ClockChủ Nhật, 28/10/2018 10:57

Khoảng cách mênh mông

TTH - Chàng trai mà con gái anh yêu thương - Linh - đã tới nhà đôi lần. Anh chàng hiền lành, ăn nói từ tốn, không có vẻ huyênh hoang như đám con trai con nhà giàu thời nay.

Chuyến đò không đưa em về

Anh vẫn thường nói: “Một ngày nào đó em cảm thấy không cần anh, em cảm thấy yêu một chàng trai xứng đáng với em hơn anh thì em có quyền, nhưng em phải nói với anh một tiếng”. Tuổi của Diệu lệch với anh tới 22 tuổi, đó là khoảng cách rộng mênh mông của một dòng sông. Diệu hồn nhiên đạp chiếc xe đạp thể thao ra biển, Diệu theo bạn bè về tận làng quê, đong đưa trên chiếc võng cột giữa hai cây xoài, vui đùa giữa thiên nhiên. Còn anh thì cảm thấy thời gian của mình ngày càng ít đi, công việc luôn lôi kéo anh đến nỗi không kịp làm một việc gì. Nhưng với Diệu, khoảng cách tuổi tác và cả sở thích khác nhau của hai người không hề làm cho Diệu lo ngại. "Anh không có vợ, em là gái chưa chồng, quen nhau đâu có tội”. Ừ, đâu có tội. Vật cản trong tình yêu của hai người chính là đứa con gái duy nhất của anh: Cẩm Tú. Tính tuổi thì Cẩm Tú nhỏ hơn Diệu hai tuổi. Không muốn làm cho con gái buồn vì mình có một cô tình nhân bằng nó, anh đã giấu biệt Diệu như thể giấu một món đồ.

Thấm thoát vậy đã bảy năm rồi. Bảy năm trước Cẩm Tú chỉ mới là cô con gái 16 tuổi, nay đã bước qua tuổi 23. Bảy năm như thế, anh vẫn nuôi con một mình từ khi vợ qua đời, dù có nhiều người đàn bà lướt qua, nhìn vào. Cẩm Tú thương cha, thay vì vào Sài Gòn học đại học, cô đã chọn học nghề sư phạm cho gần nhà. Ra trường, Cẩm Tú tình nguyện dạy ở một ngôi trường nhỏ ngoài đảo, hai ngày về một lần. Anh vẫn phải tự mình lo từ cái ăn đến cái mặc. Những lúc Cẩm Tú không có nhà, xong công việc ở công ty, Diệu tạt sang dọn dẹp, giặt quần áo cho anh. Có khi Diệu đi chợ, nấu ăn, bữa cơm có hai người luôn rộn rã tiếng cười.

Ngày mai thì họ nhà trai từ Đà Nẵng sẽ vào đây để dạm hỏi Cẩm Tú. Anh trở thành cha vợ khi con gái đã lớn. Nghe nói chuyện, Diệu cười: “Anh là cha vợ thì không sao, em là mẹ vợ chắc người ta cười chết”. Anh lắc đầu: “Ừ, mẹ kế gì mà suýt soát tuổi con gái chồng”.

Chàng trai mà con gái anh yêu thương - Linh - đã tới nhà đôi lần. Anh chàng hiền lành, ăn nói từ tốn, không có vẻ huyênh hoang như đám con trai con nhà giàu thời nay. Sân vườn nhà anh nhỏ, trồng đủ loại cây, mà từ ngày vợ qua đời, anh ít chăm sóc, đã được Linh phụ anh nhổ bớt đám cỏ dại, tỉa lại đám cỏ xanh. Đó là sở thích của Linh chứ không phải là cách lấy lòng ông cha vợ tương lai. Cẩm Tú là một cô gái nhu mì, thương cha. Cẩm Tú xem anh như một tấm gương soi, vì chỉ một mình anh đã bảo bọc, che chở con mà chưa hề có ý định đi bước nữa. Nhưng Cẩm Tú không ngờ rằng ở bên ngoài, ba mình có một cô tình nhân chỉ hơn mình hai tuổi. Tình yêu đôi khi không quan tâm đến dư luận xã hội, người ta có thể đánh đổi tất cả để có được nó, nhưng với con cái trong gia đình thì lại trở thành chuyện không đơn giản.

