ClockThứ Sáu, 29/06/2018 14:41

Mẹ & ngoại

TTH - Còn nhớ một lần mẹ kể chuyện cậu Út bị bà ngoại mắng “bất hiếu” vì gọi “mẹ” là “bà”. Mẹ về thăm quê. Con cháu tập trung về nhà cậu Út làm tiệc sum họp.

Tôi bắt đầu gọi mẹ mình là ngoại ngay ngày đầu tiên bé con chào đời. Lúc đầu thì còn cả ngoại lẫn mẹ nhưng sau thì chỉ còn là ngoại thôi. Đến khi sinh đứa thứ hai, ngay trong danh bạ, bốn cái tên thân thuộc “cha yêu”, “mẹ yêu”, “bố chồng”, “mẹ chồng”, tôi chuyển thành mệ ngoại, ông ngoại, mệ nội, ông nội hết. Và tất nhiên, khi các cuộc gọi được kết nối, tôi cũng cứ thế mà “ngoại à”, “nội à” này nọ. Chẳng ai có phản ứng gì, cho đến một ngày...

"Hội bạn 54" - những người bạn là đồng nghiệp, hàng xóm của cha mẹ tôi cùng sinh năm 1954, tụ họp dịp cuối tuần. Đang vui vẻ chuyện một bà chuẩn bị đi giữ cháu nội tận miền Nam giúp con dâu hết cữ đi làm, rồi đến chuyện ông kia mừng vì cô con gái kén chọn sắp lấy chồng, thì giọng cha tôi đều đều: “Tui rứa là mất hai đứa con gái luôn rồi đó. Ngoài vợ chồng thằng út, còn nữa toàn cháu ngoại hết”. Ông bạn ngồi bên an ủi: “Chỉ là khi vợ chồng thằng con trai chưa có con thôi ông ơi. Có rồi thì mình chỉ còn là ông nội, ông ngoại của chúng nó”… Con trai tôi đã 10 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe cha bày tỏ nỗi niềm này.

Còn nhớ một lần mẹ kể chuyện cậu Út bị bà ngoại mắng “bất hiếu” vì gọi “mẹ” là “bà”. Mẹ về thăm quê. Con cháu tập trung về nhà cậu Út làm tiệc sum họp. Trong lúc chuẩn bị thức ăn, cậu cứ quen miệng gọi vợ là “mẹ ơi”, “mẹ ơi” khi cần việc này khi nhờ việc nọ. Bà ngoại ngồi lặng thinh ngoài hiên và đến bữa thì nhất định không ngồi vào mâm. Dỗ dành mãi, bà mới lên tiếng mắng át cậu Út: Tau quá tức cái thằng bất hiếu, già mà không khôn. Ở đâu có cái kiểu mẹ đẻ hắn ra, ngồi lù lù trước mặt thì hắn gọi là “bà”. Còn vợ mình thì cứ hở tí là “mẹ ơi”, “mẹ ơi”… Hóa ra, đó là lần mẹ gần xa bóng gió mà chúng tôi quá vô tâm để có thể nhận ra.

Tôi dần điều chỉnh cách xưng hô với cha mẹ. Bắt đầu từ việc thay đổi tên trong danh bạ điện thoại và ý thức gọi mẹ nhiều hơn trong những câu chuyện thường ngày. Một lần, cậu con trai 5 tuổi ngồi ghép lego trong khi tôi và mẹ nói chuyện, bỗng dưng nó quay lại hỏi: “Mẹ ơi, mẹ cũng có mẹ nữa à?”. Tôi ngớ người, chưa kịp phản ứng thì mẹ tôi xởi lởi: “Mẹ là mệ ngoại đó chi nữa, thằng ni hỏi lạ chưa”. Nó vẫn tỉnh bơ: “Con tưởng mẹ chỉ có mệ ngoại như con thôi chớ”. Tôi nhìn nhanh qua cha mẹ “chữa thẹn”, thấy cả ông và bà đều mỉm miệng cười. Khoảnh khắc ấy, bỗng nhận ra rằng dù ở trong bất cứ mối quan hệ nào, tình yêu thương nếu chỉ để trong lòng thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Và đối với những người đã có tuổi trong gia đình, sự quan tâm, tình yêu thương không những cần được cất thành lời mà quan trọng nữa là phải được thể hiện đúng ngôn ngữ.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một mảnh trời trong veo

Những lần về quê, khi ráng chiều buông dài trên xóm nhỏ, tôi thường len lỏi dưới những tán cây quanh nhà, nâng niu hái từng chiếc lá sả, lá chanh.

Một mảnh trời trong veo
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Về nhà

Nắng đã lên cao. Nhìn qua camera, tôi lại thấy tấm thân gầy gò quen thuộc của ngoại lọt thỏm trên chiếc ghế gỗ xếp sát ban công nhìn ra sân xóm. Qua mấy tiềng rồ rồ của hệ thống thu âm, tôi vẫn nghe ngoại hỏi nhiều lần trong vô thức ở cái tuổi 93 quên nhiều hơn nhớ, rằng mấy đứa đã về rồi hay chưa…

Về nhà
Return to top