ClockChủ Nhật, 18/02/2018 21:20

Hòa mình vào hội xuân

TTH.VN - Trong tiết xuân ấm áp, nhà nhà, người người đổ ra đường du xuân. Ngoài thăm thú người thân, bạn bè, các điểm vui xuân ở công viên Lý Tự Trọng và công viên Thương Bạc thu hút hàng ngàn người dân và du khách.

Hội Xuân 2018 đậm nét truyền thốngHội xuân nơi chân đèo Phú GiaĐã thấy xuân quê trên đất phố

Vui hội bài chòi

Trong không khí rộn ràng của những ngày tết, không gian bài chòi ở công viên Thương Bạc đưa mọi người trở lại với hồn quê của tết cổ truyền. Chiều mùng 2 tết, khu bài chòi khai trương trong tiếng cười rộn vang. Đông đảo người dân thành phố hào hứng đến chơi và xem bài chòi, trong số ấy có cả du khách nước ngoài. Trong các chòi tre lợp lá, người chơi không chỉ là những cụ ông, cụ bà mà cả nam thanh nữ tú, trẻ nhỏ cũng say sưa với câu ca của hội bài chòi. Điều đó chứng tỏ, dù có nhiều hoạt động vui chơi giải trí hiện đại, người dân vẫn rất háo hức với trò chơi dân gian này.

Bài chòi – Thú chơi tao nhã ngày xuân

Ông Trần Duy Chựa và bà Phùng Thị Nở quê ở Cầu ngói Thanh Toàn được mời làm “ông hiệu, bà hiệu” dẫn xướng bài chòi. Những câu ca tương ứng với quân bài được ông Chựa, bà Nở hô rao đầy nhịp điệu khiến người chơi và cả người xem cười nắc nẻ: “Hò… ơ… Thiếp xa chàng mất ăn quên ngủ. Chàng xa thiếp giường ngửa gối nghiêng...”. Cứ thế, tiếng hô, tiếng cười hòa lẫn vang cả công viên. Bà Nở kể, mê bài chòi, bà thuộc nằm lòng những câu ca hô rao từ thuở còn là thiếu nữ. Cứ đến dịp tết cổ truyền hay festival, khi bài chòi vào hội, bà lại mang những lời ca ấy góp thêm niềm vui cho mọi người. Ngoài những câu hò trạng, hò thanh và hò đâm bắc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bà Nở còn sáng tác thêm lời mới.

Cái thú của bài chòi không nằm ở ăn thua mà chủ yếu là để mọi người vui đùa đầu năm. Vì thế, từ trẻ nhỏ cho đến các cụ già, bà lão đều chơi một cách hồn nhiên, phấn khích, làm sống dậy một thú vui ngày tết đã đi vào truyền thống dân gian. Ba năm nay, bà Gái trở thành khách quen của hội bài chòi. Với bà, thú chơi tao nhã này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về. Bà tâm sự: “Nhà tui ở cửa Thượng Tứ, năm mô có hội bài chòi cũng qua đây chơi. Từ lúc còn trẻ, tui đã mê bài chòi nên cứ nghe tiếng hô rao vang lên là ở nhà không yên”.

Công viên hút khách du xuân

Suốt 3 ngày tết, công viên Lý Tự Trọng níu chân bao người đến đây vui chơi, chụp ảnh lưu niệm. Vào buổi chiều và tối, lượng khách đến công viên vui chơi đông đến mức đường Lê Lợi ở đoạn này tắc nghẽn.

Hàng ngàn người đến công viên Lý Tự Trọng du xuân

Có sức thu hút như vậy bởi không gian của hội xuân năm nay được trang trí thành một công viên tràn ngập sắc hoa. Với chủ đề “Tết sum vầy”, không gian Tết Việt được tái hiện qua hình ảnh của mâm ngũ quả với những trái cây đặc trưng xứ Huế, mô hình bánh chưng, bánh tét, câu đối tết, ao sen... Những thảm hoa đủ sắc màu, mô hình đoàn tàu hoa, các giá hoa hình trái tim, giếng hoa, các vòng tròn hoa cách điệu linh vật, những chú cún ngộ nghĩnh... là nơi để du khách thỏa sức lưu lại những khung hình đẹp trong năm mới. Trong không gian hội vui xuân còn có triển lãm bon sai, cây cảnh, đá cảnh.

Năm nay, không gian dành cho thư pháp vẫn là nơi nhộn nhịp khách. Chiều mùng 3 tết, khách xúm đen xúm đỏ quanh các ông đồ xin chữ làm kỷ niệm. Người trẻ xin chữ hiếu, nghĩa, nhân. Người lớn tuổi xin chữ phúc, lộc, tài, thọ… Ai cũng hí hửng với món quà đầu xuân đầy thi vị.

Ấn tượng nhất với nhiều người là sự góp mặt của những “anh đồ” trẻ măng trong áo dài, khăn đóng nghiêm cẩn ngồi tặng chữ cho khách. Thay vì đi chơi tết như nhiều bạn trẻ khác, nhà thư pháp trẻ Lê Hà lại ngồi ở đây tặng chữ cho khách và điều đó làm Hà thấy thú vị: “Được tặng chữ cho khách vào những ngày tết và góp phần tái hiện hình ảnh ông đồ cho chữ là niềm vui với người đam mê thư pháp như em. Đó cũng là cách để em góp phần giữ được sự hoài cổ đối với loại hình văn hóa có phần cổ xưa như thư pháp”.

Ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, sân khấu Bia Quốc Học, các trò chơi dân gian như: thi đấu cờ tướng, chọi gà, thả diều nghệ thuật, bài chòi... được tổ chức tại công viên Thương Bạc, Phu Văn Lâu gợi nhắc mọi người về những nét văn hóa truyền thống.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điện Biên rộn ràng trước giờ khai lễ

Trước giờ khai Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên, nhiều người dân Điện Biên trải qua một đêm không ngủ để chờ đón sự kiện trọng đại của đất nước.

Điện Biên rộn ràng trước giờ khai lễ
Bế mạc Hội Xuân Giáp thìn 2024

Chiều 14/2 (nhằm ngày mồng 5 Tết Giáp thìn), UBND T,P. Huế tổ chức bế mạc Hội Xuân Giáp thìn 2024. Tham dự có lãnh đạo thành phố; các sở, ban, ngành, các Hội Sinh vật cảnh và người dân.

Bế mạc Hội Xuân Giáp thìn 2024
Rực rỡ Hội Xuân Giáp Thìn

Cùng với các chương trình, hoạt động ý nghĩa đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố nhằm tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, TP. Huế tập trung chỉnh trang phố phường đón tết, trong đó điểm nhấn là Hội Xuân năm 2024 trải dài ở khu vực bờ nam sông Hương đến các công viên (CV), điểm xanh trên địa bàn.

Rực rỡ Hội Xuân Giáp Thìn
Rộn ràng “Tết Huế”

Không khí tết đang rộn ràng, nhộn nhịp ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn TP. Huế khi nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Festival “Tết Huế” năm 2024 được thành phố và các địa phương trên địa bàn tổ chức.

Rộn ràng “Tết Huế”
Return to top