ClockThứ Sáu, 05/06/2015 15:06

Mang lời ca, tiếng hát đến dân bản

TTH - Bằng lời ca tiếng hát, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, Đội Thông tin lưu động (TTLĐ) thuộc Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới bao lần đem niềm vui đến với dân bản.
 

Thiết thực…

Biết tôi có ý tìm hiểu về đội văn nghệ quần chúng lưu động của huyện A Lưới, ông Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới bảo: “Bây giờ đội có tên là Đội TTLĐ. Kể từ ngày đầu tiên đi vào hoạt động, đến nay đội vẫn được duy trì, là đội xung kích đi đầu, tiêu biểu của tỉnh về các hoạt động văn hóa, văn nghệ…”.

Ký ức của chị Hồ Thị Tư những ngày đầu thành lập đội vẫn vẹn nguyên. Chị là một trong 7 thành viên đầu tiên của Đội TTLĐ huyện A Lưới. Bây giờ, chị Tư đang làm công tác quản lý với chức danh Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện. Chị kể: “Đầu năm 1985, Đội Nghệ thuật quần chúng (tiền thân của Đội TTLĐ) được thành lập gồm 1 đội trưởng, 2 đội phó, còn lại là thành viên. Những người đến với đội thường có năng khiếu về âm nhạc, hiểu rõ văn hóa dân tộc vùng cao và nhiệt tình với công việc. Chúng tôi mang lời ca, những điệu dân vũ đến với bà con vùng sâu, vùng xa không có điều kiện để tiếp cận. Thông qua các chương trình văn nghệ tổng hợp, chúng tôi đan xen, lồng ghép tuyên truyền để bà con nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Tôi có dịp tham gia một buổi văn nghệ của xã Hồng Bắc (huyện A Lưới), chỉ là một buổi sinh hoạt nhỏ nhưng bà con đến chật kín nhà văn hóa xã. Anh Hồ A Têng (thôn A Sốc, xã Hồng Bắc), chia sẻ: “Mỗi lần có sinh hoạt văn nghệ, bà con thường đến rất đông. Ai cũng mong có thật nhiều chương trình văn nghệ của xã, của huyện để thư thái sau những ngày mưu sinh vất vả”.

Vai trò của đội từ những ngày đầu thành lập đến bây giờ càng trở nên quan trọng, thiết thực. Những văn bản pháp luật, đường lối, chính sách tưởng chừng khô khan được họ tuyên truyền một cách sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn, từng bước ăn sâu vào tâm trí người dân. “Tùy theo từng nội dung sự kiện, chúng tôi có những cách chuyển tải khác nhau để thu hút bà con. Đằng sau những bài kịch, bài hát là những nội dung mà Đảng và Nhà nước muốn Nhân dân nắm rõ. Chính những tiết mục đầy tính nhân văn đó khiến những buổi biểu diễn của chúng tôi thu hút đông người dân đến theo dõi. Mỗi đêm diễn kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Khi chương trình hạ màn, bà con thường rất luyến tiếc. Tiếc cũng đúng thôi vì sau những ngày mưu sinh, họ rất ít khi được thưởng thức những chương trình văn nghệ”, chị Tư nói.

Góp phần gìn giữ văn hóa

Hầu hết các chương trình văn nghệ tổng hợp của Đội TTLĐ huyện A Lưới biểu diễn thường gắn liền với những nét văn hóa vùng cao. Đó có thể là điệu múa, bài hát của người Pa Cô, hay những tiết mục biểu diễn sắc phục của người Tà Ôi, Cơ Tu... Với các thành viên trong đội, bên cạnh mang niềm vui đến bà con dân bản, điều làm họ tự hào là góp phần, dù là nhỏ bé, để gìn giữ nét văn hóa của các dân tộc vùng cao. Anh Hồ Văn Liên (thành viên của đội), chia sẻ: “Tôi có năng khiếu về âm nhạc, được phục vụ bà con bằng sở trường của mình đó cũng là may mắn. Điều quan trọng là qua những tiết mục mà đội biểu diễn, bà con có thể hiểu hơn về những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc”.

“Khó khăn nhất đối với Đội TTLĐ là thiếu nguồn nhân lực. Chúng tôi đang cố gắng duy trì hoạt động, mỗi năm về phục vụ ở các xã khoảng 2 lần và phục vụ biểu diễn văn nghệ cho các đoàn lãnh đạo. Để khắc phục vấn đề thiếu nguồn nhân lực, mỗi lần biểu diễn, đội thường phối hợp với các anh em ở cơ sở và cộng tác viên ở các cơ quan, đơn vị”, ông Hồ Văn Ngoan cho biết.   

Việc gìn giữ nét văn hóa vùng cao được những thành viên trong đội xem như nhiệm vụ. Họ cũng giúp bà con tiếp cận được nhiều hơn với những cái mới. Chị Hồ Thị Tư đưa cho tôi xem tuyển tập 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương A Lưới được chuyển dịch từ lời Việt sang lời Pa Cô, rồi tâm sự: “Đối với bà con vùng cao, không phải ai cùng hiểu rõ được tiếng Việt nên thời gian gần đây, chúng tôi tiến hành dịch những nhiều bài hát sang tiếng Pa Cô. Mục đích nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân, giúp họ dễ dàng tiếp cận với những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước; làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, nâng cao dân trí và năng lực tiếp nhận các giá trị tiến bộ, loại bỏ các hủ tục lạc hậu”.

Làm văn nghệ, ai trong đội cũng thừa đam mê. Có những chuyến biểu diễn “xuôi chèo mát mái”, nhưng nhiều chuyến họ cũng gặp lắm gian nan. “Nghề của chúng tôi có một khẩu hiệu vui là “ngủ ngày, cày đêm”. Có nhiều chuyến đi biểu diễn xa như vào các xã A Roàng, A Đớt, biểu diễn xong, thu dọn trang thiết bị lên xe thì trời đã khuya. Trên đường về nhiều lần xe bị sa lầy, chết máy giữa chừng, thế là tất cả anh chị em trở thành “lực sĩ đẩy xe”. Để đảm bảo sức khỏe, nhiều đêm diễn chúng tôi phải ngủ lại tại các nhà sinh hoạt cộng đồng của dân làng.

Bây giờ, điều kiện đã khác hơn xưa, nhưng ở những bản làng xa xôi vẫn còn nhiều người dân khát khao chờ đợi để được thưởng thức những chương trình biểu diễn đầy tâm huyết của đội thông tin lưu động. Và họ, các thành viên của Đội TTLĐ vẫn luôn sẵn sàng mang đến những bữa ăn tinh thần cho tất cả bà con.

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Return to top