ClockThứ Tư, 07/05/2014 21:58

NSƯT Mộng Điệp, trút hết tuổi xuân cho sân khấu

TTH - Không giống như nhiều nghệ sĩ khác, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Mộng Điệp đến với nghệ thuật sân khấu ca kịch Huế như là một định mệnh tận cùng của hạnh phúc vinh quang, tận cùng của những ngậm ngùi cay đắng.

NSƯT Mộng Điệp cất tiếng khóc chào đời ở làng Trừng Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuổi thơ của bà là chuỗi ngày gắn liền với đắng cay và bất hạnh, tất cả tựa như cánh bướm mồ côi chỉ biết vui buồn với những vở tuồng được biểu diễn nơi góc đình, góc chợ. Bà kể, người bố thân yêu của bà là một nghệ sĩ tuồng có tiếng, nhưng khi bà mới sinh ra thì đã mồ côi mẹ, mồ côi bầu sữa cùng tiếng ru ầu ơ. Có chăng điều bà nhận được là dòng máu nghệ thuật từ người bố của mình, đây có thể xem là nguồn lực nuôi dưỡng trên hành trình trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

NSƯT Mộng Điệp (thứ hai hàng đầu từ trái qua) tại buổi tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế trong chương trình "Âm sắc hương bình" trong Festival Huế 2014

12 tuổi, bà bắt đầu hoá thân vào các vai diễn trong các vở tuồng: Tống Địch Thanh, Lưu Thiên Tích, Đổng Lang, Liễu Nguyệt Tiêm… cùng với nhiều bạn diễn đồng ấu của mình trong đội hát tuồng của làng Xuân Đài. Ngày ấy, sân khấu biểu diễn chỉ là một sân đình, một góc chợ hoặc một mô đất cao giữa làng; thù lao biểu diễn là cơm ăn, áo mặc; khi cần di chuyển đến một nơi mới, đôi chân là phương tiện duy nhất. Vốn liếng của đội hát tuồng “làng xã” cũng chỉ có vài bộ phục trang gọi là, chứ không có những chiếc áo màu xanh, màu hồng, thêu rồng, thêu phượng dùng cho diễn viên khi thể hiện nhân vật… Chỉ có một thứ duy nhất mà những người nghệ sĩ như bà sở hữu, đó là nghệ thuật diễn xuất.

Mười chín tuổi, để có tiền nuôi con, Mộng Điệp xin vào ca thử ở gánh hát Kim Sanh. Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu mới - sân khấu ca kịch Huế. Vượt qua mọi thử thách, bà bắt đầu sống với nghiệp diễn mới, với các bài bản thường được sử dụng như: Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Tương tư khúc, Tứ đại cảnh, Cổ bản, Phú lục… Cũng bắt đầu từ đây, nhờ tài diễn xuất của mình, nghệ danh Mộng Điệp đã đi vào công chúng như một sự tưởng thưởng xứng đáng mà nghề nghiệp đã dành riêng cho bà.

12h30 trưa ngày 6/5, NSƯT Mộng Điệp - người nghệ sĩ lớn của sân khấu ca kịch Huế đã trút hơi thở cuối cùng, sau một thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 96 tuổi. Bà đã từng làm Đoàn phó Đoàn ca kịch Huế và là người nghệ sỹ đầu tiên của Thừa Thiên Huế được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Bà kể, vai diễn Nàng ba Châu Loan là vai diễn đã ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nghệ sĩ của bà, bởi cũng chính vai diễn này đã đưa bà vào Đại Nội biểu diễn phục vụ Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Bảo Đại) nhân dịp lễ tứ tuần. Đó là ký ức đẹp, ký ức này vẫn còn đeo đẳng trong giấc ngủ của bà cho đến tận hôm nay.

Trong những năm bom đạn chiến tranh, Mộng Điệp theo đoàn ca kịch Trị Thiên Huế biểu diễn từ thủ đô Hà Nội đến tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh. Nhưng vinh dự nhất là bà đã từng được biểu diễn ba lần cho Bác Hồ xem những vở diễn điển hình của sân khấu ca kịch Huế. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, bà tiếp tục công tác đào tạo diễn viên trẻ. Năm 1984, bà trở thành nghệ sĩ đầu tiên ở Thừa Thiên Huế được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

NSND Ngọc Bình tâm sự, cuộc đời của NSƯT Mộng Điệp là chuỗi ngày sống với gian truân dâu bể, bà đã trút hết tuổi xuân của mình cho sân khấu. Khi về già, dù không còn xuân sắc, nhưng bà vẫn say mê trong âm sắc trong làn điệu Nam ai, Nam bình… khi được mời đến truyền nghề cho thế hệ diễn viên trẻ tại Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế.

Trọng Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Return to top