ClockThứ Bảy, 20/12/2014 13:41

Thông Thiên An

TTH - Sài Gòn những ngày của tháng cuối cùng của năm đang có chút mơ phai của mùa Giáng sinh sắp về. Nhìn những cây thông bằng nhựa, được bày bán hai bên lề, lòng ai cũng náo nức. Bây giờ đặt mua một cây thông xanh Đà Lạt gần như đã trở nên xa xỉ hoặc có thể là điều quá ư khó khăn khi diện tích rừng nơi cao nguyên đang ngày một thu hẹp. Nghĩ đến xứ sở ngàn hoa này, bỗng nhiên tôi lại nhớ Huế đến kỳ lạ. Cũng do tôi là người Huế, ở đó lại có những rừng thông bốn mùa vi vu, cũng có những đêm Giáng sinh huyền hoặc. Sắp đến Noel, thời điểm này, Huế rất lạnh. Nhớ Huế làm tôi nhớ đến đồi Thiên An đầy tiếng thông reo.

Lứa tuổi của chúng tôi lớn lên vào thập niên 50- 60 của thế kỷ trước, đường lên rừng Thiên An lúc ấy băng qua nhiều núi đồi khá cách trở nên ai cũng thấy xa xôi. Thuở đó Thiên An còn hoang vu, chưa trở thành nơi lui tới để vãn cảnh như bây giờ dù trong mắt nhìn ai cũng biết nơi này thơ mộng và xinh đẹp. Hầu như chỉ có những người liên quan đến Đan viện nơi có những cha người Pháp tu hành mới đến đây. Đa số người dân lên Thiên An là để nhặt củi thông bởi hồi ấy chất đốt chính vẫn là lá, còn củi luôn là thứ hàng mà chỉ có người khá giả mới dùng.

Tôi ở tuổi mười ba mười bốn ít khi đi đâu xa. Tuổi học trò chỉ có những chuyến đi đầy mơ mộng theo trí tưởng tượng. Vậy mà nghe đi nhặt lá thông lại thấy thích, có lẽ vì muốn giúp đỡ gia đình là chính. Dạo đó vào mùa hè, học trò thường rảnh nên năm ba người rủ nhau đi lượm củi, nhặt lá về làm chất đốt. Tôi đã có nhiều lần đạp xe cùng với các anh chị gần nhà lên Thiên An nhặt lá thông khô.
Ngày ấy đi hết con đường Nam Giao, vượt qua đàn Nam Giao, đi qua cầu Lim là đã thấy mình quá xa thành phố, chuyến đi như một sự mạo hiểm nào đó. Vì vậy, lúc nào chúng tôi cũng đi đông người mới thấy an tâm. Trên đường đi, qua khỏi dốc Nam Giao đã bắt đầu thấy bóng thông xanh. Thông trên đồi Thiên An dày đặc, mọc san sát vào nhau, chúng vươn lên thẳng tắp như tranh nhau đón ánh mặt trời. Mùa hè nơi này đẹp như Đà Lạt, mà hồ Thủy Tiên khiến tôi cứ nghĩ đó là hồ Than Thở. Trên những sườn đồi thoai thoải đó, lá thông khô rơi dồn dập, gió làm chúng chao liệng trong không trung nhiều lần rồi mới rớt xuống mặt đất. Mấy trái thông thì như nuối tiếc đời làm thông nên sau khi rớt xuống mặt đất còn lăn vù vù nhiều lần mới chịu nằm yên, mới chấp nhận mình đã sang một kiếp khác.
Lá thông khô rất sạch, chúng nhẹ dễ gom bằng tay nhưng nếu gom bằng tay thì sẽ dơ áo quần và không được nhiều như khi dùng chổi quét. Vừa làm mọi người cứ cầu trời cho gió to để lá rụng nhiều hơn. Gió ở đây mát đến lạnh người, tưởng như nếu có mưa đến chúng không thể nào xen qua tầng lá dày đó mà làm ướt được ai. Ở đây, chỉ toàn tiếng thông reo. Buổi trưa cả nhóm ngồi dưới mấy gốc thông ăn cơm, rồi ra nô đùa ở hồ Thủy Tiên là quên đi bao mệt nhọc. Bọn chúng tôi là học trò còn có xe đạp để đi, chứ lên đây mới thấy nhiều người nhặt rác thông toàn đi bộ. Sau khi gom được rác rồi, họ gánh hai bao lá thông đầy cứng xuống đồi và vượt qua quãng đường dài để trở về thành phố. Bọn chúng tôi thường rời đồi Thiên An muộn hơn vì số lá thông khô chúng tôi nhặt khá nhiều. Giữa đường vẫn thấy rải rác những người quang gánh ấy ngang dốc Nam Giao hay dốc Bến Ngự. Mới hay người thành phố mình cũng nhọc nhằn, chịu thương chịu khó, chắt chiu từng chiếc lá thông khô làm chất đốt cho gia đình. Những chiếc lá thông khô sau khi hết đời làm lá cũng còn có ích cho bao người.
Tôi chưa bao giờ lên Thiên An vào mùa mưa nên không biết nơi này buồn như thế nào khi trời lạnh giá. Cứ tưởng tượng, tất cả chìm trong làn mưa giá buốt và ở đó chỉ có tiếng thông reo hòa cùng tiếng gió hú. Sau này khi lứa chúng tôi trưởng thành, đồi Thiên An nghiễm nhiên là nơi chốn lý tưởng cho những cặp tình nhân hẹn hò. Hầu như đó là địa điểm thơ mộng mà ai ai cũng muốn đến để nghe tiếng thông reo, để được soi bóng trong mặt nước hồ Thủy Tiên trong xanh, để tên mình được khắc lên thân cây thông như lời nguyền của thủy chung. Đã rất nhiều người cảm tạ thiên nhiên đã cho họ có một Thiên An đầy lãng mạn, đầy thi vị để cuộc sống dù khó khăn dù như thế nào chăng nữa thì với tiếng thông reo, mùi thơm nồng của nhựa thông, họ đã có thể quên đi chút muộn phiền đời thường. Noel đã về. Rừng thông Thiên An vẫn là nét đẹp của riêng Huế, nơi ấy có thông xanh, có tiếng chuông thánh lễ, có tiếng bước chân dẫm lên lá khô gợi cho tôi nhanh bước quay về.
Võ Ngọc Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến

