Những chiếc đôn và chậu gốm Cây Mai trong cung Diên Thọ xưa
Ngược dòng lịch sử
Trên bản đồ Phủ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi địa danh “Xóm Lò gốm” – một trong những làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Dựa vào chỉ dẫn trên bản đồ này và từ kết quả khảo sát thực địa, các nhà khảo cổ cho biết trong những lò gốm xưa ở Sài Gòn có gốm Cây Mai ở Gò cây Mai.
Sản phẩm gốm Cây Mai bao gồm đồ gốm thông dụng có kích cỡ lớn, có trang trí mỹ thuật, các loại ống dẫn nước, tượng bằng đất nung và đồ sành men màu. Gốm trang trí phổ biến của gốm Cây Mai là các loại đôn, chậu kiểng; các loại gốm thờ phụng tôn giáo...
Phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sau đó gốm Cây Mai dần thất truyền. Trong sách “Gốm Cây Mai - Đề Ngạn Sài Gòn xưa” của hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc nhắc lại, nhà nghiên cứu người Pháp là Derbès, M. Péralle đã từng cho biết: “Gốm Cây Mai được khen thưởng một huy chương Bạc ở triển lãm năm 1880 ở Nam Kỳ. Sản phẩm gốm này nổi tiếng ở Nam Kỳ và nước ngoài, nhất là tại thị trường Pháp”.
Hình ảnh vua Thành Thái bên cạnh chiếc đôn gốm Cây Mai
Theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, “cây mai” trong “gốm Cây Mai” không phải là mai vàng hay mai chiếu thủy mà là cây bạch mai. Khác với nhị độ mai, hay mai trắng ở miền Bắc, bạch mai chỉ nở rộ hoa một lần vào mùa xuân. Hoa có 4 cánh dày, dáng hoa gần giống như hoa cây mù u ở Nam bộ nên còn gọi là mai mù u. Từng chùm hoa trắng tinh, nhụy vàng, có mùi thơm dễ chịu. Khi trổ hoa, cây tự rụng lá. Trong những ngày hoa nở, tán cây bao phủ một màu trắng tinh, mang vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên. Đêm về gió thoảng đưa hương ngào ngạt, lan tỏa cả vùng. Hoa nở chừng hai tuần thì mãn nhưng cánh hoa vẫn trắng muốt.
Là dòng gốm có từ lâu đời, gốm Cây Mai đặc trưng bởi chất liệu sành cứng và màu men không phong phú, nhưng chính sự tinh giản ấy đã tạo nên một dòng gốm mê hoặc khó phai lẫn. Với hai màu chủ yếu là màu xanh lam, màu xanh ve chai, các màu bổ trợ là màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ, nâu và trắng đã góp phần định hình thương hiệu gốm mỹ nghệ xưa này.
Với hàng chục năm phát triển đỉnh cao, gốm Cây Mai đã có mặt ở khắp Nam Bộ dưới thời Nguyễn. Và như bao sản vật tuyệt đỉnh khác của cả nước ngày xưa, gốm Cây Mai cũng bằng nhiều cách, đã được cung tiến hoặc triều đình mua sắm, đã có mặt ở trong sinh hoạt của hoàng gia, trong cung đình và các phủ đệ Huế.
Bằng chứng là nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc trong quá trình nghiên cứu các hình ảnh về sự cải cách quân phục của hoàng đế triều Nguyễn đã phát hiện một điều thú vị: chiếc đôn gốm trong bức hình chụp vua Thành Thái được sử dụng để chiếc mũ ở trên, qua xem xét cho thấy nó thuộc dòng gốm Cây Mai. “Điều này cho thấy các vua triều Nguyễn ngay từ xưa cũng ưu tiên dùng hàng nội, đồng thời điều này chứng tỏ dòng gốm Cây Mai từng vinh dự được các vua triều Nguyễn sử dụng”, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc đúc kết. Nếu có dịp quan sát ở Đại Nội Huế, dễ nhận ra sự xuất hiện của các đôn, chậu gốm Cây Mai ở sân Thế Miếu, điện Cần Chánh…
Sẽ có nhiều triển lãm
Đã 10 năm theo đuổi, sưu tầm dòng gốm Cây Mai, anh Tống Phước Quang, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) mê mẩn bởi chất men rất đẹp cũng như lịch sử thâm trầm của dòng gốm này. Gốm Cây Mai đẹp vì trên mỗi vật dụng được làm ra, người xưa khắc lên đó những đồ án với những điển tích rất ý nghĩa, thể hiện triết lý nhân sinh và quan niệm của người xưa về cuộc sống. Ví dụ như đồ án tùng hạc diên niên, gồm hình ảnh hạc tiên và cây tùng. Người xưa xem tùng là đại diện cho trăm cây, ngoài ý nghĩa trường thọ, tùng còn là đại diện của khí tiết. Họa tiết “tùng hạc diên niên” còn được gọi với tên “tùng hạc đồng xuân”, vừa mang ý nghĩa trường thọ, vừa mang ý nghĩa khí tiết thanh cao, anh Tống Phước Quang phân tích.
Anh Tống Phước Quang nâng niu bộ sưu tập gốm Cây Mai quý
Với nét đẹp về ngoại hình cùng ý nghĩa về văn hóa, gốm Cây Mai được nhiều người mê gốm quan tâm, săn đón. Ở quán cà phê của mình, anh Tống Phước Quang có một không gian trưng bày những sản phẩm sưu tầm về gốm Cây Mai. Anh kể, có nhiều người bận công việc, đi từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ… đến Huế, ghé thăm nhà anh, chuyện trò đôi ba câu chuyện về gốm, chụp tấm ảnh rồi lại vội vã tạm biệt hẹn ngày tái ngộ. Anh rất vui và rất quý, vì họ quan tâm đến nét đẹp và văn hóa của dòng gốm cổ xưa này.
Nhận nhiều được sự quan tâm và ủng hộ, anh Tống Phước Quang mở rộng không gian trưng bày gốm của mình để những người bạn cùng đam mê đến thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của gốm. Anh còn sắm thêm những bộ áo dài lục bình, để cho những ai thích có thể mặc và chụp ảnh cùng với gốm. Anh cười bảo: “Từ ngày có thêm những bộ áo dài lục bình, nhiều người thích lắm. Họ đến trò chuyện, nghe tôi kể về gốm, về lịch sử, về những đồ án trên gốm, rồi vui vẻ mang áo dài chụp ảnh lưu niệm”.
Anh cũng hồ hởi chia sẻ, đầu năm 2023, anh sẽ cùng với những người bạn đam mê gốm tổ chức cuộc thi và trưng bày gốm Cây Mai tại Huế nhằm tạo nên một không gian hội ngộ và lan tỏa niềm đam mê gốm Cây Mai. “Tôi mong rằng dần dần sẽ có nhiều người hiểu thêm về nét đẹp, về giá trị văn hóa của dòng gốm này, để từ đó bảo quản được càng nhiều càng tốt những sản phẩm từ dòng gốm đã thất truyền này”, anh bày tỏ.
Bài: Đăng Trình
Ảnh: Đăng Trình - Tư liệu