ClockChủ Nhật, 05/05/2019 14:36

Lặng lẽ sơn mài

TTH - Trong đời sống mỹ thuật Huế, sơn mài có phần lặng lẽ khi lực lượng sáng tác dòng tranh này ngày càng ít dần.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần theo hướng hiện đạiTiếp nhận 47 tác phẩm trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật HuếKhẩn trương sưu tập tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Tác phẩm “Giấc mơ 1” - Lương Thị Ánh Tuyết

Sang & tinh

Cuối tháng 2, triển lãm “Thời gian” tại Viện Pháp tại Huế giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mới của nghệ thuật sơn mài. 22 tác phẩm mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc mới về chất liệu nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. Bảng màu tưởng như trầm lắng của sơn mài chỉ với màu nâu, màu đen đã được các họa sĩ mở rộng, những gam màu chủ đạo của nghệ thuật sơn mài: trắng, đen, đỏ chồng lớp lên nhau như ẩn, như hiện; rồi màu trắng của vỏ trứng, màu đỏ son, màu đen của sơn then, óng ánh của vàng, bạc đem lại cho người xem cảm giác ấm áp.

Với triển lãm này, người xem hứng thú vì thấy được nhiều “khuôn mặt” khác nhau của sơn mài, đồng thời chứng tỏ, sơn mài luôn thay đổi, biến hình trong ngôn ngữ thể hiện đa dạng. Hai tác phẩm “Giấc mơ” của họa sĩ Lương Thị Ánh Tuyết được “mài phẳng” đến trong veo, bóng mượt khi “tả” mây nước mịn màng. “Vườn địa đàng” của họa sĩ Nguyễn Đức Huy lại hội đủ độ nhám, dày, lồi lõm, láng mịn đặc trưng của thể loại. Thay vì chỉ thể hiện khái quát với những mảng, miếng như trước, sơn mài vẫn có thể đi vào hiện thực chi tiết, điều này thể hiện trong “Tuổi hồn nhiên” của họa sĩ Lê Phan Quốc.

“Thời gian” là triển lãm gần nhất dành riêng cho nghệ thuật sơn mài, cũng ít khi có dịp như vậy nên đây có thể xem như là sự “thức tỉnh” của sơn mài Huế. “Điều đó cho thấy, sơn mài vẫn còn đất sống và phát triển ở Huế, cần nhanh chóng đầu tư sáng tạo, tập hợp đội ngũ để tổ chức những triển lãm đầy đặn hơn. Điều đó hoàn toàn có thể khi Huế có những họa sĩ đam mê và am tường nghệ thuật sơn mài”, PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế nhận định.

Suốt một đời làm nghệ thuật gắn bó với sơn mài, ngoài sáng tác, họa sĩ Nguyễn Đức Huy (Trường đại học Nghệ thuật) mong muốn sơn mài lan tỏa, được giới thiệu rộng rãi với mọi người. Đã nhiều lần, ông đứng ra kết nối tổ chức triển lãm tranh sơn mài, như cách để những người làm sơn mài có thêm niềm tin yêu với loại hình nghệ thuật mình đang theo đuổi. “Loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn sống, phát triển và các nghệ sĩ – bằng sự âm thầm, lặng lẽ đã mang đến cho sơn mài một cuộc sống thú vị hơn”, họa sĩ Nguyễn Đức Huy tâm sự.

Sơn mài từng có thời gian phát triển mạnh ở Huế, nhất là giai đoạn trước 1975 với sự đóng góp của cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, người đầu tiên đưa sơn mài Huế vào sản xuất thành hàng mỹ nghệ. Vẻ đẹp của nghệ thuật sơn mài nằm ở độ sâu của màu, được tạo ra từ từng lớp sơn và ẩn ở đáy vóc. Sức hấp dẫn của kỹ thuật sơn mài phải kể đến màu nước, cách tạo màu và phương pháp sử dụng những nguyên liệu tự nhiên. Những lớp vẽ chồng lên nhau, càng mài càng bóng mượt, màu sắc ẩn hiện lấp lánh, quyến rũ… khiến bức tranh sơn mài sang trọng và tinh tế. Có lẽ vì thế nên ai đã lỡ mê sơn mài thì không dứt được.