Buổi sáng theo lời hẹn, anh dậy sớm, lòng thanh thản. Từ ngày hôm qua Cẩm Tú đã dọn dẹp nhà cửa, mua bình hoa hồng để trong phòng khách, mua ít trái cây bày lên bàn. Nhìn con gái đang rộn ràng chờ đợi, anh lại nhớ đến cái thuở xa lắc anh đi lấy vợ. Ngày đó làm gì có lễ dạm, hỏi. Một bữa cơm đơn giản giữa hai họ, mời thêm một ít bạn bè thân thiết. Không chụp ảnh và cũng chẳng có xe hoa rước dâu. Vậy mà cuộc sống vợ chồng tràn ngập hạnh phúc. Cẩm Tú rạng ngời gương mặt, trên đó không giấu che được niềm vui của một người con gái khi đã chọn được người đàn ông mà nó có thể gởi gắm cuộc đời mình. Nhìn con vui vẻ mà anh chạnh lòng nghĩ đến một ngày con gái mình sẽ rời khỏi căn nhà này, đến một căn nhà khác.

Diệu sống lặng lẽ như một chiếc bóng riêng trong căn nhà nhỏ, đó là những gì mà mẹ cô để lại sau khi bà qua đời. Không một người thân bên cạnh, Diệu ôm trong lòng mình nỗi cô đơn dằng dặc, chính nỗi cô đơn đó đã đưa Diệu về phía anh. Đời đẩy họ về bên nhau như những con sóng xô không hẹn cùng vào một bến bờ”. Em chẳng hiểu tại sao em yêu một người lớn tuổi như anh? Nhưng em chỉ biết là em rất yêu anh”. Dựa vào vai anh, Diệu thầm thì như thế. Anh và Diệu đã có biết bao nhiêu ngày tháng xinh tươi. Đà Lạt đó, những đồi cỏ mướt xanh làm buốt lòng người đã in dấu chân hai người, là môi hôn thanh tân của Diệu gắn đời anh run lên trong chiều cao nguyên chùng sương và thênh thang gió. Diệu đến với anh với trái tim thuần khiết, không tính toán và không sợ hãi. Diệu nói : “Yêu không có tội, yêu anh cũng không có tội, phải không anh?” Anh ôm thân hình mềm mại ấy vào lòng: “Ừ, ngàn lần, triệu lần không có tội”.

Trong thâm tâm anh muốn đưa Diệu về căn nhà của mình. Bởi Diệu chẳng còn ai thân cận. Chỉ biết khi sinh ra chỉ có mẹ bên cạnh, rồi mẹ nuôi Diệu khôn lớn. Có lần mẹ Diệu kể về người đàn ông của mẹ, đó là bạn học cùng trường. Họ đang học dở dang năm cuối đại học thì mẹ mang thai Diệu, đó cũng là lúc chàng trai trốn chạy, về nhà lấy vợ. Thay vì bỏ chiếc bào thai trong bụng, mẹ Diệu đã giữ lại và sinh ra em. Mẹ của Diệu từ đó khép lòng mình, một mình nuôi con ăn học.

