ClockThứ Bảy, 30/12/2023 12:57

Mây về trên Thượng thành

TTH - Nắng như rây bột vàng. Cái nắng suôn mỏng óng ánh màu tơ loang trên khoảng sân rêu bám. Đứa em Vân không còn làm ruộng nữa từ lúc vắng chồng. Mẹ lẽ ra ở với vợ chồng Vân nơi khu tái định cư ngoài Hương Sơ song đã về nhà gái út. Cây đào gần giếng, lần nào về đây Vân cũng ngắt một vài lá vo rồi ngửi, như thói quen ghiền một mùi hương, một ký ức.
 

 

Ngày cả gia đình còn trong ngôi nhà chật ở “xóm Thượng thành”, gần am thờ cũng có cây đào, rễ mọc bám vào chân trụ. Cưới nhau, vợ chồng Vân thuê phòng trọ. Ngôi nhà trên Thượng thành rộng ra một chút, dành khoảng không cho em gái cũng đã đến tuổi lớn. Rồi may thay có dự án di dời cư dân ở tạm trên Thượng thành, phân đất, phân nhà ở nơi khu tái định cư thoáng rộng. Mẹ vẫn nồi bánh canh bán cho hàng xóm cũ. Ăn bánh canh mẹ mấy chục năm, họ nói không đâu rẻ thế mà ngon bằng, với cái vị khó lẫn, chao ớt cũng ngon lạ lùng. Em gái cưới, về dưới quê làm dâu, vợ chồng Vân trả phòng trọ, trở lại với mẹ đỡ đần sớm tối mưa bão dột thấm. Cũng không lâu sau thì nằm trong diện sớm nhất được nơi ở mới, mừng như trúng số.

Rồi chồng em gái Vân biền biệt. Mẹ dứt nghề bánh canh về ở với gái út trong ngôi nhà cạnh nhà thờ nhánh; nơi vốn dành cho anh em hiện đang sống ở Sài Gòn, mỗi lần về lo việc lễ nghỉ tạm. Nhà phân cho chồng gái út ở và lo quét dọn nhà thờ, không được bán. Mẹ ngồi ở hiên nắng, với mấy con mèo đủ màu vàng xám, mướp, trắng. Có con nằm chèo queo dưới chân mẹ, gác đầu lên góc đòn, không nhổm dậy khi có tiếng xe của vợ chồng Vân vào.

- Em nó đưa cháu qua cho nội thăm rồi, chắc chiều mới về.

Chồng Vân tới ngồi bên mẹ vợ, con mèo nhổm dậy, cong mình rồi bước lại bên bầy mèo ở góc sân. Vân thì vẫn đứng bên cây đào.

- Mẹ, tết ni đào nở lúc mô mẹ nói em nhắn con biết để về hi.

Vân nhớ hồi mình còn học sinh cấp hai, mẹ vẫn hái lá đào nấu lên rồi đổ vào cái thau nhôm Liên Xô phơi nắng, đến chiều thì hòa ra gội đầu cho. Nhớ dáng cha chỉnh tề áo dài tứ thân thắp nhang ở am thờ mỗi Rằm, mồng Một, lễ tết, ngày Thất thủ Kinh đô. Ngôi nhà nương tạm trên Thượng thành mấy chục năm dột nát, che chỗ này dọi chỗ khác, phên thì bao nhiêu lớp, cái ký ức buồn khổ mà cũng đẹp sao tình xóm giềng; rồi vui khi các cuộc họp giữa chính quyền và dân từ lúc rục rịch dự án di dời. Rốt cùng chính sách đã nhằm lợi ích cho cuộc sống của hết thảy cư dân trên Thượng thành. Vân có lần nói, “nhưng mà con vẫn luyến tiếc nơi này; lâu lâu cứ muốn trở về ngồi trong nhà cũ cha ạ”. Cha Vân cười hiền, nụ cười đó giờ vẫn mãi trong ký ức sâu thẳm. Mẹ thì bảo “mẹ ở đâu cũng được, ở với đứa mô cũng được, đều vợ chồng bây mà bất hòa thì mẹ đi”. Vân thấy như số mình thuận duyên, không như em gái. Vân thoáng nghĩ rồi em nó sẽ có chồng mới thôi, nó đẹp vậy mà.

- Mẹ, cho con cái khuôn đúc bánh ni về chưng cho đẹp nha?