Khởi nguồn từ cuộc vận động vào năm 2005, đến năm 2010, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành giải thưởng thường niên do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động 5 năm 2 lần. Tại Thừa Thiên Huế, cuộc thi đặc biệt thu hút nhiều văn nghệ sĩ tham gia. Các tác phẩm về Bác chứa đựng tâm huyết của những nghệ sĩ liên tục được tạo ra trên đất Thần kinh, nơi người cha già dân tộc đã gắn bó thuở thiếu thời, thuở thanh niên.

Văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến
Điều ước cuối cùng

Cụ Túc dừng tay sàng hạt, kéo vạt áo chặm mồ hôi đang rịn trên trán. Bên đống đất, con Còi lăn lộn rồi thình lình bật dậy, lồng qua vạt rau đuổi theo đàn gà đang mổ thóc trong cái nong phơi. Gà chạy tán loạn qua vườn bên kia, con Còi đứng rũ đất cát bám trên người, nằm phịch xuống vẻ thấm mệt. “Đi vào! Coi mình mẩy kìa, đất không là đất!”. Bị mắng, con Còi cụp đuôi ngó lơ rồi lững thững vào nằm dải thẻ ra hiên. Cụ Túc đấm thùm thụp vào cái lưng đau rồi cúi xuống sàng nốt mớ hạt muồng. Ba tháng nay chẳng đêm nào cụ chợp mắt, cái chân đến đêm lại hành cụ phải lọ mọ trở dậy xoa dầu nóng, rót ly nước muồng uống cho dễ ngủ.

Điều ước cuối cùng
Cổ vũ người trẻ tìm kiếm, tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc

Là sân chơi dành riêng cho các bạn trẻ, Cuộc thi sáng tác video clip “Tinh hoa Việt Nam” đã khép lại sau 6 tháng triển khai; ghi nhận gần 12.000 tác phẩm dự thi ngay từ vòng sơ loại, thu hút tổng cộng hơn 56 triệu lượt xem và hơn 679.000 lượt bình chọn trên các nền tảng số, mạng xã hội.

Cổ vũ người trẻ tìm kiếm, tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc
Lan tỏa Tủ sách Huế: Sao không đưa ra thị trường?

Tủ sách Huế ra mắt vào năm 2021 với cuốn sách đầu tiên thuộc tủ sách này đó là Địa chí Thừa Thiên Huế. Đến thời điểm này - sau hơn 3 năm, Tủ sách Huế đã có ấn phẩm thứ 11 “Huế - Kinh đô diệu kỳ” tập 1 và 2 vừa được ra mắt vào tháng 4/2024.

Lan tỏa Tủ sách Huế Sao không đưa ra thị trường
Return to top