ClockThứ Bảy, 24/07/2021 06:15

Họa sĩ Gaston Roullet & Huế

TTH - Gaston Roullet (1847-1925) là họa sĩ Pháp đầu tiên xuất hiện ở Đông Dương. Roullet khởi hành từ cảng Toulon ngày 20/8/1885, trên chiếc tàu La Shamrock thuộc Hải quân Pháp. Sau 5 tuần tàu cập cảng Sài Gòn, ông dừng lại chỉ có mấy ngày để chuẩn bị ra Bắc nhận nhiệm sở, nhưng từ đây Roullet thực sự bắt đầu hành trình bằng hội hoạ của ông ở Đông Dương.

“Sông Đông Ba ở Kinh thành Huế”

Ông bắt đầu đăng các tường thuật và tranh minh hoạ trên các tạp chí như Le Monde Illustre, Le Journal des Artistes, L’Illustré Moderne… Tuy đi cùng với quân đội viễn chinh dưới trướng của Thống tướng De Courcy, Gaston Roullet vẫn có thể thực hành nghệ thuật theo ý muốn của ông. Tuy thời gian vỏn vẹn có mấy tháng ở Đông Dương, nhưng ông có kết quả hành trình thật đáng nể: hơn 200 bức

tranh, chất liệu gồm sơn dầu, màu nước, và ký họa (một số sau này được ông chuyển sang sơn dầu)…

Điều đáng chú ý, cùng thời gian với Gaston Roullet vừa vẽ tranh vừa tường thuật về hành trình của mình ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nhiếp ảnh gia Charles-Édouard Hocquard cũng cùng đi với tư cách là bác sĩ cứu thương tình nguyện. Roullet và Hocquard đã gặp nhau ở Hải Phòng và trở thành hai người bạn thân đồng hành, và cùng chuyến ra Đà Nẵng và Huế đầu năm 1886. Ra Bắc, ông vẽ khá nhiều tranh về Hạ Long, Hà Nội. Sau đó, ông vào Đà Nẵng rồi ra Huế.

Tác phẩm “Bãi biển Thuận An”

Từ Đà Nẵng, Roullet tới Huế bằng đường bộ. Ông đi qua đèo Hải Vân và “chúng tôi thấy ở dưới chân đèo có những chiếc thuyền rất dài, rất hẹp, rồi băng qua một con sông lớn, chúng tôi đổ bộ xuống vịnh Lăng Cô”. Bán đảo này cạnh núi non với bãi cát trắng và xóm chài là chủ đề cảm hứng cho bức tranh sơn dầu “Lagunes de Long-co” (Phá Lăng Cô) rất đẹp và thơ mộng của Roullet. Tới Huế, ông đi thăm lăng tẩm các vua nhà Nguyễn. Sau đó, chờ xin yết kiến vị vua trẻ Đồng Khánh, lúc đó vừa lên ngôi từ tháng 9/1885 và vẽ chân dung ngài.

Ông kể lại sự kiện vẽ chân dung vua Đồng Khánh: “Tôi tiến về phía Đức Vua, ngài đưa tay ra và tôi chào ngài theo kiểu Pháp. Ngài rất trẻ và thật sự vẫn là cậu bé xinh đẹp đối với một người An Nam, trông ngài có vẻ thông minh, nhưng trong chiếc áo dài hoàng gia tuyệt đẹp, trông ngài khá ẻo lả. Cha Hoàng phủ phục dưới chân ngài, bằng một giọng thiết tha, cha cầu xin ngài ngồi một lát để cho tôi vẽ ngài. Vì vậy, trong khoảng 15-20 phút, tôi có thể phác hoạ bằng màu những sắc độ của chiếc áo bào dài và cái khăn xếp màu vàng ánh kim trên nền màu tối sẫm. Những màu vàng cadmium tinh khiết nhất cũng thật mà khó diễn tả được loại tơ lụa lộng lẫy này. Tôi ý thức rằng, công việc vẽ này phải nhanh chóng, vì những phút này đủ để ngài thấm mệt khi ngồi yên trên ngai vàng. Tôi nghĩ, sẽ tận dụng thời gian để nghiên cứu thêm dáng vẻ của ngài, nhưng chưa được nửa giờ trôi qua, đức vua nói với tôi qua người thông dịch rằng ngài không thể kéo dài thêm thời gian yết kiến được nữa. Buổi vẽ chân dung kết thúc. Tôi lại tiến tới vua đang đứng và bắt tay ngài hai lần. Tôi nói cảm ơn sự được vinh hạnh và xin tặng ngài bức chân dung, rồi ngài rút lui một cách uy nghi, bằng những bước chân rất nhỏ, có thể nói là trượt đi, giữa hai hàng quan lại hai tay nâng hốt che ngang mũi. Trước và trong khi vẽ chân dung vua, tôi để ý thấy sau gian phòng, đằng sau ngai vàng và các quan thượng thư là một số những người đàn bà của nhà vua len chen sau những tấm bình phong, họ rất mạnh dạn liếc về phía tôi… điều này chứng tỏ phụ nữ không đánh mất quyền của họ ở bất cứ xứ sở nào”.

