ClockThứ Tư, 03/06/2015 10:39

Dòng chảy văn học thiếu nhi ở Huế

TTH - Bên cạnh âm nhạc và một số lĩnh vực khác, Huế còn có mảng văn học dành cho thiếu nhi khá phong phú, nối tiếp qua nhiều thế hệ. Có thể kể ra những cái tên tiêu biểu cho dòng chảy văn học trong vắt này như: Phùng Quán, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Loan, Đỗ Văn Khoái, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Nguyễn Trương Khánh Thi...

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, bên cạnh nhiều bài thơ xuất sắc in dấu vào di sản thơ, mảng viết về thiếu nhi cũng mang tầm cả một sự nghiệp. Trong đó bài thơ Trắng trong đã cùng với những nốt nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên bay ngoài sức tưởng tượng của chính tác giả.

Nói riêng về mảng viết về thiếu nhi, nhà văn Phùng Quán thực sự là một tác giả lớn. Những người thân quen nhà thơ hồi trước cho hay ông từng viết hàng chục cuốn truyện tranh. Dấu ấn đặc biệt nhất là tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội được in tập đầu năm 1983, (toàn bộ dày 800 trang) trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc để đời, Thông qua những đứa trẻ trong Vệ Quốc Đoàn đang tuổi rong chơi với những giấc mơ đẹp nơi xứ Huế thơ mộng, góc nhìn chiến tranh trở nên bi tráng. Trong cuộc chiến vệ quốc, lũ trẻ trong đội trinh sát Trần Cao Vân là những con sóng nhỏ hòa vào dòng chảy cách mạng, góp phần đưa đất nước đến ngày tự do. Tác phẩm này nhận được giải A của Hội Nhà văn Việt Nam, được dựng thành phim, nhận Huy chương Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1990. Quãng thời gian long đong, nhà văn Phùng Quán vẫn say sưa viết. Tác phẩm được người thân ký tên giùm và gửi dự thi. Tập truyện thiếu nhi Như con cò vàng trong cổ tích (ký bút danh Vũ Quang Khải) đạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lê Nin.
Ảnh trong phim Tuổi thơ dữ dội. Ảnh: Internet.
Sau thế hệ vàng như nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Huế còn có một số tác giả tiếp nối dòng văn học thiếu nhi, đóng góp nhiều thành tựu. Tác giả Nguyễn Loan từ năm 1986 đã có thơ in trên Sông Hương, hình ảnh tiếng chim long lanh như giọt nước, vừa có sức liên tưởng, vừa có tính ngây ngô của trẻ. “Tiếng chim hình tròn / Lăn trên lá biếc / Rơi vào giếng nước / Trăng rằm nhô lên”. Hay trong một bài thơ khác: Mùa thu như tổ kén/ Dệt tơ vàng - nắng thơm”. Sau đó hai tập thơ thiếu nhi được in: “Chàng ca sĩ bình minh” và “Trong vườn cổ tích”. Hình ảnh “trái ớt muỗi cay dòn” được liên tưởng với “ngọn đèn dầu xanh, đỏ” làm “sáng dịu một góc vườn”; là cách mà tác giả Nguyễn Loan đã “nhập vai khéo léo vào thế giới trẻ thơ”.
Nhà thơ Đỗ Văn Khoái thành công ngay ở tập thơ đầu tay “Phía ngoài ô cửa” với giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ II. Bài thơ Bố là tất cả khi được phổ nhạc đã lan tỏa rộng rãi trong thế giới tuổi thơ. Trong bài Con mèo tắm nắng, nhà thơ có cái nhìn hết sức mỹ cảm: Khoảng sân thành khoảng sông trưa/ Lá khô - những chiếc thuyền chưa cắm sào. Một hình tượng gợi mở không gian khó thể hay hơn, lay động tâm thức không chỉ trẻ em mà cả độc giả lớn tuổi.
Tác giả Nguyễn Lãm Thắng năm 2012 in Giấc mơ buổi sáng dày đến 330 bài thơ thiếu nhi và 51 bài hát phổ thơ. Phần lớn trong tập là thơ 5 chữ, một ít bài 3 chữ, 4 chữ, 6 chữ, và cũng có một số bài lục bát. Thơ thiếu nhi Lãm Thắng viết đôi khi tự nhiên như nói, tác giả bắt được sự hồn nhiên của trẻ, thổi vào đó lớp ngôn ngữ giản dị, khiến người đọc như trực tiếp nghe được tiếng trẻ bi bô. Tập thơ không đơn giản là sự “nổi hứng” mà Lãm Thắng đã dồn tâm huyết, neo mình trong thế giới tuổi thơ để viết; đôi lúc có những ý khiến ta giật mình. Tác giả hiện cũng đang làm bản thảo tập truyện dành cho thiếu nhi, hy vọng về một thế giới nhiều màu sắc.
Một trường hợp khác, Nguyễn Trương Khánh Thi; khá đặc biệt bởi tác giả viết về đề tài thiếu nhi lúc đang độ tuổi thiếu nhi. Con thấy trong hồn con lững thững/ Một hành tinh không bóng người/.../ Ngồi ngủ gục bên khúc ca buồn vô vọng/ Ôi những ngọn gió đã giúp nến tỉnh ngộ. Ấy là những câu thơ Khánh Thi viết về ba mình (cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mất năm 2006). Cô bé hiện theo học lớp âm nhạc cổ truyền. Trong một số bài đã được Sông Hương chọn in, Không có cha! - tên một tản văn đập vào mắt khiến người đọc thảng thốt, như vừa chứng kiến một chiếc bình pha lê rơi vỡ… Hay Tôi về với những ngày xưa cũ nhận được điểm tuyệt đối, đứng nhất vòng sơ loại cuộc thi Cây bút tuổi hồng 2014 (dành cho học sinh từ 7 đến 16 tuổi trên toàn quốc). Nguyễn Trương Khánh Thi đã nhìn đến những tháng ngày mình chưa trải qua, nhưng đó là những rung cảm thật sự, mở ra chiều tưởng tượng phong phú về một tương lai rất gần.
Ngoài những tên tuổi trên, còn một số tác giả viết về thiếu nhi chưa có dịp nêu ra trong bài viết ngắn này. Đơn cử cô giáo Nguyễn Hoàng Anh Thư, sớm tạo dấu ấn trong giới thơ trẻ. Bản thảo tập thơ thiếu nhi của cô đang hoàn thiện; xin dẫn hai câu: “Một hạt ngũ cốc không thể gieo cánh đồng/ nhưng nó khởi đầu một mùa thu hoạch”. Giữ lại chút bí mật, âu cũng là điều hấp dẫn trong dòng chảy văn học thiếu nhi ở Huế hiện tại.
Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”

Chiều ngày 7/5, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Mar6 Studios liên quan đến dự án phim điện ảnh về hoàng hậu Nam Phương. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top