Ngày hội sách tại Trung tâm Học Liệu (TP. Huế). Ảnh: TH
Đọc sách mỗi ngày
Giữa rất nhiều thú vui giải trí của giới trẻ, Lương Thị Thảo Vy, sinh viên năm 1, Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế vẫn dành đam mê cho sách. Dù bận rộn đến đâu, hàng ngày, Vy đều dành thời gian đọc sách. Sau khi đọc xong, Vy còn cẩn thận ghi lại những câu, đoạn trích hay và viết bài cảm nhận, đánh giá về cuốn sách mà em tâm đắc.
Vy chia sẻ, thói quen đọc sách được em duy trì từ nhỏ: “Từ hồi học tiểu học, mẹ đã rèn cho em thói quen đọc sách, lúc đầu bằng những cuốn truyện tranh, truyện cổ tích, rồi sách hạt giống tâm hồn. Lớn hơn, em bắt đầu đọc truyện ngắn, tiểu thuyết phù hợp với lứa tuổi. Tiếp xúc với sách từ sớm, em thích thú với những câu chữ, hình ảnh trong sách, dần dần thành thói quen đọc hàng ngày. Trở thành sinh viên Khoa văn, em càng phải đọc. Đọc sách giúp em có đời sống tâm hồn phong phú, rèn tư duy...”. Từ khi vào đại học, Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh viên năm 3, Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học bắt đầu tập cho mình thói quen đọc sách, ban đầu là những tác phẩm văn học có trong chương trình học. Thỉnh thoảng có dịp đến nhà sách Phú Xuân hay ghé cà phê sách, tôi vẫn thấy rất nhiều bạn trẻ đang chăm chú đọc sách. Hình ảnh này cũng được nhà thơ Đông Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế ghi nhận. Chị cho hay: “Ngày nay, giới trẻ vẫn đọc sách. Khi đi vào những nhà sách, tôi vẫn nhìn thấy điều đó. Lượng sách trên kệ ở các nhà sách vẫn được bổ sung đều đặn, chứng tỏ vẫn có người mua. Như vậy cũng đủ để nói rằng, giới trẻ vẫn đang đọc sách hàng ngày. Trước đây, tôi thấy ít người đọc sách hơn bây giờ. Nhưng những năm gần đây, tôi thấy các bạn trẻ tìm đến với sách, đặc biệt là sách giấy nhiều hơn. Một phần là do người ta nhận thức được giá trị của sách, phần nữa là những hoạt động quảng bá về sách ngày càng nhiều. Chính những hoạt động này thu hút giới trẻ, từ đó họ tìm tới sách bằng sự tò mò, sau đó là thói quen”.
Theo nhà thơ Đông Hà, các bạn trẻ thường chọn những cuốn sách về ứng xử, nghệ thuật sống, hoặc những cuốn tản văn nhẹ nhàng của các nhà văn trẻ hiện nay nhiều hơn những cuốn tiểu thuyết kinh điển như thế hệ 6x, 7x ngày xưa. Sách kỹ năng, hạt giống tâm hồn, truyện của Nguyễn Nhật Ánh hoặc những cuốn tiểu thuyết gần gũi với tuổi học trò được các em tìm đọc nhiều hơn.
Sách kỹ năng, hạt giống tâm hồn được nhiều người trẻ yêu thích
Khơi gợi đam mê
Gần đây, nhiều hoạt động được khởi xướng để khơi gợi niềm đam mê với sách của giới trẻ, như các buổi giới thiệu sách của Thư viện Tổng hợp tỉnh, Hội Nhà văn tỉnh, các câu lạc bộ, đội nhóm... Mới đây, Chi đoàn cán bộ Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học tổ chức các buổi “Giới thiệu sách mới, chia sẻ sách hay” thu hút sự tham gia của các giảng viên, sinh viên. Định kỳ mỗi tháng, sẽ có hai buổi giới thiệu sách do giảng viên và sinh viên của Khoa Ngữ văn đảm nhận, ngoài ra còn có buổi giới thiệu sách của cựu sinh viên.
CLB Văn thơ trẻ của Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học còn xây dựng tủ sách, tổ chức chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách” hay “30 ngày đọc”.
Cô giáo Hồ Tiểu Ngọc, giảng viên Khoa Ngữ văn, tâm sự: “Những hoạt động này đưa tác phẩm văn học đến gần với sinh viên, giúp các em cảm nhận cái hay khi đọc sách thay vì tiếp cận tác phẩm ấy bằng những hình thức khác như điện ảnh, kịch.”
Nhiều ý kiến cho rằng, để khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho giới trẻ, môi trường giáo dục có vai trò quan trọng và tác động trực tiếp đến học sinh sinh viên. Theo cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Hương, giảng viên Khoa Ngữ văn, giáo viên phải là người đọc trước và trong quá trình dạy giới thiệu cho sinh viên những cuốn sách hay để kích thích sự tò mò cho sinh viên tìm đọc. Việc hình thành thói quen đọc sách của mỗi học sinh phải do gia đình, nhà trường và xã hội cùng phối hợp. Nhà thơ Đông Hà cũng cho rằng: “Niềm đam mê và thói quen đọc sách của mỗi người cần được bắt đầu từ bé trong gia đình. Nhà trường và xã hội chỉ có tính chất hỗ trợ và đồng hành. Nhà trường không thể xây dựng cho các em thói quen đọc sách, khi mà về nhà các em chỉ thấy bố mẹ xem bóng đá và xem phim. Nếu mỗi gia đình không có một tủ sách, thì liệu các em có ý thức đọc sách không? Nên tôi nghĩ, thói quen đọc sách rất cần được bố mẹ chú ý xây dựng từ nhỏ, lớn lên, nhà trường và xã hội sẽ tiếp tục đồng hành duy trì thói quen này cho các em”. Điều quan trọng nữa là, mỗi cuốn sách phải mang lại những giá trị về thời gian và chiều sâu. Để làm được điều đó, chắc chắn, người viết phải tạo ra được một cuốn sách có giá trị. Chính giá trị đích thực của cuốn sách mới khẳng định và thu hút được giới trẻ.
Bài, ảnh: NGUYỆT TÚ