ClockChủ Nhật, 07/06/2020 15:37

Đi qua mùa dã quỳ

TTH - Thời gian vậy mà đã 10 năm... Ngày đó, tôi đến Đà Lạt như một tiếng gọi mơ hồ mách bảo cho tôi biết rằng, ở thành phố cao nguyên xinh đẹp kia có một người tôi mong chờ trong cả kiếp người đang ở đó. Nếu không đến, tôi sẽ không tìm ra nửa phần còn lại của mình. Tôi không biết vào 100 năm trước, bác sĩ Yersin đã nói câu gì khi nhìn thấy Đà Lạt. Nhưng tôi lại nói câu mà rất nhiều người cũng đã từng nói: “Lạnh quá”. Khi tôi nhìn thấy thành phố ấy.

Dã quỳ trong sươngNgược đường dã quỳ

Khi Đà Lạt chẵn 100 năm có mặt, tôi theo chuyến xe tìm đến giữa bạt ngàn hoa dã quỳ đón chào. Để rồi, trong ngàn ngàn đóa hoa dã quỳ đó, trái tim tôi đã bị anh lấy mất đi. Trước khi gặp anh, tôi không thể hình dung rằng khi yêu, hạnh phúc và khổ đau cũng chỉ là ranh giới mong manh. Trước khi gặp anh, tôi chẳng hiểu rằng tại sao người ta có thể gục ngã trước một người nào đó. Nhưng tôi đã gục ngã theo mùa hoa dã quỳ năm ấy, khi những đóa hoa vàng óng kia đã phai tàn khi mùa đông đi qua, nhường chỗ cho mùa xuân hớn hở, thay thế vào đó là những cành mai anh đào trổ sắc hồng.

Ngày đó, tôi theo đoàn tham gia tổ chức hội chợ nhân thành phố ngàn hoa này kỷ niệm 100 năm thành lập. Đoàn trường của tôi có một gian hàng bán những sản phẩm bằng tre nứa, do chính cơ sở sản xuất của trường làm. Tôi được chọn trong số bốn người đến Đà Lạt để tham gia bán hàng tại khu vực hội chợ. Tưởng những ngày ở Đà Lạt sẽ trôi qua nhanh, ngoài cảm giác nhìn hồ Xuân Hương thở dài mỗi buổi sáng đầy sương khói, buổi tối co ro trong chiếc áo choàng, ghé khu chợ ẩm thực đêm ăn vài con ốc, uống ly sữa đậu nành nóng. Nhưng anh xuất hiện.

Anh xuất hiện giữa dòng người đông đúc, anh đứng trước mặt tôi: “Cô ơi, có bán không?” Chỉ mới nhìn thấy anh lần đầu là tôi đã có cảm giác anh đã thuộc về tôi. “Ở đây thứ gì cũng bán anh à. Tụi em có nhiều loại hàng kỷ niệm làm bằng tre trúc. Đèn ngủ nè, giá sách, cả khung cảnh nữa.” Anh cười: “Anh mua hết được không ?”. Rồi suốt những ngày sau đó, ngày nào anh cũng ghé để mua một thứ gì đó, cho đến khi hội chợ bế mạc thì tôi và anh thân nhau. Anh rủ tôi đi ăn chè, đi ngắm đồi thông và đến nhà anh chơi. Phòng làm việc của anh toàn là đồ lưu niệm bằng tre anh đã mua về.

Tôi không hiểu tại sao tôi bị hút vào anh như thể anh là một thứ bùa mê lạ lùng nào đó. Ba ngày ngắn ngủi còn lại anh đưa tôi đi khắp đất trời Đà Lạt. Anh dạy cho tôi cách đi tắt bằng những con đường tam cấp, anh dạy tôi gọi tên các loại hoa. Thế là tôi đã đổ gục trước anh. Tôi biết rằng, tôi đã đổ gục như thể đôi chân tôi không thể nào vượt qua ngọn đồi chập chùng thông. Rồi chia tay, để trong tôi dằn dặt nỗi nhớ. Tôi hẹn với anh là tôi sẽ thi vào Đại học Đà Lạt để có thể ở bên anh.

Tôi đã có những ngày vui bên anh như thể tôi chưa hề có những ngày vui đó nếu trong cuộc đời tôi không có anh. Rồi tôi lên Đà Lạt học. Tôi chọn thành phố có những bãi cỏ xanh đến độ ta chỉ muốn nằm lăn trên đó để tận hưởng sự mềm mại của từng cọng cỏ, bởi tôi muốn mỗi ngày tôi đều có anh bên cạnh mình. Tôi muốn mỗi sáng mai khi tôi thức dậy, dẫu không có anh ở trước mặt, nhưng tôi biết rằng anh và tôi đang ở cách nhau chỉ một đoạn đường gần gũi. Nhưng trái tim tôi đã dẫn tôi đi lạc lối, trong khi lý trí của tôi luôn nhắc nhở tôi rằng: Yêu à? Tình yêu thường có nhiều nước mắt hơn nụ cười đó.

