ClockThứ Bảy, 21/06/2014 04:39

Ký ức Hoàng Sa

TTH - Trong một lần đi tác nghiệp ở xã Điền Môn - huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế, qua câu chuyện với anh Phạm Do - Chủ tịch UBND xã Điền Môn mới biết anh là cựu chiến sĩ hải quân từng đóng ở quần đảo Trường Sa. Chúng tôi bắt đầu say sưa về chuyện biển đảo, chuyện cuộc sống của những người lính đảo và chuyện những loài cá biển vô cùng phong phú ở Trường Sa. Sau nhiều câu chuyện về Trường Sa, anh do mới cung cấp một thông tin thật bất ngờ: “Ở làng Vĩnh Xương - xã Điền Môn của mình có một người từng ở đảo Hoàng Sa trong những ngày cuối cùng trước khi quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đóng, đó là ông Nguyễn Văn Tấn…”.

Ông Tấn gặp nhà sử học Dương Trung Quốc tại một buổi triển lãm chủ quyền biển đảo

Và đây là chuyện về những ngày cuối cùng ở quần đảo Hoàng Sa của ông Nguyễn Văn Tấn, một trong những người cuối cùng sống và làm việc tại Hoàng Sa trước khi quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép...

Năm 1971, gia đình ông Tấn sơ tán từ Huế vào Đà Nẵng. Tại thành phố biển miền Trung này, ông Tấn đã gặp ông Chỉ một người đồng hương đang làm việc ở Nha Khí tượng Đà Nẵng và được ông Chỉ giới thiệu vào làm việc tại đây. Sau một năm làm việc ở Nha Khí tượng Đà Nẵng, mùa hè năm 1972 ông Tấn nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa làm việc; cùng làm việc với ông còn có 2 đồng nghiệp ở Sài Gòn và 1 đồng nghiệp ở Đà Nẵng. Tàu xuất phát từ cảng Đà Nẵng 5 giờ chiều, đến 8 giờ sáng hôm sau thì cập đảo Hoàng Sa. Theo lời kể của ông Tấn, hòn đảo mà đơn vị ông làm việc có diện tích 4km2, sóng biển vỗ bốn bề. Khi còn chiếm đóng Việt Nam, người Pháp đã đưa quân đội đến đây trồng cây, xây dựng nhà cửa, đào giếng nước ngọt... Để chống chọi với phong ba bão táp, họ đã cho trồng nhiều cây phi lao chắn gió, xây dựng những căn nhà rất thấp, sâu nửa mét dưới mặt đất và cao nửa mét tính từ mặt đất. Riêng giếng nước ngọt thì xây dựng rất bề thế, rộng đến 2m và sâu 4m. Ở quần đảo Hoàng Sa có một loài cây tự nhiên mọc thành từng khu rừng nhỏ, thân rất dẻo, có thể xuôi theo chiều gió mà không hề hấn gì. Nhưng hai di tích ấn tượng nhất mà ông Tấn còn nhớ rất rõ: Thứ nhất là tấm Bia đá có bề ngang bằng một sải tay người, cao 2,5m; thứ hai là ngôi miếu thờ một nữ thần giống Phật Bà Quan Âm. Khi sống ở đảo, cứ đến rằm và mồng một âm lịch ông Tấn và mấy anh em đều nấu chè, xôi để cúng ở ngôi miếu này một cách thành kính... Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, dưới thời Ngô Đình Diệm, người Việt tiếp tục xây dựng đường ray xe lửa và cả toa xe lửa ở Hoàng Sa... Khi ra làm việc ở đảo, công việc chính của ông Tấn là thả bong bóng để đo tọa độ trong khi hai đồng sự của ông thì nghiên cứu về thiên văn. Mỗi chuyến ra đảo của họ kéo dài 3 tháng. Trước khi đi, họ được Nha Khí tượng cấp 100 đồng để mua lương thực, thực phẩm và nhiều thứ nhu yếu phẩm khác đủ dùng trong 3 tháng. Là nông dân, ông Tấn vốn quen trồng trọt nên ông mang theo cả những thứ giống rau như cải, ngò... ra gieo ở đảo để cải thiện bữa ăn. Những giống rau này đều đâm chồi, xanh lá rất tốt...

