ClockThứ Năm, 18/12/2014 10:25

Mùa cá nhảy

TTH - Thường thì giữa tháng 9 dương lịch, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống xối xả tràn đầy mấy cái hồ trong xóm thì dân xóm lụt nơi tôi ở gọi nhau i ới là mùa cá nhảy đã về. Bây giờ ở lâu thành quen, đến mùa tôi cũng mang thau đi nhặt cá nhảy như mọi người.

Nhớ mùa đầu tiên đến ở xóm này tôi không hề biết điều đó. Chỉ nhớ sau mấy ngày u ám, mưa to gió lớn, một sớm mai thức dậy đi làm. Tôi thấy nước lênh láng đầy đường xóm mà ngao ngán. Có nghe đài hay báo nói lũ lụt gì đâu mà trước sân nhà, rồi quanh vườn và cả xóm ngập chìm trong nước. Bây giờ mới thấm thía vì sao họ gọi vùng đất này là xóm lụt. Trước đây khi quyết định mua đất ở xóm nhỏ này, tôi nghĩ khá đơn giản chỉ cần làm nền cho cao thì mọi sự không liên quan chi đến mình. Hóa ra người tính không bằng trời tính, mưa thì mới mấy trộ, không nghe đài báo nói chi về lụt, vậy mà quanh xóm đâu cũng có nước. Cái này người ta quen gọi là nước ứ, nước ngập ở những vùng trũng, hay còn gọi là ngập cục bộ. Nước mênh mông chi xứ như vậy nhưng cũng phải đi làm, nguyên lội ra cho hết cái xóm này thôi cũng đủ làm xe chết máy và xâm xoàng vì hai cẳng chân như muốn dị ứng vì nước dơ. Chưa hết bàng hoàng vì sự tình dân xóm lụt, với ý nghĩ hèn chi xóm ni không giàu nổi thì thấy nơi cái hồ cạnh nhà nhiều tia nước vọt lên cao mà giật mình. Định thần nhìn kỹ, hóa ra nhiều con cá quăng mình, nhảy tanh tách từ mấy cái hồ lên mặt đường và chúng trườn mình trong nước. Nhìn kỹ chỉ thấy toàn cá rô, những con cá có màu xám đen, kỳ rất sắc. Cứ nghĩ lũ cá rô chắc thấy nước mát búng mình lên dạo chơi rồi mắc cạn nên lần lượt từng con một tôi ném chúng xuống hồ. Vừa chạm xuống mặt nước mấy con cá rô đẹn trùi trũi lại nhảy lên, búng mình ra đám cỏ ven bờ rồi trườn mình ra lối đi, có con may mắn hơn nhảy sang ao hồ bên cạnh. Thôi thì đã thương cố thương cho trót, tôi lại ném chúng xuống hồ lần nữa và chúng lại tiếp tục nhảy lên. Lần thứ ba này tôi không đủ kiên nhẫn để trả chúng về với thiên nhiên mặc dù chúng đã có màn chào sân lý thú như vậy, tôi đem tất cả số cá mình lượm được bỏ vào cái thau và tạ ơn trời với màn bất chiến tự nhiên thành.

Chuyện sáng ra nhặt được bầy cá rô béo ngậy làm tôi suy nghĩ, chắc cá nhảy lên bờ để sinh đẻ đây? Mà cũng có thể là điềm lành gì đây? Chưa hết băn khoăn thì thấy mấy nhà trong xóm cũng ra nhặt cá, họ cười nói râm ran như quên đi bao phiền toái của chuyện hậu lũ lụt khi rác rưởi tấp đầy xóm.

Mấy con cá rô chỉ nhảy lên bờ vài hôm đầu rồi thôi. Thì có còn cá nữa đâu để tái diễn màn ngư ông đắc lợi. Giờ thì tôi đã hiểu cá rô chỉ đẻ vào tháng 4, chúng có tập quán di cư từ hồ này sang hồ khác bằng cách búng mình lên như thế. Qúa trình ấy của đám cá rô xóm tôi đã không thành vì cả xóm ai cũng trông chờ mùa nước ngập này để tóm chúng. Khỏi phải nói cảnh đi nhặt cá trong xóm đông vui đến chừng nào, ai cũng thấy mình may mắn khi không mà có cá ăn. Ôi hạnh phúc của cư dân xóm lụt này tưởng như chưa bao giờ gần gũi đến vậy.

Năm nay mùa mưa đến muộn. Mấy cái hồ trong xóm tôi đang vào tình trạng thiếu nước, không biết lũ cá rô trốn mình đi đâu trong đám rong rêu gần như trơ tận đáy này. Đến đầu tháng 12 dương lịch mới có những đợt mưa đầu tiên. Dạo này đường xóm được nâng cao mấy tấc nên đám cá nhảy lên bờ nằm phơi mình trên mấy bụi cỏ xâm xấp nước. Cả xóm xắn quần đi nhặt cá. Những con cá rô chiên giòn chấm với nước mắm chanh tỏi sao hấp dẫn lạ. Có nhà là bữa cơm ngon lành hứa hẹn, có nhà là buổi mưu sinh cho qua ngày đông. Dẫu sao mùa cá nhảy với tôi đang là điều gắn liền với nơi tôi sinh sống, là cái xóm lụt nghèo có mùa cá nhảy buổi đông về...

Nguyễn Thị Nguyên Hương
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế cho biết, hiện là thời điểm thuận lợi, hội tụ đủ các điều kiện để tiến hành phục dựng lại ngôi điện quan trọng này trong Tử Cấm Thành Huế.

Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội

Chiều 20/5, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật tỉnh tổ chức gặp gỡ các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc hội viên Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế để thông tin cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2025).

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội
Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới

Cách đây 8 năm, ngày 19/5/2016, Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” (1802 - 1945) được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ​

Kỷ niệm 8 năm Di sản “Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận Di sản Tư liệu thế giới
Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng đại diện một số sở, ban ngành và người dân, du khách đã tham gia lễ rước hoa sen và dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế) sáng 19/5.

Dâng hoa sen lên Bác tại nhà lưu niệm ở Dương Nỗ
Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Return to top