ClockThứ Ba, 28/01/2020 06:15

Khơi dòng tình ca

TTH - Một ngày đầu năm 2019, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi gọi cho tôi từ Boston (Mỹ), bảo rằng đang rất mong muốn được triển lãm tranh ở Huế: “Ông ráng giúp tôi nhé”. Vậy là sau những lần trưng bày tác phẩm ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, bạn tôi đã ấp ủ một cuộc ra mắt công chúng ở thành phố mà anh có nhiều duyên nợ.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi & nỗi nhớ quê nhà“Ký ức quê nhà” của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

Nguyễn Trọng Khôi bên dòng Hương Giang

Đó là vào tháng 10/2015, kết thúc triển lãm tranh Nguyễn Trọng Khôi tại Gallery La Tour Eiffel bên bờ sông Hàn của TP. Đà Nẵng, chúng tôi có một chuyến ngao du đến Hội An rồi kế tiếp là Huế.

Do ảnh hưởng của một cơn bão vừa đi qua nên mới cuối hè Huế đã rả rích mưa. Tôi đưa bạn đến với thành quách, lăng tẩm, đền đài cổ kính, đến với bến Kim Long - quê người bạn đời của anh, hay đến quán cà phê sát với dòng Hương gặp gỡ vài bằng hữu anh từng thân thiết nhiều năm trước ở Sài Gòn. Cũng không quên viếng nhà thờ Phủ Cam. Lúc mưa, chúng tôi trùm kín thả bộ dọc sông Hương, trên những con đường dọc ngang Thành Nội, thi thoảng dừng chân để Khôi trầm ngâm ngắm nhìn những hình ảnh lướt thướt trong màn mưa nhẹ hạt. Không ngờ, những ngày mưa gió đó đã là cảm xúc để anh viết nên ca khúc Huế mưa:

“Cơn mưa hôm qua mà cho tới bây giờ

Lang thang bên sông Hương gió lạnh bờ vai

Em thân yêu ơi bóng chiều đang dần phai

Những gì còn in dấu, một ngày bình yên quá

Một thoáng thôi không còn

Huế buồn, em buồn, anh buồn…

Em, nhớ khi gặp nhau mà như đã quen từ lâu

Lòng lắng sâu trong khúc nhạc êm

Nói đôi lời tình cờ vấn vương

Đã khơi dòng một bài tình ca nồng say đầy êm ái và tha thiết”

Lần đầu nghe Khôi hát khúc Huế mưa qua một clip anh thu và gửi cho bè bạn qua facebook, tôi biết bạn mình đã “say” với đất trời Cố đô, nơi “đã khơi dòng một bài tình ca nồng say” trong lòng người nghệ sĩ luôn đầy ắp cảm xúc hoài hương. Không chỉ có Huế mưa, Nguyễn Trọng Khôi còn phổ nhạc hai bài thơ về Huế là Huế của ta (thơ Phan Xuân Sinh) và Mẹ tôi Đồng Khánh (thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư):

“Huế của ta trời chợt mưa, chợt nắng

Huế của ta người chợt đến, chợt đi

Ai muốn tìm trăng trong vườn Vỹ Dạ

Sao lạc đâu dưới bến Phú Văn Lâu…”

 “Mẹ tôi Đồng Khánh ngày xưa

Tràng Tiền mắc võng dòng mưa tím trời…

Ngày xưa Đồng Khánh mẹ tôi

Dáng người xưa ấy vẫn ngồi đâu đây

Sáng nay một góc sân đầy

Phủ mưa trắng xóa những ngày đã qua”

Tôi nhớ thời chúng tôi tóc còn xanh, Khôi đã nổi tiếng trong giới văn nghệ - báo chí ở Sài Gòn với ngón đàn tài hoa và giọng nam trầm ấm, điệu nghệ mà có người còn bảo “chẳng kém gì Sĩ Phú hay Duy Trác”. Trong những bữa rượu thường là tuềnh toàng, bao giờ Nguyễn Trọng Khôi cũng đàn cũng hát, luôn hát với sự đắm say tỏ rõ trên nét mặt.

Ngựa đá - tranh sơn dầu (sưu tập Trần Hậu Tuấn)

Sang Mỹ định cư hồi thập niên 1980, anh không chỉ tiếp tục sự nghiệp hội họa dang dở mà bắt đầu sáng tác ca khúc. Chỉ trong vài năm, Nguyễn Trọng Khôi đã có lưng vốn vài chục bài hát, đã xuất bản CD và tuyển tập nhạc Quê hương, tình yêu và bạn bè với giọng hát của nhiều ca sĩ có tiếng ở hải ngoại, cùng hai tuyển tập ca khúc Tôi với bóng quê nhà (phổ thơ bạn bè) và Ðể ngày tháng trôi.