Tại sao tôi có thể chịu đựng sự khổ đau và nuôi niềm hy vọng mỏng manh cả năm trời tôi cũng chẳng hiểu. Anh không yêu tôi, hay nói đúng hơn là anh chỉ coi tôi như một cô gái bình thường để khi cần thì anh tìm đến, khi vui thì anh bỏ tôi đi biệt. Bởi người đàn bà anh yêu là chị Lâm Đồng. Lạ kỳ cho tôi là tôi lại tin vào anh như anh là ngọn đèn tỏa sáng, tôi là con thiêu thân tìm đến vùng sáng rực rỡ kia không điều kiện, không biết rằng ánh sáng sẽ đốt bỏng đôi cánh của mình. Anh cho tôi một buổi hẹn, tôi mừng như thể đó là ân sủng. Ngồi với anh trên đồi thông ngập tràn màu lá xanh, tôi ngước nhìn bầu trời ngập tràn mây trắng mà ước rằng ngày ngưng trôi để tôi có anh bên tôi mãi mãi. Rồi anh nói: Em còn nhỏ lắm Nguyệt Quế à. Em lo học đi. Anh chẳng giúp ích được gì cho em đâu”. Tôi níu tay anh, để tay mình trong bàn tay cứng rắn đó: “Không có anh làm sao em học được?”.

Người ta nói tình yêu chỉ tồn tại khi hai trái tim cùng có chung một nhịp đập. Trái tim anh đã không cùng nhịp đập với tôi. Nhưng lạ kỳ chưa, tôi vẫn tin rằng tôi sẽ níu anh về phía mình, dù anh đã có chị Lâm Đồng. Đêm Đà Lạt lạnh đến dường nào, vậy mà tôi vẫn khoác áo choàng, đứng trước nhà anh trong khi sương vẫn lặng lẽ làm ướt đẫm chiếc áo tôi đang mặc. Anh đi chơi với chị Lâm Đồng về, nhìn thấy tôi đang run cùng Đà Lạt, anh chỉ kịp đưa tôi vào nhà, pha cho tôi một ly trà nóng: “Em điên à? Em về lại Nha Trang đi”. Mấy ngày sau tôi ngã bệnh giống như trong chén trà anh pha có bỏ bùa mê? Trong cơn bệnh, tôi chỉ toàn thấy bóng hình anh.

Hoa dã quỳ nở vàng đến thế. Kìa những con đường nối nhau với màu vàng giống như màu vàng 10 năm trước tôi đã từng thấy. 10 năm trước tôi khờ khạo yêu người. Để đêm nào đứng tựa lưng trước nhà hàng rực rỡ ánh đèn, chứng kiến anh và chị Lâm Đồng kết đôi thành chồng vợ. Tôi chỉ muốn chết ngay lúc đó, như thể anh đã phản bội lời thề với tôi. Tôi đã rời Đà Lạt khi mùa hoa dã quỳ đã qua, lòng thề với lòng là sẽ không bao giờ trở lại.

Đêm 110 năm, Đà Lạt trở nên ấm áp với dòng người cuộn trôi trên khu Hòa Bình đổ xuống đường vòng hồ Xuân Hương. Tôi nhìn thấy hoa bung nở mọi nơi. Trên con dốc cao kia, những chiếc xe ngựa chất đầy hoa lướt qua. Kìa, hoa cẩm chướng tượng trưng cho tình yêu chung thủy, hoa cát tường tượng trưng cho sự may mắn, hoa vi-ô-lét với tình yêu nồng nàn, hoa hồng nhung kiêu sa và hoa dã quỳ vàng được kết trên những chiếc nón lá của 110 cô gái tượng trưng cho tuổi 110 của Đà Lạt. 10 năm sau thành phố Đà Lạt như rực rỡ và xinh đẹp hơn, 10 năm sau tôi đã thành người khác, đến Đà Lạt như một người tìm về. Tôi vẫn nhớ tới anh, nhưng tôi không đủ can đảm tìm đến anh.

Tôi theo dòng xe hoa tới khu vực bờ hồ, nơi diễn ra lễ hội hoa đăng, tôi chen cùng dòng người xa lạ. Cho đến khi tôi dừng lại nơi khu vực thả hoa đăng, tôi chợt nhìn thấy anh như định mệnh đã đưa anh đến nơi này. Anh đang đưa tay đẩy một chiếc hoa đăng cùng với một cô bé trạc chừng 7 tuổi. Chiếc hoa đăng lao ra giữa hồ. Tiếng cô bé cười giòn tan. Tôi định quay lưng đi, nhưng lạ lùng cho tôi chưa, tôi chen qua bao nhiêu người, đến gần bên anh. Chỉ một chạm khẽ vào cây cỏ, anh đã nhận ra tôi: “Nguyệt Quế phải không?”

Tôi đã rời Đà Lạt với trái tim trống không. Mười năm nhìn lại mình, tôi vẫn có cảm giác rằng nếu bắt đầu nỗi đau cùng anh, tôi cũng không hề thay đổi. Anh và tôi ngồi trên quán cà phê ở con dốc lên khu Hòa Bình, nhìn xuống khu phố ẩm thực có biết bao người qua lại. Anh nói: “Anh và Lâm Đồng chia tay đã 3 năm rồi. Em có ghé nhà anh chơi không?” Tôi trả lời: “Thôi anh ạ, mùa hoa dã quỳ đã qua rồi”. Anh không hiểu tôi nói, mà làm sao anh hiểu được. Với tôi trong cuộc đời, Đà Lạt chỉ có một lần hoa dã quỳ nở, đó là vào mùa hoa dã quỳ 10 năm trước, thuở tôi khờ khạo yêu anh hơn hết thảy những người đàn ông trên thế gian này. Đến giờ này tình yêu đó vẫn trọn vẹn không suy giảm. Nhưng tôi và anh đã mất nhau từ mùa hoa dã quỳ năm đó.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu

“Với tầm khái quát lý luận cao và tổng kết thực tiễn sâu sắc, các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hàm chứa những giá trị lý luận và thực tiễn mà đội ngũ giảng viên nhà trường cần quan tâm nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học” - TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu
Return to top