ClockThứ Bảy, 07/01/2023 14:23

Hoa mai trong tiết đông

Xuống đồng ngày mưa rétLối hoa vàng

Trong tiết đông mưa dầm của Huế, chợt gặp cây mai tứ quý bên đường. Không như hoàng mai thường chờ mùa xuân mới nở, mai tứ quý nở suốt bốn mùa. Loài mai này còn có một tên gọi khác là nhị độ mai, bởi khi hoa vàng đã rụng khỏi cây thì những chiếc đài hoa xoè ra đỏ tươi chẳng khác chi những bông hoa. Đợt nắng đầu đông khá dài năm nay của xứ Huế làm các loài mai đua nhau nở, nhị độ mai cũng vậy. Hoa nở vàng đón nắng và bây giờ là những cánh đỏ đón rét...

Nhị độ mai không phải là loài hoa để mua bán, cũng chẳng thấy ai vô chậu để uốn thế loài mai này. Nhưng vườn Huế từ quê đến phố vẫn hiện diện những cây nhị độ mai khẳng khiu nhưng bền bỉ khai hoa suốt bốn mùa.

Tôi quan sát và thường thấy nhị độ mai vẫn thường được trồng bên trang thờ giữa trời của mỗi gia đình. Cây không cao và cũng không sum suê nhưng lá luôn xanh. Hình như cây hoa mai này khi đã sống được thì chẳng cần chăm sóc làm chi. Cây cứ đứng vậy nhìn thời gian trôi đi. Sự vật biến chuyển không ngừng theo những mùa nhị độ hoa.

Cây nhị độ mai gần gũi với tuổi thơ tôi lắm, bởi gần như nhà nào ở quê thuở trước cũng có nhị độ mai trong vườn trước sân. Mà hồi đó chúng tôi còn gọi cây hoa này bằng một cái tên khác là mai tròn vì cánh hoa nở ra hình tròn khác với hoàng mai cánh dài.

Tôi nhớ nhất cây nhị độ mai cạnh cái trang thờ nhà bác Chiu hàng xóm của tôi. Đó là cây nhị độ mai cao tuổi, bởi khi tôi lớn lên thì nó đã cao lớn rồi. Cây mai đó cũng bị lũ con nít xóm tôi trèo lên rồi đu cành, vậy mà vẫn dẻo dai cho hoa bốn mùa mưa nắng. Nhưng nó chỉ nở độ thứ nhất, vì đến khi ra độ thứ hai là bị chúng tôi hái xuống chơi đồ đoàn. Những buổi chiều cuối năm trời tạnh ráo, anh em tôi cùng chị em thằng Kền, chị em con bé Lớn, anh em thằng Dỏ... tập trung quanh cái sân đất sét nhà bác Chiu bày ra những trò chơi. Dưới bóng cây nhị độ mai thằng Kền, con bé Lớn, thằng Dỏ nắm tay nhau nhảy tưng tưng với những lời đồng dao vô nghĩa chỉ của riêng đám con nít xóm Kế: “chúp chúp bà lê, chúp chúp bà lê...”. Bây chừ mỗi lần về quê gặp con bé Lớn là tôi hay trêu “ chúp chúp bà lê”, làm nó cười tít mắt...

Những ngày đông giá xứ Huế, tôi thích tản bộ trên những con đường quanh co xứ Kim Long để ngắm những cây mai trắng muốt nở kiêu kỳ trong những khu nhà vườn. Mai trắng không như mai vàng chờ hơi ấm và nắng vàng mùa xuân để khoe sắc, mà âm thầm mở cánh trong mưa phùn gióc bấc. Trời càng lạnh giá, mai trắng nở càng nhiều, càng đẹp. Có người nói rằng những câu thơ trác tuyệt về hoa mai của Mãn Giác Thiền Sư: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, hay của Cao Bá Quát: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”... đều là nói về hoa mai trắng bởi vì mai vàng không có ở xứ Bắc… Còn thi sĩ Nguyễn Bính khi đến xứ Huế rong chơi đã viết về loài mai trắng Huế: “Nhà nàng ở gốc cây mai trắng/Trên xóm mai vàng dưới đế kinh/Có một buổi chiều qua lối ấy/Tôi về dệt mãi mộng ba sinh”. Cái thời Nguyễn Bính giang hồ trên đất Thần kinh thì Huế đã là xứ của mai vàng rồi. Và cũng như cái thời thi sĩ đồng quê đất Bắc đến Huế uống rượu, nhìn mưa và làm thơ, bây chừ, vườn Huế không thể thiếu mai vàng. Mai trắng thì chỉ còn điểm xuyết vài cây như ở vườn của “người con gái ở lầu hoa” mà thi sĩ trót tương tư, hay trong vườn cung vương phủ chúa ngày xưa…

