ClockThứ Năm, 13/07/2023 13:00

Có một nhà thơ xứ Huế

TTH - Tôi gặp nhà thơ Hải Bằng lần đầu tiên ở một “Hiệu sách nhân dân” sơ tán tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cách đây vừa đúng 50 mươi năm (năm 1973). Chủ hiệu sách là chị Chiến (vợ nhà thơ) là một người phụ nữ cao gầy, mảnh mai, lanh lợi, mà tôi rất quý mến, bởi chị luôn dành cho“ thằng học trò mê sách” những cuốn sách, bộ sách văn học nổi tiếng của các tác giả trong nước và nước ngoài lúc bấy giờ.

Đất nước và cảnh đẹp trong văn chươngTác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế Rộn ràng hội sách, nhưng quan trọng hơn là đọc thường xuyên

leftcenterrightdel
 Bìa sách thơ Hải Bằng

Còn ấn tượng về ông ở lần gặp ấy vẫn còn hiện rõ trong trí nhớ của tôi. Đó là người đàn ông trạc tuổi trung niên, gầy gò và khắc khổ, nhưng có đôi mắt rất sáng, dắt chiếc xe đạp buộc đầy những thứ lỉnh kỉnh… Sau đó không lâu, nhờ ông mà tôi được gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi nhà thơ về nói chuyện thơ và chùm thơ của mình vừa đoạt giải nhất của tuần Báo Văn nghệ (Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Gửi em cô thanh niên xung phong, Tiểu đội xe không kính) cho học sinh Trường cấp 3 Nam Quảng Ninh (nơi tôi đang học).

Bẵng một thời gian khá dài, khi tôi rời quân ngũ (cuối năm 1984) về công tác tại thư viện Bình Trị Thiên, tôi mới gặp lại nhà thơ Hải Bằng (lúc này là biên tập viên tờ Báo Văn hóa và Đời sống của ngành, cùng với nhà văn Nguyễn Quang Lập, do nhà thơ Văn Lợi phụ trách). Tôi là cộng tác viên tích cực của tờ báo nên thường xuyên đến tòa soạn gửi bài. Thỉnh thoảng gặp ông ở đó, trò chuyện thơ văn, lâu dần thành quen thân. Ông mời tôi về nhà chơi (nhà cũ trong khu tập thể Phát hành sách ở đường Nguyễn Chí Diễu, Thành Nội; nhà mới sau này ở đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế). Mỗi lần như thế, thành một quy trình định sẵn: thưởng thức hương vị cà phê Tây Nguyên, trà móc câu Thái Nguyên, nghe ông đọc những bài thơ vừa mới viết… Ông đọc thơ cứ như người lên đồng, mắt long lanh, giọng cao hứng…, lâu lâu lại hỏi “thơ được hí”…

Cơ duyên và may mắn để tôi thực sự gắn bó với ông như người một nhà, là thời gian sau tái lập tỉnh (tháng 7/1989) đến lúc nhà thơ nghỉ hưu (tháng 4/1992). Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách tổ Báo chí - Xuất bản của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh, trực tiếp cùng nhà thơ Hải Bằng, nhà thơ Dương Toàn Thắng, họa sĩ Bính Văn, nhà nhiếp ảnh Võ Xuân Bé, xuất bản tập san Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế. Mặc dù được “khoán” biên tập thơ và minh họa, nhưng ông là người luôn đến cơ quan sớm, lúc nào cũng chỉn chu, xem có công việc gì mới không, để “cùng làm với các cậu cho vui”. Về tuổi tác ông là bậc cha chú; về thơ phú văn chương, ông là nhà thơ, nghệ sĩ có đẳng cấp. Thế mà, trong giao tiếp hàng ngày, ông khiêm nhường gọi tôi bằng “anh” và xưng “tôi”, góp ý mãi mới chịu gọi bằng “cậu”. Tôi thầm biết ơn ông, người đã gieo niềm say mê, truyền cảm hứng thi ca trong tôi cho đến tận bây giờ. Ông sống tình cảm, chân thành, thủy chung.

Sau ngày nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều (đi lại khó khăn) nhưng ông vẫn lên chơi nhà tôi ở gần đàn Nam Giao (cô gái út Kim Phụng chở bằng xe Chaly cọc cạch), tặng tôi lạng trà Thái đặc biệt (mua ở hiệu trà số 3 Hàng Điếu – Hà Nội), đọc thơ mới viết, mở băng ghi âm bài bút ký “Tôi nhen sức sống theo từng bước đi của mình để làm thơ về Huế” của ông vừa được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong chương trình “Đọc chuyện đêm khuya”. Lúc chia tay, ông cứ tần ngần mãi, tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc, nhưng ấm nóng của nhà thơ, thay cho lời muốn nói. Có ngờ đâu, đó là lần cuối cùng tôi được gần bên ông.

Thời gian thấm thoát lặng trôi, đến tháng 7 này là giỗ lần thứ 25 của nhà thơ Hải Bằng (ông mất ngày 7/7/1998). Đó là độ lùi cần thiết, đủ để bạn đọc gần xa, những người yêu thơ, những nhà quản lý lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật, có cái nhìn khách quan, và thấm đượm hơn về thơ ông, những đóng góp mang đậm tính cách và bản lĩnh của một “thi sĩ - chiến sĩ”; của một tấm lòng trung trinh với đất nước, của một tâm hồn “rất Huế”.

Bằng chứng là di sản văn học nghệ thuật mà ông để lại cho đời, trong đó nổi trội và xuyên suốt là thơ (với 14 tập thơ, còn nhiều di cảo và hàng trăm bài thơ chưa công bố), được các nhà thơ danh tiếng cùng thời thán phục, bạn đọc yêu mến. Có nhiều nhà thơ đã viết về mưa Huế, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có ai viết về mưa Huế nhiều (với 203 bài thơ tứ tuyệt), và bằng cảm nhận đa chiều, lắng sâu mà tinh tế như nhà thơ xứ Huế viết về mưa quê mình. Từ đây, gợi lên một công thức cho tua du lịch “Mưa Huế” đang được nhiều người quan tâm, gồm: Nhà vườn + nhạc Trịnh + thơ Hải Bằng + ẩm thực (trải nghiệm) để các nhà làm du lịch tham khảo.

Ngần ấy thôi, cũng đủ để tên nhà thơ Hải Bằng nằm chính danh trong quỹ ngân hàng đặt tên đường phố của tỉnh, và xứng đáng có một con đường phù hợp mang tên ông. Mong và tin điều đó sớm trở thành hiện thực...

Bài, ảnh: LÊ VIẾT XUÂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”

Trước “Nhận mặt thời gian”, NXB Thuận Hóa, 2023, Châu Thu Hà đã trình làng 2 tác phẩm “Khúc đêm” (2002) và “Nép về phía anh” (2014). Nữ thi sĩ chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi. Thơ tình của chị vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”. Có điều, khoảng cách thời gian khá dài giữa 3 tập thơ tạo cho mỗi tập có những sắc thái tình cảm riêng. Tập đầu: rụt rè và e ấp; tập thứ hai: mãnh liệt và nồng cháy; tập thứ ba: nhẹ nhàng và sâu lắng.

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”
Return to top