Sức hấp dẫn của sơn mài khiến bao năm nay, họa sĩ Nguyễn Đình Dàng chỉ chuyên tâm theo đuổi dòng tranh này. Anh chia sẻ: “Sự đặc biệt của sơn mài nằm ở kỹ thuật và chất liệu: vẽ, đắp nổi, mài, gắn vỏ trứng, dát vàng, dát bạc; chỗ mài phẳng, chỗ gồ ghề, chỗ biểu cảm nét… Độ sâu của màu từng lớp, từng tầng đan vào nhau, càng nhìn càng thấy lung linh, óng ả, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ”.

Tác phẩm “Nghỉ trưa” - Nguyễn Thị Xuân Oanh

Cần được “thức tỉnh”

Việt Nam tự hào là quốc gia đã phát minh ra chất liệu sơn mài sử dụng trong ngành mỹ thuật. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, sơn mài truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. PGS. TS. Phan Thanh Bình, cho hay: “Số họa sĩ sáng tác tranh bằng sơn mài truyền thống (sơn ta) ngày càng ít mà đa số dùng sơn Nhật, vì dễ mua, giá thành rẻ. Vóc cũng ít làm bằng gỗ như ngày xưa mà bằng các chất liệu hiện đại”.

Lực lượng họa sĩ chuyên sáng tác tranh sơn mài ở Huế hiện không nhiều, với những gương mặt: Trương Bé, Nguyễn Đình Dàng, Nguyễn Đăng Sơn, Nguyễn Đức Huy, Đỗ Kỳ Huy… Họa sĩ theo đuổi dòng tranh này ngày càng ít do những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, chất liệu. Lực lượng mỏng cũng là một trong những lý do khiến nhiều năm qua, Huế chưa có những tác phẩm sơn mài đạt đỉnh cao, dù có nhiều tác phẩm đẹp.

Họa sĩ Nguyễn Đình Dàng chia sẻ: “Theo đuổi sơn mài khá vất vả do chất liệu sơn ta hiếm, khó mua, phải ra tận Phú Thọ, giá thành lại cao. Để mua được một mẻ sơn ta tốt không phải dễ, mua một lần nhiều dùng không hết thì bị hỏng, mua ít thì mất công đi lại nhiều lần. Quy trình làm sơn mài lại quá công phu, nhiều công đoạn, mỗi lớp màu phải mất vài ngày chờ đợi mới mài được lớp khác. Một bức tranh sơn dầu có thể chỉ vẽ trong vài ngày nhưng một bức sơn mài mất vài tháng, có khi cả năm cũng chưa xong. Đây cũng là lý do khiến nhiều nghệ sĩ trẻ chùn chân trước sơn mài”.

Làm tranh sơn mài đòi hỏi người nghệ sĩ phải cần cù, chịu khó và biết tính toán. Ngoài sự say mê, sáng tác tranh sơn mài đòi hỏi sự am tường, làm chủ chất liệu. Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, dù đội ngũ chuyên sáng tác tranh sơn mài không nhiều nhưng gồm những họa sĩ có tầm vóc, có khát khao sáng tạo. Điều đó cho chúng ta hy vọng sơn mài Huế sẽ có những bước tiến khá hơn, trong đó không thể không cần có thêm những “cú hích” để “thức tỉnh” sơn mài.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lặng lẽ vun đắp cho tổ ấm

Dù làm những nghề rất đỗi bình thường, nhưng rất nhiều phụ nữ vẫn miệt mài lao động để nuôi con ăn học, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Lặng lẽ vun đắp cho tổ ấm
Sắc diện mỹ thuật Huế

Tiếp nối mạch nguồn truyền thống, dòng chảy mỹ thuật Huế vẫn luôn phát triển, không ngừng tìm kiếm cái mới và sự độc đáo trong sáng tạo để tạo nên nét riêng trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Sắc diện mỹ thuật Huế
Cuộc hội ngộ của tình bạn

Cả hai bức tranh được họa sĩ Đinh Cường vẽ về hai người bạn thân của mình: Trịnh Công Sơn và Ngô Kha như duyên định cuối cùng cũng về chung dưới mái nhà bảo tàng mỹ thuật Huế.

Cuộc hội ngộ của tình bạn
Return to top