ClockThứ Bảy, 11/02/2023 16:43

Chưa phải ai cũng biết!

TTH - Lâu nay, người ta đều gọi ông Nguyễn Đắc Xuân là “Nhà Huế học”, bởi anh có số lượng sách nghiên cứu về Huế nhiều đến mức một bìa sách không thể ghi hết, trong đó có những bộ sách dày hàng ngàn trang… Nhưng có lẽ, nhiều người chưa biết Nguyễn Đắc Xuân còn là một nhà thơ, từng có thơ in từ hơn 60 năm trước.

Sẽ có thêm nhiều thông tin mới về vua Hàm Nghi

Bìa tập thơ

Năm 2022, NXB Hội Nhà văn đã in tuyển tập thơ “Đời thơ tôi” Tâm Hằng – Nguyễn Đắc Xuân. Trong Tự bạch “Tiếng thơ tôi”, Nguyễn Đắc Xuân giãi bày “duyên nợ” với “Nàng thơ”, kể lại thời học sinh đã chép các tập thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… và bắt đầu làm thơ từ năm 1959 đăng trên báo “Rạng Đông”, “Công dân”. Thời ấy, anh đang học Đệ tam Quốc học, với bút hiệu Nguyễn Xuân Tử, Nguyễn Đắc Xuân in chung với Hà Ly Hải tập “Bướm lạc rừng xuân”. Một thời gian sau, Nguyễn Đắc Xuân lấy bút danh Tâm Hằng. Tác giả tâm sự: “…Nay tuổi đã xế chiều, quán chiếu đời mình, trong đầu tôi chồng chất nào chuyện gia đình, học hành, tranh đấu, kháng chiến, xây dựng hòa bình… nhưng vẫn còn thấy những bài thơ lấp lánh trong tâm trí […]. “Đời thơ tôi” chỉ là những kỷ niệm đẹp của một người cầm bút…”

Trước thềm Xuân Quý Mão, Nguyễn Đắc Xuân xuất bản “Đời thơ tôi” gồm 3 tập. Tập một mang tên “Đường phố này là trận địa” có 30 bài viết từ năm 1963-1966; tập hai mang tên “Đi chân đất” có 20 bài viết từ năm 1966-1974 và tập ba mang tên “Màu xanh con đường” có 21 bài. Tên mỗi tập và không gian - thời gian mà tác giả sáng tác phản ảnh những chặng đường đấu tranh không thể quên, không chỉ của tác giả mà của cả một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và di sản văn hóa.

Tập một ghi lại sự kiện và cảm xúc của tác giả trong cuộc đấu tranh tại đô thị Huế mà “người thanh niên trí thức yêu nước Nguyễn Đắc Xuân luôn dâng lên những ngọn sóng của tình yêu đôi lứa và khát vọng tự do” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong bài tựa cho tập thơ với nhan đề “Tình yêu và tự do” đã viết như thế. Và ông đã mời bạn đọc hãy đọc bài thơ “Bên trong cửa sắt”, tác giả viết trong tù ngày rằm tháng 7 âm lịch năm 1963: “Anh đang ngồi đợi trăng rằm lên/ Không biết làm sao lại nhớ em/ Anh cắn ngón tay cho rỉ máu/ Thành thơ cầu nguyện gửi cho em…”

Nguyễn Quang Thiều bày tỏ ấn tượng trước khung cảnh lãng mạn nhìn trăng qua song sắt nhà tù, tác giả đã thể hiện ý trí mạnh mẽ đấu tranh cho tự do: “Anh muốn bịt súng thần công lại/ Cho bom đạn đừng bay đi/ Để cho quê hương mình thôi đói khổ/ Để cho anh em mình đừng khóc biệt ly”… (“Ước vọng” – 1965). Cuối tập một là bài thơ “Tôi vẫn còn tranh đấu mãi không thôi” viết trong đêm không ngủ trước Đài Phát thanh Huế 19/5/1966 – thời điểm cuộc đấu tranh đòi hòa bình của sinh viên thanh niên đô thị lên cao điểm. Bài thơ liên tục là những đoạn thơ mạnh mẽ như tuyên ngôn của những chiến sĩ đang đổ máu trên đường phố Huế: “Tôi là một thằng con trai/ Thấy nước mất thì phải hành động/ Ai mà dâng nước cho ngoại bang/ Cũng sẽ bị lịch sử giống nòi kết án/ Tôi vẫn còn tranh đấu mãi không thôi”…

Tiếp tục tinh thần đó, trong tập hai là những bài thơ của chàng sinh viên Nguyễn Đắc Xuân viết tại Chiến khu Thừa Thiên Huế từ 1966-1974. Khi đọc tập hai, Nguyễn Quang Thiều đã viết: “…Bước vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tình yêu đôi lứa trong con người Nguyễn Đắc Xuân đồng hành cùng tình yêu Tổ quốc và khát vọng tự do. Đấy chính là điều làm nên chiến thắng cuối cùng của dân tộc”.