Những thế hệ người Việt Nam đã đến sống và làm việc trên vùng đảo này; trong đó có người đã mãi mãi nằm lại trên đảo. Theo trí nhớ của ông Tấn thì có đến gần 30 ngôi mộ trên đảo mà ông và các đồng sự vẫn thường hương khói. Ông Tấn nói: “Không biết họ mất từ năm nào? Những tấm bia bằng đá cũng không ghi rõ họ tên của người mất...”.

Mỗi năm, nhân viên của Nha Khí tượng làm việc ở Hoàng Sa 3 tháng, thường bắt đầu từ mùa xuân khi những cơn bão nhiệt đới đã thôi gầm rú từ ngoài khơi xa. Ông Nguyễn Văn Tấn ra đảo từ năm 1972 và đến đầu năm 1974 là lần thứ 3 ông ra làm việc ở đảo Hoàng Sa. Ông nhớ lại: “Từ năm 1972 thì tàu Trung Quốc đã nhăm nhe nhòm ngó đảo Hoàng Sa. Tàu của Trung Quốc vẫn luôn đi lại ở vùng biển này. Thỉnh thoảng họ cũng vô xin nước rồi trao đổi hàng hóa...”. Một buổi sáng thứ bảy đầu năm 1974, theo trí nhớ của ông Tấn, giấc ngủ của mấy anh em đang ngon bỗng bị đánh thức bởi ba phát pháo từ ngoài khơi. Tất cả choàng tỉnh dậy. Mới 6 giờ sáng, hàng trăm chiếc tàu lớn, tàu nhỏ của Trung Quốc đã vây quanh đảo Duy Mộng. 8 giờ sáng, quân đội và cả người dân thường của Trung Quốc đã đồng loạt đổ bộ lên đảo... “Chúng tôi điện về Đà Nẵng để báo cáo tình hình trên đảo, Nha Khí tượng Đà Nẵng trả lời sẽ có máy bay ra chi viện. Nhưng khi đó anh em chúng tôi đều hiểu rằng, họ nói là nói vậy chớ ở Hoàng Sa làm chi có sân bay mà ra cứu trợ. Chúng tôi khi đó cảm thấy vô vọng, ôm nhau khóc ... Lính Trung Quốc bắt chúng tôi rồi họ lục lọi hồ sơ của chúng tôi. Đúng 11 giờ trưa hôm đó họ bắt và đưa chúng tôi xuống tàu... Mưu đồ đen tối muốn chiếm đóng Hoàng Sa của Trung Quốc đã được chuẩn bị rất kỹ càng, bằng chứng là sau khi nổ súng, đổ bộ xâm chiếm đảo, họ đã bố trí ngay người dân nước họ dựng nhà cửa rồi cũng chỉ một thời gian ngắn họ đã mang ngư lưới cụ ra đánh cá liền, xem như họ đã ở đó từ lâu rồi.”

Ký ức về những ngày tháng ở quần đảo Hoàng Sa của ông già 80 tuổi Nguyễn Văn Tấn thỉnh thoảng lại hiện về trong câu chuyện với con cháu và cả trong những giấc mơ. Ông nói: “Mình già rồi, chuyện về Hoàng Sa cũng đã 40 năm trôi qua. Những người bạn cùng làm nghề thiên văn khí tượng ở đảo ngày nào quê ở Sài Gòn đã mất cả, chỉ còn ông Miễn ở đường Hoàng Diệu - Đà Nẵng thì nghe vẫn còn sống...”. Nói đến đó mắt ông bỗng dưng đỏ hoe. Những ký ức về Hoàng Sa máu thịt lại hiện về trong ông...

Bài và ảnh: Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Return to top