ClockThứ Bảy, 28/12/2019 15:33
Tặng thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2019 của Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh:

Nhìn từ vị trí và hiệu ứng nghệ thuật

TTH.VN - 15 công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật được tặng thưởng xuất sắc năm 2019 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đưa chúng ta vào những thực tại khác nhau, những nơi khu trú đặc biệt của tâm hồn, mà đôi khi chúng ta không biết rằng nó đã thực sự tồn tại theo một cách khác biệt.

Biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuậtSáng tác 47 tác phẩm mới về Nam ĐôngVăn nghệ Bình Trị Thiên và cuộc gặp xúc động sau 30 nămTrường trung cấp Văn hóa nghệ thuật trao bằng tốt nghiệp cho 34 học sinh

Trang bìa tiểu thuyết "Phấn hoa"

Trong lĩnh vực văn học, tiểu thuyết “Phấn hoa” của tác giả Phạm Ngọc Túy cho thấy công việc lao động nghệ thuật miệt mài của nhà văn đã cho ra đời tác phẩm đồ sộ, ngót nghét 500 trang sách với 3 phần Nhân ảnh, Nhà người, Riêng chung. Người đọc tìm thấy được những sinh hoạt trang nhã trong các gia đình Huế thập niên 1960 - 1970, thấy sự đổi thay cho đến hôm nay của những kiếp người trôi dạt.

Phấn hoa” nói lên sự vô thường của nhân sinh, có và không, được và mất, không ngừng biến đổi, không ngừng chuyển hóa. Tập thơ “Không nơi nao là chốn tôi” của tác giả Đỗ Văn Khoái khắc khoải cùng con chữ, đắm đuối trong mộng huyền, là cố nhân, là hình bóng Huế xưa, chuyến đò và những đi về vô định. “Không nơi nao là chốn tôi”, bộc bạch tâm hồn lãng du của người thơ, “chưa biết đâu dừng chân” cùng khắp bốn phương trời này. Nhưng tác giả cũng tâm cảm bằng một định đề khác: “Dù người đi hay ở/ Huế vẫn luôn nặng lòng”.

Công trình “Tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi” của nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong ở lĩnh vực văn nghệ dân gian dày đến 450 trang, trình bày công phu về hệ hình, đặc điểm văn hóa của một cộng đồng tộc người. Trong khi đó, tác giả Triều Nguyên với công trình “Tìm hiểu về truyện thơ dân gian Việt Nam” đã khảo sát 34 truyện thơ dân gian của người Kinh và 56 truyện thơ dân gian của người thiểu số, giải quyết các vấn đề khoa học của những công trình nghiên cứu trước đó, cũng như đề ra những quan điểm nghiên cứu, lập luận mới về một thể loại đặc biệt trong văn học dân gian. Qua công trình này, tác giả Triều Nguyên tiếp tục khẳng định sự công phu, tìm tòi khoa học, xử lý tư liệu và có những đóng góp lớn đối với lĩnh vực văn học dân gian Việt Nam hiện nay.

Công trình Làng Văn vật Thừa Thiên Huế (bộ 3 tập) do nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chủ biên, đã khám phá những góc khuất về những ngôi làng xứ Huế qua việc tiếp cận các nguồn tư liệu lịch sử, cảnh quan, con người và văn hóa, lễ tục có phần đặc trưng. Bằng cách khai thác nguồn tư liệu chính sử, tư liệu điền dã, truyền khẩu, các bài viết đã dựng nên được bức tranh và lý lịch khá toàn diện của nhiều ngôi làng. Sự lao động khoa học qua 3 năm với một bộ sách dày dặn đã có đóng góp không nhỏ vào việc hệ thống hóa lại lịch sử làng và mở ra nhiều hướng tiếp cận liên ngành khác.