“… Sáng mai anh lại lên đường ra phía trước/ Có ngọn lửa em nhen sáng tỏ trăm chiều/ Còn kẻ thù, lửa không bao giờ tắt/ Trong tim anh và trong mắt em yêu”… Chính là với tinh thần đó, mùa Xuân 1975 Nguyễn Đắc Xuân đã được cùng đồng đội, bạn bè trở về thành phố Huế hòa bình, trong một đất nước thống nhất, để hôm nay có tập ba “Màu xanh con đường” in trong tập thơ này. “…Như nắng hè về gọi mùa hoa phượng nở/ Tôi về đây giữa lòng Huế yêu thương/ Rộn rã trong tim, tiếng anh tiếng chị Hà Nội, Sài Gòn/ Tiếng thống nhất em bé ra đời chào mẹ…”

Ngoài ba tập thơ được tuyển in trong cuốn sách này, với chùm “Nhật ký Thơ” và phụ lục “Thơ trong đời tôi” in cuối sách, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc rất nhiều kỷ niệm và thông tin thú vị. Ví như câu chuyện “Thơ giúp tôi đăng báo những thông tin đầu tiên về Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế”, tác giả kể lại khoảng năm 1978-1979, khi dự một Trại sáng tác, anh đăng ký viết về Thời niên thiếu của Bác Hồ, nhưng Ban Tổ chức Trại bảo đó là việc của Trung ương. Thế là Nguyễn Đắc Xuân viết bài thơ “Con đường qua Chợ Xép”, nhắc tới những địa danh ghi dấu Thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế: “Từ ngõ chợ này Bác đi khắp nơi/ Làm lãnh tụ của những Người cùng khổ/ Bác không quên những năm tuổi nhỏ/ Với cảnh nghèo ở Chợ Xép buồn đau”… Bài thơ đăng báo “Bình Trị Thiên” được nhiều người chú ý. Từ đó Nguyễn Đắc Xuân viết tiếp hàng chục bài đăng báo khắp cả nước, để rồi hình thành nên cuốn sách “Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế”. Đó cũng là một cơ sở giúp ngành văn hóa lập nên Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế hiện nay.

Còn nhiều kỷ niệm thú vị nữa, như chuyện “Thơ đã cứu tôi thoát khỏi “cửa tử” năm 1965”. Đó là lúc Nguyễn Đắc Xuân cùng một số sinh viên Huế “bị” tướng Nguyễn Cao Kỳ mời đích danh vào Sài Gòn dự Hội thảo cho tuổi trẻ “chuẩn bị Bắc tiến” ngày 20/7/1965. Nếu ủng hộ Bắc tiến là tự giết mình; chống lại là bị bắt đưa ra Tòa án quân sự. Nguyễn Đắc Xuân đã đọc bài thơ “Nhân Danh” lên án âm mưu “nhân danh” này nọ để giết hại đồng bào với câu cuối “Xin nhân danh đường lối hòa bình/ Của Tổng thống Johnson, tôi giết luôn tôi”, công khai chống lại luận điệu của Johnson chủ trương ném bom miền Bắc để có hòa bình. Đọc xong, có bạn mách anh thay áo quần, ra cửa sau, chứ ở lại, chúng sẽ tìm cách giết. Đi ra, Nguyễn Đắc Xuân gặp ngay nhạc sĩ Phạm Duy và ông đã đưa anh lên xe đi thoát. Hơn thế, bài thơ đã được nhạc sĩ phổ nhạc trong “Tâm Phẫn Ca” mà khi nghe hát, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thốt lộ: “Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát…”.

Ngày xuân, nói đến thơ ông lão tên Xuân, có lẽ nên dẫn mấy câu thơ tác giả viết năm 2022 để tạm kết thúc bài viết: “Tám mươi lăm tuổi vẫn còn Xuân/ Đất nước bao nơi vẫn muốn thăm/ Sớm tối dạo chơi Internet/ Năm châu kéo lại cạnh giường nằm”…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế

Sáng 30/4 đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca Đất Việt xứ Huế, trở thành thành viên thứ 14 của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy thơ ca Đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế
Tuổi trẻ cống hiến cho phong trào đô thị

Trong phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, phong trào đô thị Huế đã đóng góp tích cực vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là một trong những người tham gia phong trào từ những ngày đầu đến lúc ra chiến khu vào năm 1966.

Tuổi trẻ cống hiến cho phong trào đô thị
Giới thiệu tập thơ “Khơi nguồn 3” của CLB thơ Haiku xứ Huế

Chiều 30/5, tại Lan Viên Cố Tích – Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, CLB thơ Haiku xứ Huế thuộc Hội thơ Hương Giang tổ chức giới thiệu thi phẩm “Khơi nguồn 3”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Haiku xứ Huế góp mặt vào dòng thơ Haiku Việt.

Giới thiệu tập thơ “Khơi nguồn 3” của CLB thơ Haiku xứ Huế
Return to top