Nhà giáo Trương Quang Đệ từng là chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ Trường đại học Sư phạm Huế suốt từ năm 1977 đến 1990. Và không chỉ với Huế, Trương Quang Đệ là một tên tuổi trí thức uyên thâm được cả nước biết tiếng với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học về giáo dục và nhiều tác phẩm dịch thuật (chủ yếu từ tiếng Pháp).
“Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” của nhà giáo Trương Quang Đệ
Có thể nói vui rằng “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” là một tác phẩm độc đáo và “ngoại hạng” vì không thể xếp cuốn sách này với bất cứ tác phẩm nào của ông trước đó. Bìa sách cũng không ghi thể loại; “tản văn” là do tôi tạm đặt. Thực ra, đây là một “tổng tập” những bài viết không (hoặc ít) liên quan đến các công trình khoa học mà ông đã viết nhiều năm qua.
Tuy vậy, “với tư cách một giảng viên, chuyên gia dịch giả tiếng Pháp… chủ biên sách giáo khoa dạy tiếng Pháp… vận động thành lập các Trung tâm Pháp ngữ… ông còn có những đóng góp đặc sắc trong nhiều lĩnh vực khác” (Trích bài giới thiệu Trương Quang Đệ của TS. Bùi Mạnh Hùng) các bài viết đầy cảm xúc dưới dạng tản văn của ông vẫn ôm chứa một khối lượng kiến thức phong phú, giúp bạn đọc giàu có thêm rất nhiều về trí tuệ.
Xin dẫn bài “Rèn luyện tư duy và trí tuệ qua việc luyện tập làm câu đối và thơ Đường luật” vừa vui, vừa có ích cho không ít người thích làm thơ Đường (mà lại thường sai luật!). Thật vui, khi tác giả đưa vế xuất tương truyền của bà Đoàn Thị Điểm dùng trêu chọc Trạng Quỳnh: “Da trắng vỗ bì bạch”, cho đến nay chưa ai làm được vế đối thật chuẩn. Theo Trương Quang Đệ, các từ thuộc nhóm trục dọc P và trục ngang S phải bảo đảm các mối liên hệ đúng luật. Ví như hai câu thơ đối nhau của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Khôn nơi cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn”.
Theo trục P thì “khôn” vần bằng, chỉ có từ đối duy nhất là “dại” vần trắc; hơn thế, hai từ phải thuộc cùng một từ loại (ở đây là tính từ), cùng một cấu trúc (đơn hay láy…) và cùng một “không gian” (tức cùng ý niệm như màu sắc, số đếm, hình dáng…)… Theo trục S cũng có những quy luật chặt chẽ như thế.
Qua một bài viết “chơi chơi”, Trương Quang Đệ chứng tỏ mình không chỉ thành thạo tiếng Pháp mà rất sành ngôn ngữ tiếng Việt. Trong cuốn sách này, có đến 7 bài viết về tiếng Việt, trong đó bài “Cùng nhau tìm hiểu tiếng Việt” giúp bạn đọc hiểu thêm nhiều khía cạnh phong phú và khá thú vị của ngôn ngữ Việt… Cũng trong bài viết “chơi chơi” về câu đối và thơ Đường, Trương Quang Đệ còn “trình diễn” tác phẩm theo thuật… toán! Thật bất ngờ khi biết ông từng dạy toán tại Trường cấp 3 Lam Sơn (Thanh Hóa) và trước năm 1970, từng được cử làm chuyên gia dạy toán ở châu Phi! Vậy mà chỉ với 2 chuyến thực tập ngắn hạn tại Pháp, Trương Quang Đệ trở thành một chuyên gia về Pháp ngữ nổi tiếng, là dịch giả những tác phẩm triết học rất khó của triết gia đương đại Pháp Francois Jullien.
***
Đọc “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” của Trương Quang Đệ như được dự một bữa tiệc nhiều món ngon lành. Những bạn đọc quan tâm đến thời cuộc hẳn sẽ thích thú chia sẻ cùng tác giả về nhiều vấn đề văn hoá- xã hội được trình bày trong tác phẩm. Có chuyện rất thời sự như “Tâm tư thời dịch COVID-19”; cũng có bài như một tiểu luận, gồm 3 phần hẳn hoi, gợi nhiều vấn đề đáng suy nghĩ, ôm chứa không - thời gian rất rộng: “Bàn về cách nhìn lịch sử”...
Qua mấy chục bài tản văn (cũng có thể gọi là “Nhàn đàm”) về các vấn đề văn hoá, xã hội, giáo dục, tác giả đều vì con người – nhất là lớp người đối diện “với những thay đổi của cuộc cách mạng lần thứ tư” vẫn phải biết “con người không chỉ sống bằng vật chất… mà còn có cuộc sống tinh thần đa dạng phong phú…” (Trích từ bài “Tìm cách sống hài hòa thích nghi với trào lưu cách mạng công nghiệp mới”). Không thể trích dẫn nhiều hơn từ những bài viết của Trương Quang Đệ, nhưng chỉ đọc một số nhan đề đã thấy tác giả chính là một kiểu mẫu con người có “cuộc sống tinh thần đa dạng phong phú”. Phải như thế thì một ông già 85 tuổi, mặc dù là một thầy giáo, một chuyên gia có tiếng về Pháp ngữ - tức là chỉ thông thạo một chuyên môn có tính “công cụ” - lại có thể bàn đến mọi chuyện trên đời. Thì đây: Chữ Quốc ngữ ơi, ta chào mi! Nền học vấn nào mở đường vào khoa học - Nỗi lo văn hoá – Nhân tố nào tạo nên sự phát triển? – Nỗi lo giáo dục – Chí Phèo và AQ – Đạo Phật và đời sống quanh ta – Vài suy nghĩ về giao thông đô thị – Tản mạn nhân ngày Valentin vân vân và vân vân…
Có thể xem “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” như là một “tự bạch” của thầy Trương Quang Đệ, mặc dù trong tác phẩm này, ông chưa chú tâm viết về cuộc đời mình và quê hương - làng Mai Xá, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Tuy vậy, qua đoản văn “Sinh nhật”, tác giả viết chỉ để “bày tỏ niềm cảm xúc chân thành trước những lời chúc mừng sinh nhật… tuổi 84 (tuổi Tây) tức là 85 (tuổi Ta)…”, chúng ta cũng biết được một số chi tiết về ba chặng đường của ông từ tuổi ấu thơ - cậu bé làng Mai theo cha lên chiến khu Ba Lòng rồi lặn lội đi dần ra Bắc trở thành một chuyên gia ngôn ngữ được nhiều người kính nể. Cuối bài viết, Trương Quang Đệ có hẹn, “Nếu sức khỏe cho phép, sẽ viết tiếp những chặng đường khác về sau…” của cuộc đời mình.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