ClockThứ Sáu, 07/06/2019 09:43

Ký ức mồng năm

TTH - Ở làng mình đúng là sau Tết thì vui nhất là tết mồng 5 coi như nhà mô cũng có thịt vịt, chè kê để ăn.

Hồi nhỏ mình vẫn hay nghe thằng Thịnh "Pháp" đọc câu vè: "Mồng Năm ngày Tết ăn chơi-  Ba thằng chự vịt mang tơi lè kè". Thời đó, gia đình ông bà ngoại của Thịnh hoàn cảnh khó khăn nên hình như học xong lớp 5, thằng Thịnh bỏ học và chăn trâu cho hợp tác xã. Thằng Thịnh hay đọc câu vè ni vì theo hắn thì chăn trâu sướng hơn chăn vịt; mồng 5 ngày tết có thể nhốt trâu trong chuồng cho ăn cỏ và đi chơi còn mấy người chăn vịt thì phải túc trực canh vịt ngoài đồng bất kể trời mưa nắng hay dịp lễ tết; bởi vì vịt đàn chạy lung tung sợ phá ruộng lúa rồi sợ mất vịt.

Ở làng mình đúng là sau Tết thì vui nhất là tết mồng 5 coi như nhà mô cũng có thịt vịt, chè kê để ăn. Bà nội mình thường trưa mồng 5 xắt mấy trái chanh trộn với đường đen cho mấy anh em mình ăn vào đúng giờ Ngọ để được sáng mắt và cả sáng dạ. Ở làng mình cũng có tục hái lá mồng 5. Vui nhất là sáng sớm mấy đứa con nít theo mấy mệ, mấy o lên độn tìm hái các loại lá như vằng, bông bạc, bò... về trộn chung với nhau phơi nấu nước uống dần.

Sáng mồng 5, mẹ đong 10 lon nếp thơm rồi nói: “Con xách lên đi tết cho ôn Bụi!”. Mình ngạc nhiên: “Vì răng lại đi tết cho ôn Bụi mẹ?”, mẹ cười: “Thì ôn đã chích lễ cho con hồi mùa hè đó!”. Năm đó xóm Kế của mình  rất vui khi có thêm một gia đình mới tới định cư đó là gia đình ôn Bụi. Ôn Bụi đi tập kết ngoài Bắc từ năm 1954, làm công nhân nông trường Cờ Đỏ ở Nghệ An, không biết răng hòa bình hơn 10 năm sau ôn mới trở về quê sinh sống. Nhà ôn có đến 10 đứa con, trong đó có Cúc sau này là bạn học của mình.

Ôn Bụi về làng sinh sống và dựng ngay cái quán ở ngã ba xóm vừa bán quán, vừa gò hàn, sửa xe đạp… Cái quán đó cũng là nơi tụ tập của lũ trẻ con  trong xóm vừa coi ôn hành nghề, vừa bày mấy trò chơi nghịch phá. Nói chung thì ôn Bụi biết nhiều nghề, nhưng cũng không phải là một người giỏi nghề. Ví như ôn gò xong cái xoong nhôm, múc nước thử thấy nước chảy ra ngoài là ông lấy mấy ngọn rau khoai bết vô nước hết chảy liền. Còn sửa xe đạp ôn chỉ rành mấy cái đơn giản như vá ruột, sửa con cốc, thay phanh… còn hư hỏng phức tạp thì ôn chịu. Nhưng mần chi thì mần, sáng mở mắt là ôn phải có vô bụng vài ly rượu đế. Ôn uống không nhiều nhưng đều, mắt lim dim và cười rất hiền, ai nói chi cũng mặc.

Tính ôn hiền rứa nên mấy đứa con nít xóm mình tha hồ cầm đồ nghề của ôn phá phách. Những ngày đầu hè, đi dang nắng nên mình đổ bệnh sốt ly bì mấy ngày, uống thuốc mấy cũng không khỏi. Ôn Bụi chạy xuống nói thằng cu đau cái chi ôn chích lễ cho khỏi liền. Ôn chích lễ đúng là thần diệu, cầm cái kim nhỏ ôn lễ từ đầu đến chân chỉ hơi đau như kiến cắn; chích buổi sáng thì buổi chiều mình đã vùng dậy khỏi giường… Chuyện là vậy nên mẹ nói phải đi tết cho ôn Bụi. Tôi và thằng em lon ton xách bao nếp thơm lên đi tết nhà ôn Bụi. Gặp trước cổng nhà là ôn từ chối ngay tắp lự: “Nhà bây bày đặt, xóm giềng mà tết với nhứt làm chi, mang về đi rồi trưa tau ghé nhà làm cốc rượu!”…

Sáng ni đi làm ngang qua chợ Bến Ngự đã nghe tiếng vịt kêu "cạp cạp, cạp cạp..." vui tai. Lại nhớ cái dáng liêu xiêu hiền lành của ôn Bụi đi trên đường xóm trưa mồng năm, nhớ hình ảnh của thằng Thịnh ngày Tết Đoan Ngọ năm nao đổ cỏ cho trâu ăn mà miệng cười khoái chí đọc câu vè: "Mồng Năm ngày Tết ăn chơi - Ba thằng chự vịt mang tơi lè kè".

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Return to top