Họa sĩ vẽ tranh tại không gian triển lãm
Giới thiệu đất nước, con người Việt Nam
Ở Pháp và Thụy Sĩ, 5 họa sĩ trên cùng một họa sĩ người Pháp gốc Việt là Võ Thị Ngọc Tiền giới thiệu đến bạn bè quốc tế những hình ảnh đặc trưng về đất nước, con người, những âm hưởng cuộc sống của dân tộc Việt Nam. Mỗi người một phong cách, chất liệu: màu nước, tranh dán giấy, đồ họa bút sắt, acrylic và sơn dầu đã diễn tả nhiều khía cạnh của cuộc sống bằng những bút pháp, góc nhìn khác nhau, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho phòng tranh.
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ là loạt tranh chân dung biểu cảm nhiều cung bậc cảm xúc của con người: buồn, suy tư, hoan hỉ… Tranh của họa sĩ Tô Trần Bích Thúy mang hơi hướng của Thiền định khi diễn tả về cuộc hành trình của đời người trên bước đường đi tìm hạnh phúc, cũng như thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Hình ảnh những cô thiếu nữ trong tà áo dài, những ngôi nhà chồ trên sông, gánh hàng rong, chiếc xe đạp vốn gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam nói chung và Huế nói riêng được họa sĩ Hoàng Thanh Phong thể hiện trong những bức tranh acrylic khiến người xem thích thú. Họa sĩ Hoàng Thanh Phong còn tạo được ấn tượng với công chúng khi ký họa chân dung, trực tiếp sáng tác trong không gian triển lãm.
Tại thành phố Saint Jean de Daye thuộc vùng Normandie (Pháp), các họa sĩ cũng tham gia triển lãm mỹ thuật cùng với họa sĩ các nước: Canada, Mỹ, Anh, Pháp nhân kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức. Triển lãm tái hiện nhiều hình ảnh, ký ức về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Các họa sĩ đến từ Việt Nam góp mặt vào triển lãm với những tác phẩm thể hiện khát vọng sống, công cuộc xây dựng cuộc sống mới của người dân sau chiến tranh.
Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy chia sẻ, chị rất hạnh phúc khi tham gia chuyến đi ở châu Âu: “Đây không chỉ là trải nghiệm thú vị của cuộc sống mà còn mang lại những cảm hứng, kích thích sự sáng tạo. Chắc chắn sẽ có những tác phẩm thể hiện hình ảnh, cảm xúc trong chuyến triển lãm tại châu Âu lần này. Ra thế giới chính là cách để nghệ sĩ nhìn lại, thấy mình nên làm gì và cần thay đổi những gì trên con đường sáng tạo. Học hỏi từ mỹ thuật châu Âu, mỗi người đúc rút cho mình những kinh nghiệm, mô hình, phương pháp sáng tác…”.
Giao lưu và kết nối
Từ sự kết nối của ông Tibor Strahle, một kiến trúc sư ở Thụy Sĩ vốn yêu thích hội họa, các họa sĩ đã được mời sang triển lãm tại gallery của ông ở thành phố Le-Mudis. Ông Tibor từng sưu tập nhiều bức tranh của họa sĩ Việt nên luôn muốn giới thiệu mỹ thuật Việt Nam tại Thụy Sĩ cho công chúng yêu nghệ thuật và người Việt tại Thụy Sĩ được thưởng lãm. Tiếp đó, các họa sĩ được chị Nguyễn Thị Dư, một người Huế sống ở Pháp giúp đỡ kết nối tổ chức các triển lãm ở Pháp để tranh của họa sĩ Việt Nam có cơ hội được giới thiệu, lan tỏa.
Các họa sĩ tại không gian triển lãm
Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ cho hay: “Chuyến đi mở ra cho chúng tôi sự giao lưu, kết nối với các họa sĩ ở Thụy Sĩ và Pháp để sau này có thể giới thiệu họ về tổ chức triển lãm ở Việt Nam. Sang năm, một số người trong nhóm sẽ trở lại Pháp triển lãm và dạy cách vẽ tranh lụa, làm tranh sơn mài cho những người yêu mỹ thuật. Nếu sơn dầu và acrylic mình phải học hỏi châu Âu thì lụa và sơn mài lại là thế mạnh của họa sĩ Việt Nam”.
Ở Pháp và Thụy Sĩ, nhiều người đến xem triển lãm và rất thích tranh của họa sĩ Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm được sưu tập. Trong triển lãm, mỗi họa sĩ được tạo một không gian riêng để vẽ trực tiếp, tạo sự tương tác hiệu quả giữa người sáng tác và người thưởng lãm. Họa sĩ Hoàng Thanh Phong kể, trong cuộc triển lãm tại Trung tâm đương đại Saint – Lô ở thành phố Saint – Lô thuộc vùng Normandi của nước Pháp, ngài Thị trưởng vùng Normandi bày tỏ cảm xúc: “Triển lãm này là cầu nối giữa đất nước các bạn và đất nước của chúng tôi. Với những màu sắc rựa rỡ, phong cách đa dạng, đây là cuộc triển lãm tuyệt vời của tình hữu nghị và kết nối”. Đích thân ông thị trưởng đã mời các họa sĩ quay lại tiếp tục triển lãm và hướng dẫn cách vẽ “bay” cho những người yêu thích.
Theo họa sĩ Nguyễn Thị Huệ, điều khiến chị thích thú trong chuyến đi này là những trải nghiệm ở không gian biểu diễn nghệ thuật tại đồi Mongmax của nước Pháp. Tại đây, các họa sĩ được tạo không gian để vẽ tranh, nghệ sĩ cũng có những không gian riêng để chơi nhạc rất chuyên nghiệp. Vừa biểu diễn, họ vừa bán tranh, đĩa nhạc. Với mô hình nghệ thuật đường phố này, các họa sĩ và nghệ sĩ vẫn sống rất ổn. Đây là mô hình có thể áp dụng cho Huế.
Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ gợi ý: “Ở Pháp, rất đông du khách đến đồi Mongmax xem biểu diễn nghệ thuật và mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng cho Huế. Huế có đội ngũ họa sĩ, nghệ sĩ âm nhạc đông đảo, hoạt động chuyên nghiệp. Ở phố đi bộ, thành phố cần tạo không gian cho nghệ sĩ hoạt động, tạo thành một điểm nhấn không gian văn hóa. Hoặc ở Đại Nội, ở các không gian công cộng có thể vừa biểu diễn, vừa bán đĩa nhạc truyền thống…”.
Bài: Trang Hiền - Ảnh: NVCC