|
Cuốn “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện quy hoạch - kiến trúc” của KTS. Ngô Viết Nam Sơn |
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại học Washington và thạc sĩ tại Đại học California ở Berkeley. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc; từng thành công với nhiều dự án lớn ở Mỹ, Canada, Trung Quốc, Philippines… Ông hiện là thành viên nhóm thiết kế khu đô thị Nam Sài Gòn, quy hoạch khu đô thị Hà Nội Mới, quy hoạch lại Đà Nẵng, Phú Quốc…
Theo ông Nam Sơn, trong khi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để cho nhà cao tầng xây dựng đan xen vào, làm phá hỏng các giá trị kiến trúc cảnh quan khu trung tâm lịch sử trong quá trình phát triển, thì Huế đã có định hướng chiến lược rất đúng đắn: Bảo tồn Kinh thành Huế - khu trung tâm di sản thế kỷ XIX; bảo tồn và chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu phố Pháp - khu trung tâm di sản thế kỷ XX; và phát triển trung tâm Khu A - Đô thị mới An Vân Dương thành trung tâm hành chính và kinh tế - xã hội mới của thành phố Huế trong thế kỷ XXI. Với nền tảng văn hóa, di sản, đất nước, con người, Thừa Thiên Huế đang chuyển mình từ việc bảo tồn đô thị di sản đặc thù sang phát triển đô thị tương lai thế kỷ XXI, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đô thị sinh đôi Huế và Đà Nẵng - Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, với tư cách đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Thừa Thiên Huế đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, tốt đẹp hơn bao giờ hết.
“Đô thị sinh đôi Huế và Đà Nẵng - Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên” là vấn đề đã từng được TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn bàn đến hơn một lần ở các diễn đàn bàn về quy hoạch đô thị do Thừa Thiên Huế tổ chức. Ở “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại”, bàn về thời và vận mới của Cố đô Huế, ông nhấn mạnh: Ngày nay, tình hình đã thay đổi với nhiều thuận lợi lớn. Tư duy hợp tác vùng cũng đang thay thế cho tư duy cạnh tranh vùng miền. Theo KTS. Nam Sơn, trong khả năng Đà Nẵng trở thành đô thị đặc biệt là không khả thi, thì việc có hai đô thị sinh đôi là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có thể đóng vai trò tương đương một đô thị đặc biệt, sẽ là tiền đề quan trọng giúp thúc đẩy phát triển vùng ở tầm cao mới.
KTS. Nam Sơn phân tích, quỹ đất phát triển đô thị của Đà Nẵng bị hạn chế, do phần lớn đất thuộc vùng rừng và núi đồi không phù hợp phát triển đô thị. Trong khi đó, quỹ đất khu vực phía nam Thừa Thiên Huế giáp ranh với Đà Nẵng, đặc biệt là Chân Mây và Lăng Cô, không những dồi dào, mà còn có vị trí chiến lược. Với đặc điểm địa lý vùng hẹp của miền Trung, và địa hình đặc thù với dãy núi Trường Sơn phía tây và Biển Đông, đô thị trong vùng nên phát triển theo dạng tuyến. Do đó, trung tâm với hai đô thị sinh đôi sẽ tốt hơn nhiều so với một đô thị cực lớn. Trong khi cả hai đô thị bổ sung cho nhau về mặt logistics đường biển và hàng không cũng như kinh tế biển và du lịch biển, thì Đà Nẵng có thể mạnh hơn về kinh tế tài chính và công nghiệp, còn Huế lại mạnh hơn về bảo tồn di sản, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật.