Chuyện mà thầy nhắc đến là sau khi phim “Mắt biếc” được công chiếu, bối cảnh trong phim là điều mà những người yêu Huế như gia đình thầy luôn muốn được đặt chân đến để tham quan. Thế nhưng, ngoài quán cà phê “Mắt biếc” do người dân kinh doanh và lấy tên từ bộ phim khi đoàn làm phim thuê ngôi nhà này để làm bối cảnh cho phim, các địa điểm khác như Trường tiểu học Đo Đo đóng cửa không cho vào tham quan.
Không chỉ gia đình thầy mà những người làm tour, các doanh nghiệp lữ hành đều không nắm thông tin này. Họ dẫn khách về thì thấy đóng cửa. Vậy là đành ra về. Có chút hụt hẫng, tiếc nuối. Thầy nói, giá như các doanh nghiệp lữ hành có liên kết với địa phương sẽ không xảy ra tình trạng đó, và hẳn là du khách không cảm thấy phiền và có cảm giác như họ bị lừa khi trong lịch trình tuor có check-in các bối cảnh của phim, trong đó có Trường tiểu học Đo Đo.
Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu doanh nghiệp đã đưa vào tour khai thác, tức là có thu phí của du khách, thế nhưng khi được hỏi thì HTX Phú Thuận, xã Quảng Phú (Quảng Điền) (nơi được đoàn làm phim dựng thành Trường tiểu học Đo Đo) xác nhận, họ gần như không thu được gì kể từ sau khi bộ phim kết thúc, dù hàng ngày họ phải mở cửa đón khách. Nghĩa là doanh nghiệp không chia sẻ lợi ích (ở đây được hiểu là kinh phí) cho họ hoặc nếu có cũng không đáng là bao, không đủ để họ duy trì việc đóng, mở cửa địa điểm tham quan.
Câu chuyện này một lần nữa gợi nhắc những mô hình du lịch cộng đồng thất bại trước đó như nhà vườn Kim Long, làng cổ Phước Tích... Dù các mô hình này được du khách yêu thích, nhưng vì người dân không thu được lợi ích, hay nói dễ hiểu là khi lợi ích của người dân và doanh nghiệp tổ chức khai thác tuor tuyến chưa hài hòa nên họ chưa mặn. Các tour cũng vì thế mà chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi ngưng.
Rõ ràng, nếu nói về lợi thế du lịch, Huế không thua thành phố nào trong cả nước, song để khai thác tốt những lợi thế riêng có, nhất là những địa điểm mới - như các điểm check-in trong phim “Mắt biếc”, và mới đây là “Gái già lắm chiêu 3”, sắp tới là “Kiều”, và có thể nhiều bộ phim đình đám khác nữa, thì cần nhiều hơn là cách khai thác điểm đến chuyên nghiệp, mà ở đó, lợi ích của người dân và doanh nghiệp, địa phương phải hài hoà mới có thể duy trì lâu dài và làm nổi bật điểm đến.
Thực tế đã chứng minh, điện ảnh là kênh quảng bá tốt cho du lịch. Ví như Cần Thơ, dù có không nhiều địa điểm nổi tiếng, song chỉ nhờ bối cảnh trong phim “Người đẹp Tây Đô” thôi mà nhà thờ họ Dương là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến đây. Nhờ thế mà các dịch vụ xung quanh, người trông giữ, thuyết minh... có thêm thu nhập, nhà thờ có thêm kinh phí duy tu, sửa chữa.
Dù chưa có con số thống kê chính xác lượng khách đến với các địa điểm được dựng làm bối cảnh trong phim “Mắt biếc”, song theo một số lữ hành, không đợi họ giới thiệu, khách đã muốn đến các địa điểm đó. Đó là chưa kể khách lẻ và khách địa phương, các vùng lân cận. Thế nên, điều ngành du lịch, địa phương và lữ hành cần tính tới là xây dựng phương án khai thác dài lâu bằng những kế hoạch, cách làm chuyên nghiệp, chứ không thể theo kiểu “ăn xổi” như hiện nay. Làm được thế, sẽ hạn chế được tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” và những biển báo phản cảm “Cấm vào” ở Trường tiểu học Đo Đo được dựng lên để từ chối khách dù là mùa dịch COVID-19 hay vì bất cứ lý do nào cũng không nên có đối với một địa điểm check-in nói riêng, ngành du lịch nói chung.
TÂM HUỆ