Bức “Le Manca à Hué” (Đồn Mang Cá)

Những ngày ở Huế, trong khi Hocquard chụp ảnh thì Roullet phác hoạ bằng bút, do đó dân An Nam đặt cho mỗi ông một biệt danh, ông hoạ sĩ là “Ông quan cây bút” còn ông chụp ảnh là “Ông quan cái đèn”! Trong thời gian ngắn, khoảng cuối 1885 đầu 1886 trước khi về Pháp mở triển lãm, Roullet đã đi và vẽ nhiều nơi ở Huế.

Ông vẽ ít nhất là hai bức “Sông Đông Ba ở Kinh thành Huế” và chú thích: “Sông Đông Ba chạy dọc bên ngoài song song với toàn bộ công sự và kết nối với Kinh thành bằng những cây cầu gỗ lớn”. Đây là bức tranh sơn dầu đầu tiên vẽ cảnh Huế vào đầu năm 1886, Gaston Roullet nhìn bờ bên này xéo sang phía bên kia sông là cửa thành Đông Ba và cầu gỗ Đông Ba - cây cầu đầu tiên của Kinh thành Huế. 

Một bức tranh Gaston Roullet vẽ sông Đông Ba khác so với bức “Sông Đông Ba ở Kinh thành Huế”. Cầu gỗ Đông Ba và cửa Đông Ba có lùi xa hơn, từ đó nhìn thấy những mui đò và cảnh sinh hoạt của cư dân Kinh thành Huế trên sông ngày xưa.

Ông vẽ bức “Đồn Mang Cá” ghi nhận sự việc người Pháp đã chiếm giữ đồn Mang Cá theo Hiệp ước Patenôtre ký với Triều đình Huế năm 1884. Đêm ngày 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết đã cho quân tấn công vào đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ gần đó, nhưng thất bại. Quân Pháp phản công đánh vào Đại Nội, hai quan phụ chính đã đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị. Bức tranh lịch sử “Le Manca à Hué” này đã được đem đấu giá năm 2015.

Ông xuống tận biển Thuận An và vẽ bức “Bãi biển Thuận An”, sơn dầu trên bố. Tranh thể hiện một màu xanh yên bình, sóng nước dịu êm, bãi cát vàng nằm im trong nắng. Vài mái tranh trên bờ cát cũng vàng như cát. Xa xa, dãy núi mờ xanh. Và ngoài khơi, ngay sát ven bờ, một chiếc thuyền đánh cá đang nằm nghỉ, buồm đã được cuốn xuống. Phía xa xa, có một chiếc thuyền buồm căng hình như cũng đang trở về.

Trở về Pháp, năm 1886 tại

Galerie George Petit, ông đã triển lãm khoảng 200 bức tranh sơn dầu, màu nước, và ký hoạ ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và cả Nam Kỳ. Sau đó, ông tham dự triển lãm Thế giới năm 1889  - gồm 24 bức tranh tại khu triển lãm Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong Salon des Peintres Orientalists (1887, 1888, 1896, 1897, 1898, 1899). Những bức tranh của ông đã khiến công chúng thế giới nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn, giàu hàm súc của thiên nhiên Huế.

Gaston Roullet qua đời vào tháng 12/1925 ở tuổi 78. Ông được Hiệp hội Hoạ sĩ Pháp và Hội hoạ sĩ Màu nước Pháp thuở đó tôn vinh.

Bài, ảnh: HỒ THANH NGỌC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

TIN MỚI

Return to top