Trang bìa của chuyên san Gác Văn
Như một nhịp cầu, bắt nhịp với thị trường công nghệ, “Gác văn” không chỉ có những nét riêng biệt, độc đáo trong từng trang nội dung mà còn mới lạ trong hình thức trình bày, xuất bản. “Gác văn” được xuất bản online, đưa người đọc tiếp cận với hình thức trực tuyến, khác lạ so với rất nhiều tạp chí, tập san, chuyên san truyền thống lâu nay.
Mở đầu cho cuốn chuyên san “online” này, những người thực hiện cũng chính là những giảng viên, sinh viên của Khoa Ngữ văn chia sẻ rằng: “Như những hạt bồ công anh theo gió hăm hở tìm cách bám chân ở những miền đất mới nhưng chưa bao giờ lãng quên ký ức về nơi mà từ đó, chúng đã trưởng thành trước lúc bay xa. Nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên của đại gia đình Ngữ văn vốn dĩ cách xa nhau bởi không gian, thời gian nay có cơ duyên hạnh ngộ trên cùng trang giấy trắng. Người đi sau ướm chân mình vào dấu chân người đi trước, yêu thương, trân trọng nhưng vẫn khát vọng không ngừng vươn xa”.
“Gác văn” với dung lượng gần 130 trang, cơ cấu nội dung gồm ký chân dung, tản văn, truyện, nghiên cứu văn học, góc nhìn văn hóa, giới thiệu sách, dịch thuật, đọc sách của cựu văn khoa, tủ sách văn hóa… Ở tập 1 vừa ra mắt vào tháng 8, người đọc bắt gặp nhiều tên tuổi thành danh đi ra từ Khoa Văn, mái Trường ĐH Tổng hợp Huế. Có thể kể đến như Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà, Văn Công Hùng, Lê Đức Dục, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Võ Kim Ngân, Hoàng Văn Minh, Nguyễn Phước Hải Trung… Dù công tác ở nhiều vùng miền, đặc thù công việc khác nhau, nhưng ở trong mỗi sáng tác ấy, hình bóng của mái trường xưa, của Huế, của tình bạn thuở hàn vi vẫn luôn đau đáu như một niềm nhớ không bao giờ phai.
Chuyên san “Gác văn” số đầu tiên có thể xem là những cung bậc đa dạng trong một bản hòa âm nhiều gam điệu. Có những khoảng lặng không lời dành cho nỗi niềm tri ân sâu nặng với trường xưa, người cũ, có những bùng cháy không tên cho một xúc cảm xưa xa, có những ý tưởng sắc sảo minh chứng cho sự thông tuệ, trưởng thành, có những vụng về chập chững của lần đầu tiên hạ bút thành câu chữ...
Và ở đó, như lời tâm tình của những người thực hiện rằng, độc giả có thể tìm thấy một khung hình tươi đẹp của ký ức, vị ngọt chưa thuần thục của những người nghiên cứu đầu tay hay cái mọng chín đậm đà kết tinh của những năm tháng miệt mài với con chữ. Là một chuyên san dành cho cựu giảng viên, giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên, cựu học viên, học viên Khoa Ngữ văn, đồng thời cũng là một ấn bản khoa học, “Gác văn” là nơi ký thác tâm tình cũng như chia sẻ niềm say mê chinh phục những chân trời chữ nghĩa.
“Những người sáng lập “Gác văn” không tham vọng một đại lộ cho riêng mình, nhưng sẽ nỗ lực làm nên lối nhỏ đi về cho những ai chung một tình yêu đối với mái nhà ngữ văn, với văn chương, nghệ thuật. Và như thế, một hành trình thầm lặng bắt đầu...”, lời chia sẻ của những người thực hiện. Giảng viên Khoa Ngữ văn Nguyễn Thị Quỳnh Hương, người “ủ mưu” cho chuyên san này kể rằng, đó là một hành trình.
Ở thì quá khứ, cô giảng viên trẻ từng mê về một tập san và đã tập hợp bài vở, loay hoay lời ngỏ, lên kế hoạch thiết kế bìa. Nhưng vì nhiều lý do, tất cả chỉ dừng lại ở đó. Cho đến tháng 3 năm nay, ý tưởng này được gợi lại bởi một đồng nghiệp và mọi người quyết định sẽ thực hiện cho bằng được. Vui hơn, khi những người thực hiện nhận được rất nhiều bài vở từ các cô chú, anh chị và các em từng là sinh viên của khoa. Nhờ thế, khi chuyên san ra mắt nhận được rất nhiều lời khen ngợi, ủng hộ. Chuyên sang được đăng tải trên trang mạng xã hội facebook Khoa Ngữ văn với định dạng PDF. Ngoài ra còn có bản Ebook thuận tiện cho người sử dụng máy đọc sách. Dự kiến, mỗi năm chuyên san sẽ ra 2 số.
“Nhóm phụ trách chuyên san mong mỏi sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tiếp lửa từ quý thầy cô, quý anh chị cựu sinh viên, cựu học viên và sinh viên Khoa Ngữ văn để “Gác văn” mãi là “lối nhỏ đi về cho những ai chung một tình yêu đối với mái nhà Ngữ văn, với văn chương, nghệ thuật”, giảng viên Quỳnh Hương tâm tình.
Bài, ảnh: NHẬT MINH