Chồng Vân lôi từ trên dàn bếp ra cái khuôn bánh khô, thổi bụi, lau bồ hóng thì láng bóng thứ gỗ lim. Hồi còn ở trên Thượng thành, gian bếp là của mẹ, với những bữa ăn và nồi bánh canh không ngày nào nghỉ. Rằm, mồng Một thì bán chay, khách cũ không vơi một người. Lúc rời đi mẹ cũng quén hết gian bếp, những nồi niêu, kiềng chạ, bao thứ treo quanh vách và trên dàn bếp đen sì, mẹ đưa theo hết, cái gì chưa dùng mẹ nhờ đóng vào hộp, lúc về lại nhà gái út thôn quê, nấu bếp củi như xưa, mẹ lại đem ra bày quanh mình như chúng là bạn với đôi mắt, với những dư vang một thuở.

- Hồi xưa tết là cha nó cũng làm bánh khô, để cúng gia tiên với tiếp khách ngày mồng đó. Con ưng thì giữ, đều vô thắp nhang xin cha.

Chồng Vân dạ, cười vui vui dơ cái khuôn lên khoe với Vân đứng bên thềm giếng. Vân biết vẫn còn những thứ chồng thích từng nói với mình; rằng khi mô anh về xin mẹ cái vò ấy, cái nồi ấy, cái cối ấy em nhen. Vân nói, nè, đừng khôn ranh nha, lo mà giữ kẻo mất thì mẹ buồn.

Chồng Vân trở ra, lại ngồi bên mẹ vợ. Anh có một giao cảm đặc biệt với cha Vân.

- Con vô bếp coi ưng chi lấy về, kẻo để đó rồi mất trộm. Bữa hôm có mấy đứa vô xin cái vò đựng nước vo gạo bên giếng rồi... Chúng nói bạn út Nghi, vô lẽ không cho.

Tiếng chó xa ngoài ngõ, rồi im. Một thanh niên bước vào, con chó cũng vẫy đuôi theo sau. Là chủ cũ của nó. Con chó lông ngắn, nhìn như không có lông, người tròn lẳn rất vui; em gái Vân bồng về lúc nó vừa ăn được.

- Thanh hả con. Vô chơi.

- Dạ… Anh chị. Con sáng ni may tìm được vạt nấm mối, mừng quá, đưa qua cho em Nghi nấu cháo.

Vân đưa cái rá đến hứng bao nấm mối Thanh đổ ra.

- Ui chao, nấm mối nhiều ri à, mà chặng ni còn nấm mối là răng?

- Thì có năm cũng như trái mùa vậy. Loài ni may thì gặp chứ kiếm khó lắm. Ai năm trước tìm thấy thì nhớ vạt đó năm khác đúng ngày đến lại, không có đành chịu chứ biết hắn mọc mô mà tìm.

Chồng Vân thốt lên: “Ni làm mồi chi bằng”.

Mạ Vân: - Ri hây, chừ thằng Thanh ở đây ăn cơm với gia đình, con Vân nhắn út Nghi về. Mấy khi bây gặp mặt.

- Dạ… vậy để em ra xuống chợ mua màu mè làm vài món nấm.

Thanh đi rồi. Mạ Vân thủng thẳng nói:

- Cái thằng hiền, xóm ai cũng quý. Cũng mặt mày sáng sủa, chỉ tội chân có bị chút, đi hơi khấp, nhìn kỹ mới thấy đó. Con Nghi bảo con ở đây lo quét dọn nhà thờ mà chừ đi là răng mạ. Mạ nói, thì con qua bển cũng về đây quét dọn được mà. Bên nội nó nói sau ba năm con cứng cáp thì tùy duyên đó. Nó cũng có thưa với bên nội rứa. Họ không nói chi, vì thấy đứa cháu ngoan lành quá, cứ quấn lấy nội. Tết ni bển muốn cháu ở đó luôn, con Nghi chưa chịu.

Chồng Vân cứ ngồi yên, nhìn Vân đang hái nắm rau ở góc vườn.

- Bây nói ra năm đón mạ về ở cùng, nhưng mạ ở với con Nghi lỡ quen rồi.

Tiếng xe ào vô, Nghi về.

- Anh chị mới đến à? Nội cháu nói mơi đến đón cũng được mạ!

- Ờ, để nó ở cho quen.