Trong giới cầm cọ, có lẽ anh là người sáng tác nhạc được biết đến rộng rãi nhất ở quê nhà cũng như quê người. Khôi từng tự bạch: “Trong tôi hai dòng máu chảy song song là hội họa và âm nhạc. Tôi đã chỉ dùng âm nhạc như một mối giao hảo nhanh chóng với những người chung quanh, đồng thời - cũng giống như văn chương - nó làm đẹp cuộc sống tôi và bồi dưỡng trong tôi những cảm xúc cần thiết cho việc sáng tạo nghệ thuật, khiến cho tôi tự tin, yêu đời, yêu cuộc sống và yêu mến những người tôi quen biết…”.

Âm nhạc chính là tính cách nghệ thuật của họa sĩ lão luyện Nguyễn Trọng Khôi, như nhận định của một nhà phê bình âm nhạc ở Mỹ: “Đọc hoặc nghe nhạc Nguyễn Trọng Khôi, người ta có ngay cảm tưởng lời ca vang âm hưởng của thơ và tác giả vẽ một bức tranh bằng lời trước khi đi vào tâm hồn người nghe bằng những thanh âm êm ái dịu dàng như tiếng mẹ hát ru thuở thiếu thời” (Nguyễn Anh Văn).

Triển lãm Nguyễn Trọng Khôi ở Huế đầu tháng 8/2019 là một kỷ niệm thật đẹp với anh. Một không gian triển lãm “không chê vào đâu được”, “oách” nhất so với các triển lãm của anh trước đó. Sự hỗ trợ, giúp đỡ và tình cảm của bạn hữu, đồng nghiệp nhiều thế hệ khiến anh rất cảm động. “Tôi sẽ trở lại đây sớm, ở đây nhiều ngày để vẽ. Huế còn quá nhiều điều tôi chưa biết đến, chưa khám phá”, Khôi nói với tôi trong buổi chiều bế mạc phòng tranh “Ký ức quê nhà”.

Nhưng ký ức của chuyến đi đầu tiên đến Huế cũng đủ sức nặng để anh vẽ hai bức tranh “dành riêng cho Huế”. Bức Ngựa đá của Huế một thời quá vãng vàng son, trầm mặc với gam màu xanh xám chủ đạo và một lóe vàng huyền ảo. Tác giả đã thả hồn mình vào không - thời gian của sự tĩnh lặng đến thanh khiết. Ở chiều ngược lại là bức Tim tím Huế với bảng màu và hình ảnh tươi vui, bắt mắt như cách họa sĩ bày tỏ tình cảm yêu mến với Huế.

Vẽ với Nguyễn Trọng Khôi cũng là một cách hát bằng sắc màu: “Một điều đơn giản: hát phải có người nghe. Tôi chọn triển lãm trên quê hương tôi vì đó là nơi tôi thuộc về, nơi có những sinh hoạt nghề nghiệp, có những con người đang cùng cuộc hành trình với tôi. Nơi có cùng một ngôn ngữ không cần phải chuyển dịch. Nơi có hơi thở từ đồng lúa và cái nhìn mịn màng như dòng sông. Tôi đem phô bày tình cảm mình trên tác phẩm như phơi lòng giữa sự thân thiện và cảm thông…”.

Bài, ảnh: Nguyễn Trọng Chức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”
Sen Huế trong tranh Lê Hòa

Buổi chiều cuối hạ, xe ngược dốc lên miệt đồi phía tây thành phố Huế. Nói là đi một vòng hóng gió, nhưng cũng chủ ý tìm ghé thăm một họa sĩ.

Sen Huế trong tranh Lê Hòa
Flamink Artfair - cuộc chơi của những họa sĩ trẻ

Triển lãm “Flamink Artfair” đã mở cửa từ chiều qua 22/7 và sẽ kết thúc ngày 8/8/2023 tại không gian “Flamink Art space”. Triển lãm gồm 25 bức tranh, gốm, nghệ thuật sắp đặt của 13 hoạ sĩ trẻ và 1 hoạ sĩ khách mời là Đặng Mậu Triết. Các bức tranh phần lớn vẽ từ chất liệu sơn mài, acrylic.

Flamink Artfair - cuộc chơi của những họa sĩ trẻ
Return to top