ClockThứ Bảy, 01/02/2014 06:54

Điều giản dị

TTH - Đã những ngày rả rích. Gió ẩm ướt mang cái se sắt luồn vào từng góc nhà. Huế bàng bạc mùa đông.
Mấy tấm cửa gương nhòa nhòa sương khói khi mỗi sớm mai thức dậy, khẽ khàng mở cửa. Sau một chút lúi húi, mùi café đã thoảng lên, nồng nàn. Tôi bỏ một miếng đá nhỏ vào ly đen, rồi khép nép bên cánh cửa. Lạnh thế mà chỉ sau một đỗi nghe mưa, đã nghe tiếng dép thấp thững của người từ Nam Giao xuống chợ. Những bóng người dưới mưa, quen hơn cả nỗi nhớ ngày thường.
 
 
Dẫu sớm, nhưng thấy người quen chạy xe lướt qua, mấy chị bán cá, bán tôm bên con đường rẽ vào ngôi chợ nhỏ thể nào cũng cười chào. Vài lúc ghé lại khi không đưa con đi học sớm, cứ tẩn mẩn nghĩ, không biết có bao nhiêu người đã lui cui cả đêm mưa để mang về chút lộc trời trên sông nước và đầm phá Tam Giang...?
 
Hẳn nhiên là buồn buồn nhưng trông Huế thật hiền dưới làn mưa giăng mắc. Tôi đã đôi khi tự lý giải, rằng là tại Huế, hay chỉ vì những điều gì đó riêng tư ở mỗi người về cái sự giăng mắc ấy? Khi đã quá nửa đời người, điều mà tôi nghiệm ra là chẳng nên tự lý giải, vì đó chính là bản thân Huế, là một phần tính cách Huế. Có chăng là khi nào đó, ta quên mất mình trong những điều giăng mắc kia. Quên, chứ không phải là bỏ lại. Cũng giống như là một cách để yêu thương và được yêu thương.
 
Năm ngoái, những ngả đường nhiều màu nắng nhưng xuân này, mùa hình như bắt đầu trở về lối cũ, trên những ngả đường còn nhiều ướt át. Phố không còn nhiều xe đạp như thuở còn tuổi 18. Những tiếng còi xe nghe chừng sốt ruột hơn, dù biết phía trước là rào chắn và tàu vẫn chưa qua. Khi xê dịch về phía sông, tôi nhìn cái trầm tĩnh mênh mang của dòng chảy, nhìn cái lẩn khuất của mấy cây cầu nối đôi bờ, nghe mưa như hơi thở. Chúng gợi nhớ vẻ đẹp hư ảo của Huế trong những ngày dầy sương, cả vẻ trầm tích của những cây sứ già đứng trong công viên trước Kỳ Đài...
 
Nhiều lần, những người anh, người chị, người bạn của tôi ở những nơi chốn khác thường cười cười khi bảo: Huế của em thật lạ. Nói cái gì cũng dạ. Thật không biết là thế nào. Tôi dạ, như một thói quen đã được mặc định. Sau này, trong cuộc trò chuyện nào đó, một người anh lớn tuổi ở Huế cũng bảo, như một chợt nhiên, là tui chừng ni tuổi rồi, mà quen, cứ điện thoại kêu là tui cũng dạ, alô. Những điều giản dị thế, mà sao nghe thấy gần và thương. Một đồng nghiệp kể, đi tác nghiệp xa, ngồi với nhau, người Huế mình bao giờ cũng nói với nhau, nghe nhau bằng tiếng Huế, hát những ca khúc về Huế. Những bài hát nghe quen đến nỗi không để ý khi ở nhà, vậy mà khi nghe hát ở một vùng đất khác hay bên xứ người như Lào, Campuchia...cứ thấy lòng rưng rưng. Nhưng ngay cả tôi nữa, nghe người anh dọn dẹp công việc cuối năm sang một bên và hát luôn mấy bài hát cũ ở một tối nào, lại thấy lòng chùng xuống. Người cứ hát, trong nỗi nhớ mà vừa trở lại của một thời trai trẻ, không tiếc nuối nhưng nhiều hoài vọng, làm người nghe trong không gian nho nhỏ hôm ấy vợi xuống, tần ngần những giọt cay. Và khi gõ điều này, tôi vẫn nhớ cái da diết tuổi người trong “tôi xa Huế rồi mà chi rứa người ơi...”.
 
Những ngày không mưa, Huế lạnh như cái rét sâu miền Bắc. Dường như cái hun hút chỗ nào cũng giống nhau, nhưng cái tê tái thì mỗi nơi một khác. Cả sự chịu đựng nữa. Có ngày ngang qua những cánh đồng trắng nước, lại day dứt thương những bóng người lặn lội, thương những con đò mảnh mai trên triền nước để sinh nhai. Ngay cả khi chạy xe trong những ngả đường thành phố, cảm nhận đông đang chuyển mùa và ngày xuân ấm dần lên trên những sắc màu đô thị, vẫn cứ thấy bâng khuâng về điều gì đó, dù không quá cụ thể...
 
Tôi có Huế với bao điều giản dị, bình yên và thân thương trong cuộc sống. Sự gắn bó có lẽ cũng chỉ trĩu nặng và sâu bền từ những điều bình thường trong những ngày thường mà nếu thiếu vắng, ta sẽ thấy mình hao khuyết và chông chênh.

Nên cũng như người, cứ thao thức hoài về ngày trở lại trong những chuyến đi xa...

An Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Return to top