Diệu là học trò của anh. Cô học trò ngoan có đôi mắt đen tuyền, ngồi bàn đầu luôn nhìn chăm chú vào mặt thầy không chớp mắt. Ngày mẹ bệnh, Diệu gọi điện cho anh: “Thầy ơi, em chẳng có một người thân nào hết. Thầy đến giúp em”. Cả tháng Diệu nghỉ học lo bệnh cho mẹ. Anh tới nhà giảng bài, phụ cho Diệu khỏi dở dang việc học, lâu lâu ghé nhà Diệu xem cần gì lo giúp. Ngày mẹ qua đời, Diệu gọi anh: "Thầy ơi, em sợ quá”. Diệu quỵ té khi căn nhà trống rỗng, tuyệt vọng. Anh đến và dìu Diệu đứng dậy với những lời rao giảng của một nhà sư phạm. Tình yêu đã khơi nguồn từ những rao giảng hoa mỹ kia. Không ai giải thích tại sao và thế nào? Và cũng chẳng có ai đưa ra một lời giải cho một cuộc tình từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Anh đến với Diệu khởi đầu là sự thương hại, là chia sẻ, lần lần thấy ra là không phải mình cho mà là mình đang nhận. Lòng anh ấm lên sau một thời gian dài băng giá. Cẩm Tú vẫn biết ba mình cô đơn, thỉnh thoảng đưa anh đến thăm người này người kia, Cẩm Tú chọn lựa dùm ba mình những người đàn bà. Câu nói quen thuộc trên đầu môi đứa con gái yêu quý của anh: “Con phải tự chọn cho mình một bà dì. Ba thấy chị Hoài được không? Chị làm kế toán, lương ổn định, có một đứa con riêng nhưng không sao đâu, về ở chung nhà với con cho có anh em”. Thi thoảng, Cẩm Tú rủ ba đi uống cà phê với Hoài, cô gái có gương mặt thanh tú, nhưng đôi mắt sắc lẹm, nhìn người đối diện lộ rõ khát khao muốn lấy chồng. Sau dăm lần, anh lắc đầu: “Tú ơi là Tú, để cho ba yên”. Cẩm Tú thờ dài: “Con cũng phải lấy chồng thôi. Con đi lấy chồng ba ở một mình buồn lắm. Ít ra thì ba cần phải có một người đàn bà”. Anh muốn nói với con mình rằng anh đã có Diệu rồi. Nhưng khi soi mặt mình vào gương, những nếp nhăn thời gian lần lượt hằn lên, anh không nói được. Sang năm anh đã bước vào tuổi 50, anh sắp sống đủ nửa thế kỷ buồn vui, Diệu thì còn quá nhỏ, Diệu về ở với anh, mọi người sẽ trào lộng anh là “Trâu già muốn gặm cỏ non”. Anh thì tin vào tình yêu. Anh lại đang làm nghề giáo, cái nghề đứng trên bục giảng trong sáng đến thế, nhưng khi bước xuống là bị bao nhiêu cặp mắt đồng nghiệp soi vào. Anh hình dung ra có khi anh tổ chức đám cưới cùng Diệu, chắc gì có mấy người chịu tới dự? Diệu từng ôm anh vào lòng: “Mình đâu có đàng trai, đàng gái. Đám cưới tổ chức nhỏ là được rồi anh ạ. Em cần anh chứ đâu cái đám cưới”.

Như có tiếng xe trước ngõ, chiếc xe bốn chỗ ngồi lộng lẫy sơn đen. Con phố nhỏ này ít khi có một chiếc xe hơi xuất hiện, cho nên khi âm thanh của động cơ vang lên, đã gây nên sự tò mò cho hàng xóm. Mọi người ra trước cửa tò mò nhìn sang nhà anh. Họ không biết chuyện gì xảy ra. Vừa lúc ấy thì tin nhắn của Diệu vào máy: “Em nhớ anh lắm”. Anh nở một nụ cười, ra đón khách.

Thủ tục đám dạm ngõ đơn giản. Bữa cơm thân mật của hai họ cũng xong. Hai bên bàn bạc đám cưới sẽ tổ chức vào mùa đông. Như vậy là còn sáu tháng nữa. Bích, ba chồng tương lai của Cẩm Tú là chủ một công ty buôn bán hàng trang trí nội thất và thiết kế, xây dựng nhà cửa. Người làm ăn thành đạt thường tự tin và ăn nói trôi chảy. Nghi thức xong rồi, hai vợ chồng Bích về ở tại một khách sạn trong phố, ngày mốt họ mới về, vì còn muốn dạo chơi cảnh đẹp nơi này.

Ông Bích nói với anh: “Chiều nay anh cho cháu Cẩm Tú đi chơi với nhà tôi và Linh. Tôi mời anh dùng bữa anh nhé".

Hai ông sui tương lai ngồi với nhau trong một quán ăn nhỏ, có vườn cây tạo dáng đẹp. Những cô phục vụ mặc váy hồng, thắc nơ đen. Chai Remy Martin cho hai người. Làm nghề sư phạm anh rất ít nhậu nhẹt, uống rượu dễ làm cho anh say. Nhưng thôi, thỉnh thoảng say một bữa chắc cũng không sao. Cẩm Tú đi chơi với người yêu, vậy mà nó vẫn gọi điện: “Ba đó à. Ba uống rượu ít thôi đó. Ba uống không quen". Con gái của anh luôn nghĩ về anh, nó càng nghĩ nhiều về ba nó trong những ngày tháng nó biết rằng nó sẽ bắt đầu một cuộc sống khác, không có ba bên cạnh.

