ClockThứ Tư, 12/03/2014 09:49

Một giờ với nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK

TTH.VN - Buổi sáng hẹn với MPK, dù chưa gặp lần nào nhưng nghe giọng anh cười hề hề trong máy,nghĩ ngay đây là một người dễ tính. Mà đúng thật, anh đồng ý ngay “Chiều 2 giờ em đến Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng hí, anh đang chuẩn bị cho khai mạc triển lãm vào chiều 12/3.

Anh đặt tên cho triển lãm của mình là “ Về”, nghĩa là…?

Nghĩa là tôi đang trở về quê hương của mình. Ba tôi ở Phủ Cam- Huế, mạ tôi ở Hòa Đa - Phú Vang. Hai ông bà vào Đà Lạt làm ăn, năm 1957, tôi được sinh ra ở Đà Lạt. Năm 1993, tôi đã hẹn về Huế triển lãm nhưng rồi không thành. Hai mươi năm đã qua, bây giờ mới thật sự là trở về.
 
Huế có gợi gì cho anh không?
 
Tôi luôn xem mình là một đứa con hoang, ham chơi, nghịch ngợm. Về đây, tôi như nghe tiếng mạ gọi “Phước ơi, về ăn cơm” nhưng nhiều lúc ham chơi quên cả tiếng mạ gọi. Đợt này, tôi sẽ về Hòa Đa. Ở Đà Lạt, bà ngoại tôi hay kể “Ở quê mạ con, đi qua con hói có con ma rà…”. Tôi không biết hói là chi, ma rà là chi (cười hề hề).
 
Anh đem đến triển lãm bao nhiêu bức ảnh?
 
63 bức, trong đó có 18 bức về Huế, đó là những bức tôi chụp Huế năm 1993 như đường Lê Lợi, lúc đó hai bên đường là hai hàng cây xanh rì, đèn đường đang là đèn trắng,  bây giờ đèn có ánh sáng vàng (khác ánh sáng, màu ảnh sẽ khác).
 
Vậy là anh đã cầm máy ảnh được bao lâu rồi?
 
Năm nay là 31 năm. Năm 1983, lúc làm nghề bốc vác, một ngày cực khổ mà chỉ bằng bạn tôi chụp 10 tấm ảnh. Thế là tôi chuyển sang sắm máy ảnh và đi chụp. Vào nghề, tôi tự học, tự chế vài dụng cụ để chụp vì tiền mô mà mua những máy với giá tiền khủng tính bằng đô la. Có lẽ nhờ tự học mà tôi tìm ra được những cách chụp hiệu quả, thể hiện được ý tưởng của mình.
 
Anh quan niệm thế nào là nghệ thuật?
 
 “Nghệ thuật là một phương tiện truyền đạt ý tưởng cho toàn cầu không cần riêng miền xứ”. Nghệ thuật đẹp làm cho tâm hồn con người được bình an. Khi tâm được bình an, con người sống với nhau trọn nghĩa hơn. Đứng trước một điều xấu, tâm hồn bấn loạn nhưng đứng trước điều đẹp, người ta không còn sợ hãi. Chân hạnh phúc chỉ đến khi tâm bình an.
 
Có bức ảnh nào mà anh “rình” mãi không chụp được?
 
Không, tôi không “rình” để chụp ảnh. Khi mình “ rình” tức là mình đã đưa quá khứ vào hiện tại, mà chụp ảnh là hiện tại “bất hoài quá khứ, bất vọng tương lai”. Thấy hay là chụp, không mang vác ý niệm của mình vào tác phẩm. Bạn bè nói tôi chụp ảnh giống con nít. Nhưng tôi là vậy, thấy đẹp là chụp, thấy mặt trời đẹp là chụp, không áp đặt ý kiến chủ quan vào thiên nhiên.
 
Nói như vậy anh chụp ảnh chỉ theo cảm xúc, còn các yếu tố nghệ thuật?
 
 Những ánh sáng, góc cạnh, khoảng cách… đó là kỹ thuật nhiếp ảnh. Ví dụ như góc cạnh, đó chính là góc nhìn của từng cá nhân nhưng muốn có một góc nhìn độc đáo phải học – nghệ thuật sinh ra tác phẩm, còn kỹ thuật thì sinh ra sản phẩm.
 
30 năm đi khắp nơi, anh đã thấy mỏi mệt chưa?
 
Chưa, chưa. Đi miết thôi, đi để trải nghiệm. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn nói với tôi “Người ta đặt mày là khùng, tao đặt mày là thằng chết rồi mà vẫn còn đi”.
 
Năm nay, anh có dự định gì sau triển lãm ở Huế?
 
MPK: Tôi còn một triển lãm nữa ở TP Hồ Chí Minh và sau đó sẽ làm một quyển sách về 30 năm cầm máy của mình, đó cũng là chiều theo ý của bạn bè thôi! Nhắc bạn bè mới nhớ, thôi, tôi đi làm vài ly với anh em đây...(cười)
 
Cám ơn và chúc anh có những ngày vui tại Huế.
 
Tên thật Nguyễn Văn Phước, biệt danh MPK (Michel Phước Khùng), đã tổ chức 30 triển lãm tại TP HCM, Đà Nẵng… Nổi tiếng với những bức ảnh độc đáo về thiên nhiên và cả phong cách nghệ sĩ “phiêu bạt giang hồ”...

 

Xuân An (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top