ClockThứ Năm, 11/11/2021 06:15

Lưu giữ phong cảnh đồng quê

TTH - Yêu thích vẻ bình yên, mộc mạc của làng quê, họa sĩ trẻ Phan Vũ Tuấn luôn dành thời gian rong ruổi trên những con đường làng để vẽ tranh trực họa. Những cảnh sắc quen thuộc trong tranh màu nước của anh gợi nên sự khắc khoải về tình yêu với quê hương, xứ sở.

Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

Họa sĩ Phan Vũ Tuấn trong chuyến đi trực họa. Ảnh: NVCC

Trong tập tản văn “Bên sông Ô Lâu” của nhà báo Phi Tân do Công ty TNHH Văn hóa & truyền thông Lệ Chi (Chibooks) và NXB Lao Động ấn hành, Chibooks chọn tranh của họa sĩ Phan Vũ Tuấn làm ảnh bìa và minh họa thêm cho tác phẩm qua bộ tranh postcard tặng kèm. Phong cảnh làng quê yên bình, dòng sông phẳng lặng, những con đường thơ mộng của xứ Huế… hiện lên trong tranh Vũ Tuấn trong veo, mộc mạc đến nao lòng, thôi thúc tôi tìm gặp chàng họa sĩ trẻ.

Quê ở Hà Tĩnh, Phan Vũ Tuấn vào Huế học Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Phong cảnh nên thơ, vẻ yên bình, cổ kính của mảnh đất Thần kinh níu chân Tuấn ở lại lập nghiệp sau khi ra trường. Từ đó, rất nhiều bức tranh phong cảnh thể hiện chân thực, sống động vẻ đẹp của đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, làng quê… ra đời theo những chặng đường rong ruổi của Vũ Tuấn.

Với seri tranh vẽ về phố, di tích, danh lam thắng cảnh, một không gian tràn ngập sắc màu dịu dàng, bảng lảng khói sương của khí trời xứ Huế, chất đầy hoài niệm về kiến trúc di sản, thiên nhiên, phố cổ… hiện lên cổ kính mà sang trọng. Trong nhiều tác phẩm, phố, di tích không chỉ hiện lên bằng vẻ đẹp vốn có mà phảng phất đâu đó hơi thở của hiện thực, gửi gắm những suy tư, câu chuyện của chính tác giả về ký ức, hiện tại và tương lai.

Trong loạt tranh phong cảnh, chủ đề thiên nhiên đồng quê luôn có sức hút với Vũ Tuấn và được anh thể hiện bằng tất cả cảm xúc. Đến bất cứ đâu, bắt gặp cảnh nông thôn, làng mạc, thiên nhiên hữu tình, Tuấn đều dừng lại vẽ trực họa. Mỗi một vùng quê đều được anh lưu giữ vẻ đẹp, không khí, thời tiết đặc trưng, kèm theo đó là những cảm xúc cá nhân được truyền tải trong tác phẩm. Hình ảnh ruộng đồng, con trâu, đàn gà, bụi tre, hàng chuối… hiện lên chân phương, mộc mạc, gợi bao ký ức về làng quê Việt Nam.

Tuấn thường rong ruổi về ngoại ô để được đắm chìm với cảnh sắc đồng quê vốn in đậm trong ký ức tuổi thơ. Với chủ đề này, anh thường chọn lối vẽ trực họa để thể hiện vẹn nguyên cảm xúc bắt gặp. Đó cũng là cái thú khi nắm bắt, theo đuổi không gian, thời gian trong suốt quá trình hoàn thành tác phẩm. Với Vũ Tuấn, trực họa là cách thư giãn sau những áp lực, là niềm vui khi được lang thang cùng với đống màu, toan trắng, cùng đuổi bắt không gian, thời gian. Cảnh sắc đồng quê làng mạc, những rong rêu hoài cổ và cả bốn mùa nắng mưa… đều được Tuấn ghi lại bằng hội họa. Không chỉ vẽ phong cảnh đơn thuần, đó còn là những trang nhật ký trong hành trình khám phá, lưu lại hiện trạng, đặc trưng của mỗi vùng miền Tuấn đặt chân đến.

Trong bức tranh “Chiều sau những rặng cây”, Vũ Tuấn thể hiện khung cảnh bình dị với đàn bò thong thả gặm cỏ, phảng phất sương khói của tiết trời chiều thu. Hình ảnh cánh đồng xa xăm, những dãy núi được thể hiện qua góc nhìn ngược sáng… tất cả được gói gọn sau những rặng cây. Với tông màu xanh chủ đạo, bức tranh như dẫn dắt người xem băng qua những cánh đồng, tận hưởng mùi đồng nội, mùi lúa, mùi của cỏ cây và cả sự bình yên.

Ở seri tác phẩm “Vùng ngoại ô” là hình ảnh quen thuộc có thể bắt gặp ở bất kỳ vùng quê nào với những căn nhà, rặng tre, đụn rơm, đàn gà, vịt..., những vệt nắng le lói lên mái ngói, bức tường cũ, phảng phất mùi của những đám cỏ hoang trên ruộng… gợi không gian mênh mang, man mác của ký ức.

Tuấn bộc bạch: “Trong tranh phong cảnh của tôi, cái đẹp đôi khi chỉ là những gì bình thường và quen thuộc nhất. Sinh ra từ nông thôn, đồng quê, làng mạc, sông nước, đồng ruộng… là nguồn cảm hứng bất tận và cũng là đề tài xuyên suốt trong suốt quá trình tôi sáng tác. Đó là bầu trời bình yên để tôi tìm kiếm sự giải tỏa, gửi gắm cảm xúc hoặc hoài niệm. Qua tác phẩm, tôi cũng muốn mang đến cho người xem sự bình yên, thư thái và năng lượng tích cực. Đặc biệt, những ai quê ở nông thôn sẽ tìm thấy tuổi thơ, tìm thấy những ký ức trong đó”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế
“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

“Ngoài đề tài văn hóa di sản của Huế, điều mà tôi ấn tượng và cảm xúc trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật ở vùng đất này đó chính là con người. Người Huế bình dị, mộc mạc và có “chất” riêng”, nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Vĩnh (sinh năm 1986, Gia Lai) – người vừa được xướng tên với giải thưởng tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về Huế với bộ ảnh “Quần thể di tích Cố đô Huế” đã trải lòng như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”
Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

Ngày 28/10, Chi cục Dân số tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị truyền thông, hưởng ứng cuộc thi Sáng tác lô gô ngành Dân số do Cục Dân số, Bộ Y tế phát động nhằm phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số
Return to top