Hồi vợ chồng Vân rời đi thuê trọ chưa lâu thì Nghi cưới. “Con so nhà mạ con rạ nhà chồng”. Tối giao thừa đứa trẻ chào đời, khóc ngằn ngặt. Nghi hối “Mạ ơi nó khóc ri hàng xóm họ quở răng đây!”. Mạ bảo, “Mi khóc thì họ mới quở, chơ con sinh ra ai quở, mơi mốt người ta đến đầy nhà mừng cho coi”. Có điều ít ai để ý chuyện, nó là đứa trẻ sau cùng sinh ra ở “xóm Thượng thành”.

- Nhà mình trưa ni ăn cơm ngon đây. Em biết nấm mối ai đưa đến đó không?

Nghi cười.

- Chị nói như thời xưa không có điện thoại ấy. Ảnh thương mạ lắm đó.

- Rứa “ảnh thương mạ lắm” chớ thương chi mi.

Nghi cười thèn thẹn, lên tiếng cho qua chuyện:

- Mạ biết răng không, bên nội nói: năm sau đẻ đứa khác đi, nội mừng. Con nói đã cưới ai mô mà đẻ. Có điều, nếu có rời đi con cũng xin được quét dọn nhà thờ như cũ cho đến khi người nhà bên nội họ từ Sài Gòn chuyển về ở hẳn. Con nói như mạ nói với con rứa.

Nắng từ trong nhà đã ra hiên, mặt trời đứng hơn. Hương trầm phảng phất từ trong gian thờ, Nghi vào đứng bên một chốc rồi xuống bếp. Cây đào lấp loáng như mưa bụi vàng cạnh nền giếng rêu xanh.

Không gian trở lại yên ắng, tiếng con mèo tìm chi trên nhánh lá khô ngoài vườn nghe rõ. Vân từ vườn sau trở vào với đúa rau tập tàng. Mẹ lại nhai trầu, hướng về Vân, đợi nó múc nước rửa xong, lại ngồi bên, thì nói:

- Con khi mô thiệt nắng ấm chở mẹ về thăm lại “xóm Eo xóm Bầu” với.

- Hì, xóm mình họ cũng đi hết rồi, còn ai trên mà mẹ về đó.

- Kệ, cứ đưa mẹ về thăm. Còn vạt rau mẹ trồng đó...

- Hi. Mẹ cứ hay tưởng tượng, vạt rau thì còn trong đầu mẹ thôi, chơ họ phải giải phóng mặt bằng mà.

- Ờ… Con biết không, cha hồi đó cứ nói họ cho răng mình nhờ rứa, đừng đòi hỏi. Mình ăn nhờ ở đậu Thượng thành lâu quá rồi, chừ có nơi ở mới dành phần con cái cũng vui lắm. Ta sống qua bao thế hệ, bao người giờ chỉ như vạt cỏ lau quanh nội thành, mà mình còn được ngồi đây ăn bát canh thơm trồng trên Thượng thành này...

Nói mạ đừng đến mà Vân nhớ chi lạ ngôi nhà trên Thượng thành. Nhớ đêm giao thừa liu riu gió. Cha với anh gói bánh, mẹ rim mứt với em. Vân ngồi canh lửa và ngủ quên, giấc mơ về một ngôi nhà mới chợt hiện. Nay thì không đợi mạ nhớ về nơi ấy, nơi mà tự dưng Vân bước vào giấc mơ tỏa hương, giờ trong Vân cứ phảng phất mùa lau trắng quanh nội thành, mùa rau ngò trổ hoa ngay trước cửa nhà, mùa mây về như màu chim công, chim phượng, mây giăng nao nao quanh Hộ thành hào; kể cả những mưa dột, gió bão, mà nhiều đêm trong ngôi nhà đẹp lộng ở khu tái định cư mới, Vân đã vùng dậy ngỡ cùng mạ che chắn phía hư hao. Thâm tâm Vân chỉ biết cảm ơn ngôi nhà và đất đai Thượng thành. Nơi ấy, phía nóc “xóm Thượng thành”, vợ chồng Vân đã chở nhau đến tìm lại bao kỷ niệm và ngồi đợi mây về trên cỏ xuân.

Nhụy nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chạm khắc trên da mộc

Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng những nét chạm khắc sống động, phối màu hài hòa, tinh tế, Ngô Phương Dung (33 tuổi, TP. Huế) đã tạo nên những bức tranh sống động trên chất liệu da mộc. Mỗi chiếc ví, giỏ xách sau khi được cô “thổi hồn” vào đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách và cá tính riêng biệt.

Chạm khắc trên da mộc
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện

Theo dự báo, năm nay, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng đột biến, nguy cơ cháy, nổ đường dây đối với hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện thiếu an toàn trong khu dân cư.

Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện
Return to top