Cơn mưa rớt mùa hạ ào xuống thật nhanh, rồi ngưng. Anh bắt đầu chếnh choáng, lơ mơ nhớ về Diệu. Chợt ông Bích đột ngột nói: “Tôi muốn nhờ anh một việc. Anh Thành”.

Mỗi con người đều có một bí mật thẳm sâu trong lòng mình, cái thẳm sâu giấu kín trong trái tim người ấy đôi khi phải mang xuống mồ. Thẳm sâu lòng anh là tình yêu với Diệu, còn thẳm sâu của người đàn ông thành đạt, tương lai là ba chồng của con gái anh, lại cũng là ba của một đứa con gái, nhưng đó là một đứa con rơi của ông.

Ông Bích nói: “Bao nhiêu năm tôi đi tìm bà ấy, nhưng không gặp. Tôi biết bà ấy đang sống ở thành phố này, có một đứa con gái. Anh là nhà giáo, biết đâu trong đám học trò của anh có con của tôi". Ông ta nói với anh như một lời thú tội. Vợ ông ta hoàn toàn không biết chuyện ông có một đứa con riêng, và cả thời thanh niên ông lãng quên rằng trên cuộc đời này ông đang còn có một đứa con. Giờ này, khi đầu sắp bạc, lòng đã trải qua bao nhiêu phong ba thì ông lại nghĩ về nó. Anh ngần ngừ: “Nhưng tôi đâu biết mặt cháu”. Ông Bích rút ra trong túi xách nhỏ của mình một tấm ảnh: “Cách đây vài năm, bà ta bị bệnh, đã gửi cho tôi tấm ảnh con nhỏ, bảo rằng để cho tôi biết mặt con mình, lỡ đi hư hỏng tán tỉnh bậy bạ con biết được con mình mà tránh”.

Anh hờ hững cầm tấm ảnh lên xem. Tấm ảnh là chân dung của một cô gái đang cười. Anh lầm sao được, mái tóc đó, nụ cười đó, cái trán dô đó, đôi mắt đó. Trong tấm ảnh không phải ai khác, chính là Diệu.

Anh về nhà, trùm mền, im lặng mở trân mắt nhìn lên trần nhà. Mạng nhện giăng đầy trên đó chứ có gì mà nhìn. Cẩm Tú đi chơi về, bước vào nhà, mở điện: “Ba bệnh à?". Anh trả lời: “Không.”

Anh biết giờ này Diệu đang tựa cửa nhìn ra đường. Con đường đó hàng ngày anh đi đến theo một lối quen, rất quen.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) chuẩn bị tái định hình các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, một nghịch lý đang nổi lên rằng mặc dù nhu cầu tận dụng tiềm năng của công nghệ đang ngày càng tăng, các kỹ năng liên quan đến AI nhìn chung vẫn thiếu hụt.

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025
Tập trung vào khoảng cách đào tạo và tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết đăng tải trên trang web của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Theo đó, bà Sabah Abdulla và ông Vinod Thomas, các chuyên gia phát triển của ADB, đồng thời là tác giả của bài viết cho rằng, tăng cường đầu tư vào khả năng phục hồi khí hậu đóng vai trò rất quan trọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương như châu Á và Thái Bình Dương.

Tập trung vào khoảng cách đào tạo và tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu
Kéo gần khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới

Sau khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC), giá vàng SJC và vàng nhẫn 9999 đã quay đầu giảm mạnh. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp đáng kể.

Kéo gần khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới
Nắng nóng gay gắt, nới rộng khoảng cách học tập trên toàn thế giới

Hena Khan, một học sinh ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, đã phải vật lộn với việc học trong tuần này khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Em cho rằng trong cái nóng khắc nghiệt này, giáo viên không thể dạy, học sinh không thể tập trung, và đúng hơn là mạng sống của mọi người đang gặp nguy hiểm.

Nắng nóng gay gắt, nới rộng khoảng cách học tập trên toàn thế giới
Return to top