|
Sau gần 15 năm bắt tay vào công cuộc sưu tầm, số hóa, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã thực hiện gần 418.000 trang tư liệu |
Những tư liệu Hán Nôm được tìm thấy, số hóa được cho là thông điệp quan trọng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc.
Đáng mừng, nhưng… chưa đủ
Những dịp cuối năm, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế lại công bố thêm những tư liệu Hán Nôm đã được tìm thấy, xử lý, số hóa cũng như xuất bản những công trình liên quan. Năm sau lại nhiều hơn năm trước, với những thông tin mới lạ, cuốn hút không chỉ về mặt số lượng mà còn ở giá trị.
Đến thời điểm này, sau gần 15 năm bắt tay vào công cuộc sưu tầm, số hóa, thư viện đã thực hiện gần 418.000 trang tư liệu tương đương với hơn 5.200 đầu tài liệu, hầu hết là sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, gia phả, văn thư - đơn từ, địa bạ, hương ước, văn cúng... Những tư liệu ấy được tìm thấy tại 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ.
Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế nói rằng, để làm được điều đó là cả một quá trình nỗ lực của cán bộ thư viện cũng như các chuyên gia đến từ nhiều đơn vị phối hợp. Theo bà Oanh, dù chưa có nhiều điều kiện thuận lợi song qua các đợt thực hiện, đơn vị đã tích cực, số tài liệu được số hóa ngày càng nhiều và đạt chất lượng, nhiều tư liệu quý hiếm bị hư hỏng nặng đã được phục chế… “Hoạt động này đã góp phần bảo tồn di sản Hán - Nôm, nguồn tài liệu quý giá cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, của vùng đất Thuận Hóa nói riêng và cả nước nói chung”, bà Oanh chia sẻ.
Nhắc đến di sản Hán Nôm, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin) cho rằng, Huế là trung tâm của di sản này. Ngoài những tư liệu Hán Nôm bằng thư tịch tàng trữ trong các cơ quan, thư viện thì lượng tư liệu tản mát trong làng xã, họ tộc, tư gia… vẫn rất cực kỳ lớn. Đứng trước những hư hỏng có nguy cơ tàn tạ, ông Hoa cho rằng, việc thư viện bắt tay với các đơn vị điều tra, khảo sát, thực hiện số hóa, phục chế rất nhiều tư liệu quý, cũng như chọn phiên âm, dịch, xuất bản là điều rất đáng mừng.
“Tất nhiên chừng đó là chưa đủ. Ngoài tiếp tục đi sâu, khảo sát những tư gia, làng xã còn lại, đã đến lúc phải có chương trình để phiên âm, đánh giá, lựa chọn những tư liệu giá trị để dịch, giới thiệu theo từng đề mục”, ông Hoa hy vọng.
Cần tính toán để công chúng dễ dàng tiếp cận
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoa, dù các tư liệu Hán Nôm đã được số hóa, nhưng hiện vẫn… nằm trong ổ cứng khiến nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu Hán Nôm của Huế vẫn khó tiếp cận. Do vậy, ông đề nghị thời gian tới sớm có dự án hướng tới khai thác tốt hơn tư liệu này, xa hơn thành lập phòng hoặc trung tâm tư liệu Hán Nôm. “Việc này đáp ứng ứng nhu cầu học thuật, nghiên cứu, quảng bá được giá trị quý nhất ẩn tàng trong tư liệu Hán Nôm”, ông Hoa nói.
Theo bà Oanh, trong số những tư liệu Hán Nôm được số hóa, thư viện đã tuyển chọn xuất bản được một số ấn phẩm phục vụ trưng bày, triển lãm, nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn tài liệu có giá trị. Có thể kể đến như “Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế”, “Sắc phong, Chế phong, Chiếu dưới thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (tuyển chọn)”, “Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Văn thư - đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Và sắp tới sẽ ra mắt cuốn “Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Ngoài ra, thư viện đã xử lý nghiệp vụ, biên mục được 5.211 tài liệu vào phần mềm Emiclib sẵn sàng phục vụ bạn đọc.
Dù được cho rất nỗ lực, nhưng theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, về lâu dài phải tính toán đến việc để công chúng tiếp cận một cách dễ dàng hơn. Để làm được điều này, ông Hải mong muốn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng thiết chế thư viện xứng tầm như trung tâm văn hóa lớn của đất nước.
“Sự đầu tư lớn này giúp có năng lực bảo quản, giữ gìn cũng như phát huy một cách tốt nhất. Quan trọng hơn nữa, có thiết bị kỹ thuật hiện đại để chuyển tải được hình ảnh trong thời đại số hóa hiện nay, từ đó đưa ra thế giới chứ không chỉ giới hạn ở Huế”, ông Hải nhấn mạnh. Ngoài ra vấn đề quan trọng không kém đó là việc quan tâm đầu tư đào tạo con người, làm sao thư viện có đội ngũ trong tương lai là những chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm để nghiên cứu, khai thác những di sản này.
Người đứng đầu ngành văn hóa tỉnh cũng nói thêm, những di sản Hán Nôm của Huế không chỉ ở Huế mà còn nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới. Trong tương lai cần có chiến lược đưa di sản này hồi hương. Đây là bước đi không hề dễ dàng nhưng nếu có chiến lược đúng, sự đầu tư chính đáng chắc chắn sẽ làm được.