục xuất. Quyết sống chết với nghề, cô chọn ra đi. Làng ban ân cho chọn hướng đi và cử 5 thanh niên áp tải. Mỗi người sẽ cõng cái cối đá làm bún một chặng đường, đuối sức thì người khác thay thế. Họ đi dọc theo sông Bồ. Nơi người trai làng thứ 5 quỵ xuống là làng Vân Cù (Hương Trà). Tại đây, cô gái tiếp tục theo nghề và rồi trở thành Bà Bún (tổ nghiệp).
Chỉ là truyền thuyết và trong câu chuyện kể trên có thể còn có nhiều phiên bản khác nữa, nhưng vẫn chứa đựng nhiều thông tin và thông điệp về bún Vân Cù nói riêng và làng nghề xứ Huế nói chung. Thật khó để xác định có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi nhắc đến nghề bún xứ Huế không thể không kể đến truyền thuyết về Bà Bún và lệ tế Bà vào ngày 22 tháng Giêng hằng năm ở Vân Cù. Còn có thể nói, đó là nét chung về gốc gác (chủ yếu mang từ Bắc vào) và là sự gắn bó với nghề nông. Quá trình ra đời, tồn tại, gìn giữ và phát triển nghề là hành trình đầy gian nan, với nhiều đố kỵ cần vượt qua. Tất nhiên, không thể bỏ qua là nét tinh hoa, sự đặc sắc của nghề truyền thống Huế mà làng bún Vân Cù là một minh chứng như lời giải thích cho sự tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay giữa bao xô bồ và cạnh tranh đến từ nhiều phía.
Festival Nghề truyền thống Huế 2023 với đồng hồ đang đếm ngược. Cũng như bao người, tôi chờ đợi cuộc trình diễn bún Việt nơi đây. Sẽ là một cảm nhận vẹn toàn và tuyệt vời khi được nhìn và thưởng bún Huế - miền Trung với bún bò giò heo, bún cua huyết, bún riêu cua, bún chay, bún thịt nướng, bún trộn, bún nghệ, bún hến, bún mắm nêm thịt heo… có hương vị đậm đà và cay nồng bên cạnh bún thang, bún mọc, bún riêu, bún đậu mắm tôm, bún măng, bún chả cá Lã Vọng, bún lòng, bún cá rô… thi vị và tinh tế của bún miền Bắc hay bún cà ri, bún mắm, bún suông, bún gỏi, bún nước lèo… mang mùi vị đặc trưng của bún miền Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà nghề bún được tôn vinh và trở thành điểm nhấn của lễ hội ẩm thực tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Xưa, làm bún là một nghề công phu. Và, để có sợi bún ngon phải dùng gạo ruộng, loại gạo dùng để nấu cơm nổi tiếng ăn không ngán. Con bún ngon phải không quá bở cũng không quá dai. Tất cả không chỉ đòi hỏi ở người làm sức khỏe mà còn phải là sự tinh tế trong cách pha chế. Cũng bởi con bún ở Huế - Vân Cù được người ta làm, nhào, nặn, quết, vắt nên thường to hơn bún Bắc hay bún Nam. Còn nữa, bún ở đây ngon còn nhờ có nước sông Bồ chảy ngang, trong xanh và quanh năm ngọt ngào. Chợt như hiểu hơn lời ví von “mềm như con bún” còn là chỉ sự dẻo dai, bền bỉ của những người làm nghề bún Huế luôn bám giữ lấy nghề trên bước đường vạn dặm mưu sinh, như Bà Bún xưa đã vượt Hoành Sơn để về với Cổ Tháp - Vân Cù và Huế.