So với các cây bút viết tiểu thuyết lịch sử như các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Thế Quang… và cả nữ sĩ Trần Thùy Mai với tiểu thuyết lịch sử đầu tay “Từ Dụ Thái Hậu” đã nổi đình đám thì Thiên Sơn thuộc lớp sau. Tuy vậy, Thiên Sơn đã có một danh mục trên 10 tác phẩm, gồm tiểu thuyết, thơ, truyện thiếu nhi, trong đó bộ tiểu thuyết 2 tập “Đại Gia” từng gây xôn xao dư luận một thời và anh đang ấp ủ dự định táo bạo viết bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hiện đại với hàng ngàn trang mà “Gió bụi đầy trời” (GBĐT) là cuốn mở đầu. Tác phẩm vừa được tặng giải 3 cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2020) của Hội Nhà văn Việt Nam.
GBĐT dày gần 500 trang, tập trung miêu tả chính trường Việt Nam giai đoạn 1945-1946, khởi đầu từ Hoàng Cung Huế ngay trước cơn bão táp Cách mạng Tháng 8 và trang cuối là cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp (tháng 5/1946) theo lời mời của Chính phủ Pháp sau khi Hội nghị trù bị Việt-Pháp tại Đà Lạt không đạt kết quả. Đây là thời đoạn rất quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, khi chính quyền non trẻ đứng trước vô vàn thử thách - dân chúng kiệt quệ sau nạn đói, ngân khố trống rỗng, thù trong giặc ngoài cấu kết nhằm tranh giành thế lực với Việt Minh… Thiên Sơn chọn thời đoạn này mở đầu bộ sách nhằm giúp bạn đọc - nhất là lớp trẻ hôm nay, hiểu sâu hơn lịch sử cách mạng đất nước những ngày đầu khó khăn, đặc biệt là thấy rõ bản lĩnh, tài trí xoay chuyển tình thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GBĐT không chia thành chương mục, mà chỉ dùng các dấu sao (*) ngăn cách những đoạn văn xếp nối nhau, mỗi đoạn thường chỉ vài trang, miêu tả một sự kiện - hầu hết là các cuộc họp, hay hội ý giữa các chính khách ở đủ các phe phái, địch, ta. Khó có thể xem đây là đổi mới nghệ thuật, nhưng khi tác giả tái hiện hầu hết các sự kiện quan trọng diễn ra trong 2 năm 1945-1946, nên tác phẩm gần như là một dòng chảy liên tục. Ưu điểm này đồng thời cũng là nhược điểm của tác phẩm.
Riêng với Huế, GBĐT có thể sẽ được nhiều bạn đọc quan tâm, do tác giả miêu tả kỹ lưỡng biến động trong Hoàng cung triều Nguyễn những ngày tháng cuối cùng và nhiều sự kiện của cuộc Cách mạng Tháng 8 tại đây. Chỉ vài chục trang đầu, sau cảnh Trần Trọng Kim vào chầu vua Bảo Đại khi có tin phát xít Nhật đầu hàng là cảnh Phạm Khắc Hòe đến thông báo có quân Pháp nhảy dù và thế lực Việt Minh hoạt động khắp nơi; rồi cảnh Trần Trọng Kim tiếp đại diện Việt Minh. Tiếp đó, là cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi đọc lệnh xuất quân dưới gốc đa Tân Trào và cảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đại biểu Huế đến báo cáo với Bác là Trần Trọng Kim đã cho người liên lạc với Việt Minh, rồi cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Tổng Bí thư Trường Chinh trao đổi về việc Lư Hán, Tiêu Văn sắp dẫn 20 vạn quân Tàu Tưởng vào miền Bắc…
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Tổng Bí thư Trường Chinh đã thể hiện quan điểm nhân đạo và chính sách mềm dẻo của cách mạng đối với Triều Nguyễn: “Phải thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị. Tuyệt đối không sử dụng vũ lực khi chưa thật cần thiết… ”.