Về âm nhạc, “Giao hưởng thơ: “Lời mẹ ru” của Lê Quang Vũ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ hàn lâm của giao hưởng và chất liệu mộc mạc từ lời ru, điệu hò xứ Huế. Tác phẩm thuyết phục người nghe ở điểm nhấn của biến thể trên cấu trúc và tính thi ca trữ tình, sâu sắc. “Liên khúc “Màu cờ - Theo dấu chân Người” của Phạm Phước Nghĩa uyển chuyển trong ca từ, sử dụng điêu luyện các kỹ thuật điệu, tiết tấu, làm sáng tỏ tinh thần mà tác giả muốn thể hiện.

Về mỹ thuật, bộ tranh sơn dầu “Giấy tiền vàng bạc” của Võ Thành Thân kiến tạo nên một thế giới anh đang theo đuổi, sự nhàu nhò của hiện thực, làm mờ đi những ẩn ức, những diễn ngôn về một cái nhìn khác đối với đời sống. Bộ tranh 5 tác phẩm khai thác chất liệu văn hóa, tín ngưỡng dân gian xứ Huế được thể hiện bằng kỹ thuật sáng tạo, đẳng cấp của họa sĩ trẻ Võ Thành Thân. Tác phẩm của họa sĩ trẻ này cho chúng ta có thể phân biệt rõ ràng khách quan các tác phẩm nghệ thuật chính là phong cách của người sáng tạo và mục đích của sự sáng tạo đó. Tác phẩm điêu khắc “Bão” của Nguyễn Văn Thọ thể hiện một người mẹ già cầm cây đèn bão, một hình tượng gần gũi mà chông chênh. Đây là một tác phẩm điêu khắc mềm mại, vững chãi được làm bằng chất liệu composite.

Về Nhiếp ảnh, các tác phẩm “Bảo trì đường sắt trong hang động” của NSNA Nông Thanh Toàn cho thấy “nghệ thuật của ánh sáng” được khai thác tối đa qua góc nhìn hạn hẹp và đòi hỏi sự kiên trì để bắt gặp khoảnh khắc như ý muốn.  “Mưa Huế 3” của NSNA Hồ Ngọc Sơn quay lại đề tài gần gũi với hình ảnh cô gái vận áo dài trắng trong một cơn mưa bay đầy thi vị.

Về nghệ thuật múa, tác phẩm“Chiến sĩ áo trắng” của Khánh Hiệp thể hiện đề tài về những vị thầy thuốc, được dàn dựng, biên đạo chi tiết, linh hoạt trong các vũ đạo. “Hoa trong bão lửa” của Quang Sáng kể về câu chuyện của những chiến sĩ cứu hỏa giữa biển lửa gian nguy, xây dựng nên hình tượng người lính vì dân vì nước trong thời bình.

Về nghệ thuật sân khấu, vở diễn ca kịch Huế “Những người mẹ” của tác giả Nguyễn Xuân Đức, đạo diễn Hoàng Hà cho thấy sự đầu tư khá lớn về nội dung nghệ thuật, khắc họa hình ảnh người mẹ Việt bất khuất, chịu thương chịu khó. Trong khi đó, vở tuồng “Đường đến Tuần lễ vàng” của tác giả Nguyễn Phước Hải Trung, đạo diễn La Thanh Hùng đã phục dựng được không gian lịch sử ở Huế năm 1945 với nhiều chi tiết nghệ thuật đắt giá. Vở tuồng thông qua hình thức nghệ thuật riêng biệt đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhân vật Bảo Đại và chính quyền cách mạng lâm thời lúc bấy giờ.

Các công trình, tác phẩm xuất sắc được tôn vinh đã nhìn nhận vị trí nghệ thuật chính là sự truyền cảm hứng cho con người, một ý tưởng, biểu hiện hay một điều gì khác có tính thông điệp, góp phần tạo nên sự sinh động cho đời sống cư dân Cố đô và mọi thứ có thể trở thành chất liệu nghệ thuật trên xứ sở này.

Lê Vũ Trường Giang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhìn về văn học quốc ngữ xứ Huế

Sáng 24/11 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức ra mắt ấn phẩm “Một trăm năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – Một góc nhìn”.

Nhìn về văn học quốc ngữ xứ Huế

TIN MỚI

Return to top