Mai trắng như dấu tích của một Huế xưa đài cát còn vương vấn đến hôm nay để ai đó ngang qua cứ đinh ninh rằng, đằng sau ánh trắng của hoa vẫn còn đó bóng hình của những nàng Tôn nữ thướt tha trong tà áo dài… Cũng như nhị độ mai, loài mai trắng xứ Huế cũng không thấy ai bán mua, không vô chậu kiểng mà chỉ lặng lẽ mà kiêu sa đứng trong những nhà vườn, để mỗi mùa đông đến là lại nở hoa để người đời nay biết thế nào là “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” như cụ Nguyễn Du từng ví von…

 Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây mít trong vườn Huế

Trong những khu vườn truyền thống Huế, cây mít thường có mặt như một điều hiển nhiên. Không đơn thuần là một loại cây ăn trái, mít hiện diện trong đời sống văn hóa Huế từ ẩm thực, văn học dân gian, mỹ thuật tạo hình, kiến trúc cho đến triết học, tôn giáo.

Cây mít trong vườn Huế
"Dạo chơi vườn Huế" cùng những họa sĩ yêu Huế

Chiều 8/6, tại Không gian Văn hóa KODO Cà phê đã diễn ra triển lãm tranh “Dạo chơi vườn Huế” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp KODO HUB và bảy họa sĩ yêu Huế tổ chức.

Dạo chơi vườn Huế cùng những họa sĩ yêu Huế
Lắng nghe vườn Huế

“Tôi nghiên cứu nhà vườn như mối liên hệ giữa nghệ thuật với văn hóa Việt Nam, mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất và tinh thần Huế. Nét văn hóa ẩn tàng vẫn còn tồn tại trong những giá trị và bản sắc Huế ngày nay”, Giáo sư (GS), kiến trúc sư (KTS) cảnh quan Kimberlee Stryker (Đại học California, Berkeley) đã nói như vậy trong nghiên cứu về vườn Huế: “Listening to the Gardens of Hue, Vietnam”, cách đây 25 năm.

Lắng nghe vườn Huế
Xuân trong vườn Huế

Người ta hay nói Huế như một khu vườn xanh lá trữ tình. Khi mùa xuân đến, cả không gian vườn Huế thơm dịu dàng hương hoa thoảng bay. Bấy giờ, hoa không chỉ là hoa, hoa còn là ánh bình minh xán lạn đầu ngày, hoa ẩn trong cánh én tin xuân, hoa cưỡi trên cánh bướm khoe hương, khoe sắc, hoa cất lời hòa tiếng chim trong trẻo trên cành… Những cung bậc hoa xuân ấy, nếu tinh tế lắng nghe, sẽ nhận ra có những vang động khác nhau từ các kiểu thức vườn…

Xuân trong vườn Huế
KIẾN TRÚC SƯ NGUYỄN THANH TÙNG:
Huế như một tổng hòa đô thị nhà & vườn lớn

Trong Tọa đàm “Rỗng và những khoảng mở của đô thị” do ASHUI cùng Tích Thiện Viên & Hội Kiến trúc sư (KTS) Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, các diễn giả, kiến trúc sư đã chia sẻ nhiều câu chuyện, góc nhìn đa chiều và những trải nghiệm thú vị về không gian vườn, những không gian mở giữa những căn nhà và rộng lớn hơn là không gian “rỗng & mở” trong lòng các đô thị. Làm sao để kiến tạo nên không gian “rỗng & mở” này và nó thực sự đem lại giá trị hữu ích gì cho con người và đô thị? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với KTS. Nguyễn Thanh Tùng, người sáng lập ANTT Architects.

Huế như một tổng hòa đô thị nhà  vườn lớn

TIN MỚI

Return to top