Gió sông Hồng hào phóng như không hề biết mùa đông Hà Nội đang bước vào những ngày giá rét. Bên triền sông, lũ chúng tôi như trở về với tuổi thơ và không còn để ý đến cái lạnh của Hà Nội nữa. Những tiếng cười vang lên khắp nơi. Khi bước qua cánh cổng của vườn hoa, chúng tôi đã thực sự có một tấm vé trở về với tuổi thơ hồn nhiên, tuổi trung học phổ thông tinh nghịch. Này là cúc họa mi bạt ngàn một màu trắng tinh khiết, xa kia là hoa cải vàng xanh tươi. Rồi nào hồng, hướng dương, cúc vàng, nào tam giác mạch của vùng cao Tây Bắc, hàng chục loài hoa khoe sắc ghép thành một bức tranh hoa rộng lớn. Bỗng ước mình có đôi cánh để bay dọc triền sông Hồng thưởng hoa trong mùi thơm nồng nàn của đất phù sa.
Một bờ bãi như kéo dài không dứt. Dòng sông Hồng chở nặng phù sa vẫn miên man chảy. Bước trên lớp đất bồi ven sông, bàn chân cảm nhận được sự mịn màng của đất. Bỗng thấy thương đất lạ lùng. Cái màu đất tơi xốp này đã im lặng cho đi, trao tặng tất cả những tinh túy của mình. Từng hạt nhỏ đã kết dính để dâng đời những mùa màng tươi tốt. Nắng chiều hanh vàng quí giá của mùa đông Hà Nội trải dài như muốn sưởi ấm cho những người nông dân Nhật Tân đang cặm cụi với công việc. Tôi tự hỏi bao người đã đi qua đây, bao người đã kế tục nhau trên mảnh đất này. Dấu vết của đất không chỉ hằn in trên đôi bàn tay thô ráp, trên đôi bàn chân đất trộn bùn non mà còn lấp loáng trên khuôn mặt chân chất, trong nụ cười hồn hậu, trong giọng nói thật thà.
Những bức ảnh về cúc họa mi, về những xe đạp chở hoa bán dạo tràn ngập trên các trang báo đã cuốn hút bao người đổ xô về Hà Nội. Khi chân chạm đến dải đất bồi ven sông Hồng, mũi ngửi được mùi đất hòa tan trong gió, trái tim như cảm nhận trong sắc màu hoa tươi tắn ấy có màu của phù sa đã hóa thân, có hương của phù sa chắt lọc thành hương hoa tinh khiết. Hơi lạnh sáng sớm mùa đông Hà Nội như len vào tận chân tóc, bên chén trà đậm ở góc phố cổ, ngắm nhìn những góc phố hoa, tôi nhận ra một dòng chảy thanh lịch của người Hà Nội xưa vẫn len lỏi trong từng con phố nhỏ. Thú yêu hoa, mua hoa tươi về cắm trong nhà hàng ngày là một nét đẹp của người Hà Nội. Trong nhịp sống đông đúc của Hà Nội khi ngày chưa lên, chợt nhận ra một giai điệu Hà Nội xưa qua mùi thơm của ly trà nóng, mùi nếp ngọt của thúng xôi lạc được ủ nóng dưới nhiều lớp vải mà chị bán hàng đã cẩn thận đồ xôi trên tấm lót đan bằng đệm để xôi không bị đọng hơi nước.
Gói xôi lạc được bọc trong 2 lớp, lớp trong là lá chuối, lớp ngoài là giấy báo. Mùi vừng rang thơm như một đường link dẫn đến căn bếp cũ ngày xưa của mẹ với ánh lửa đỏ. Nắm xôi nhỏ ấm trong tay bỗng có sức mạnh xua tan cả mùa đông Hà Nội. Trong rất nhiều món ngon Hà Nội, có nhiều món gắn liền với nền văn minh lúa nước sông Hồng, đó là những món được chế biến từ gạo, nếp, các loại đậu, đặc biệt là đậu nành với món đậu phụ nổi tiếng.
Mỗi dòng sông đều có nguồn cội và dòng chảy khác nhau nhưng hương vị phù sa dâng tặng cho đời đều có chung một vị, đó là vị ngọt của đất đai và tình người in dấu trên mỗi sản vật. Bên bãi bồi sông Hồng, tôi nhớ về sông Hương của Huế, tôi nhớ những vườn cây trĩu quả ở Lương Quán, Nguyệt Biều, về cồn Hến mùa “hoa bắp lay”, về con hến bé nhỏ chỉ to bằng “ ngón tay của cô Ba trong Nội”, sống dưới lớp bùn sâu của sông Hương và mang vị ngọt của cả Trường Sơn đại ngàn.
Hương vị phù sa, đó là một nốt nhạc trầm của mỗi dòng sông và cũng là nốt nhạc trầm của quê hương.
Xuân An