Cách cư xử đối với Phạm Quỳnh, tuy Thiên Sơn miêu tả không quá khác biệt với các nguồn tư liệu đã công bố, nhưng vẫn có thể gây ra ý kiến khác nhau. Tác giả muốn tỏ ra công bằng khi miêu tả tâm trạng và sự day dứt của Phạm Quỳnh trước thời cuộc, sau khi tiếp Georger Boudarel - “nhà ngoại giao lão luyện” Pháp tại biệt thự Hoa Đường: “Phạm Quỳnh bắt tay Boudarel rất chặt, nở một nụ cười hạnh phúc: “Tôi sẽ làm việc bằng nỗ lực cao nhất để phụng sự đất nước và tình hữu ái giữa hai dân tộc chúng ta”.
Cũng liên quan đến Phạm Quỳnh, nhưng nhằm nêu cao sự độ lượng của Hồ Chí Minh, tác giả đã miêu tả cảnh Hồ Chí Minh gặp ông Tôn Quang Phiệt khi ông ra Hà Nội báo cáo tình hình cách mạng ở Huế:
“… Sao các chú lại để cho dân quân giết cụ Phạm Quỳnh?... Giết một học giả như Phạm Quỳnh thì đất nước ta, cách mạng ta được lợi gì? Không phải chú nhận lỗi là đủ. Điều tôi cần là chú phải chấn chỉnh lại thái độ làm việc và sự ứng xử của cán bộ dưới quyền…”.
Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như “tâm tư” của PQ ở trên đã có không ít tờ báo nói đến, với các nhận xét khác nhau; có người “chất vấn” rằng: “Bằng chứng nào cho biết Hồ Chí Minh đã nói như thế?...”; có nhà nghiên cứu thì phê phán luận điểm dựa vào Pháp để nâng cao dân trí của Phạm Quỳnh là ngụy biện…; nhưng nhà tiểu thuyết với thủ pháp “hư cấu” thì có quyền thể hiện những điều “có thể có”, nhất là trong nội tâm nhân vật và đối thoại các nhân vật với nhau.
Trong hàng loạt sự kiện diễn ra sau Cách mạng Tháng 8 ở Huế được miêu tả trong GBĐT, có 2 vụ xảy ra tại Hoàng cung, tôi đã hỏi thêm ý kiến của hai nhà nghiên cứu Huế thì không có thật: Vụ đốt “văn bản giấy tờ trong kho văn khố triều đình… Một đống to gồm nhiều văn thư, sách vở đang cháy ngùn ngụt… Vài chục người đang khiêng vác từng hòm công văn cũ từ trong kho ném vào lửa…”. Vụ thứ hai là vụ cướp kho châu báu ở hậu cung “… những sát thủ chuyên nghiệp… khống chế những người bảo vệ… và toàn bộ số vàng bạc, châu báu đã bị mang đi hết”. Hai nhà nghiên cứu cho biết, đến nay đã có bài viết trên báo, đã triển lãm về những tư liệu, sách và châu báu triều Nguyễn bàn giao cho chính quyền cách mạng sau 1945 vẫn còn. Tác giả có thể có thiện ý khi “dựng” 2 sự kiện trên, vừa phản ảnh được sự ấu trĩ của một số quần chúng mới được giác ngộ, vừa đề cao ông Tôn Quang Phiệt, khi ông muốn ngăn chặn vụ đốt tư liệu của Hoàng cung, nhưng thiết nghĩ, quyền “hư cấu” của người viết tiểu thuyết lịch sử - nhất là với giai đoạn mà nhân chứng, vật chứng còn đến hôm nay - thì không thể tùy tiện “bịa” ra sự kiện dẫn đến những cách nghĩ sai lệch về diễn biến thời cuộc và những con người đã tham gia làm nên lịch sử giai đoạn đó.
Tôi nêu các vấn đề trên với mong muốn tác giả chỉnh sửa nếu sách được tái bản và để những cuốn tiếp theo đạt được thành công mỹ mãn hơn.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