ClockThứ Bảy, 12/01/2019 09:22

Từ thiện

TTH - Năm nào cũng vậy cứ mùa rét đến là Diệu thấy trong lòng không yên. Ngồi ngó ra cửa kính chỉ thấy một màn sương mù mịt. Những ánh đèn xe dưới đường lóe lên yếu ớt.

Bông sen đáCuốn truyện tranh bỏ quên

Đã tám rưỡi sáng mà sương chưa tan hết, cộng thêm cơn mưa bụi khiến trời càng thêm lạnh. Mười ngón chân nằm co cụm trong giày mà vẫn còn cảm giác tê buốt. Ký ức lại ùa về trong Diệu, rõ rệt đến mức chị tưởng như mình đang ngồi bên bếp lửa giơ những ngón tay lạnh cóng ra hơ. Bố ôm vào những gốc tre còn chưa kịp khô, khói bay mù mịt. Mẹ ngồi khâu lại áo rét cho mấy đứa con. Áo của tụi Diệu là những mảnh vải được cắt ra từ quần áo mẹ. Có khi mẹ tháo hết chiếc áo lành lặn nhất của mình để lấy len đan cho chị em Diệu áo ấm. Ngày ấy cả mùa đông chỉ có một chiếc áo len duy nhất. Ngày nào cũng mặc nên cổ tay áo bết lại toàn bùn đất đen sì. Những ngày nắng hiếm hoi mẹ giục tụi Diệu cởi áo ra để giặt. Dĩ nhiên chẳng kịp khô, mẹ phải mang hơ trong bếp. Trong từng sợi len đan thêm sợi khói, mùi ngai ngái lẫn cả vào giấc mơ thơ ấu. Trên mạng những ngày này tràn ngập hình ảnh trẻ con miền núi không đủ quần áo ấm để chống chọi với mùa đông rét mướt. Diệu thấy tim nhói lên khi nhìn một bé trai bấm mười ngón chân trần xuống đất, em chỉ mặc độc một chiếc áo bẩn thỉu và rách rưới. Em bé không mặc quần, tay chân tím tái, nước mũi chảy thò lò. Phía sau cậu bé là màn sương núi, trắng cả những gốc mận trong vườn. Trên lưng em cõng theo một đứa bé cũng hở hết thịt da. Diệu sờ vào màn hình vội vàng rụt tay lại vì cảm giác vừa chạm vào da thịt các em.

Hình ảnh về hai anh em cậu bé người dân tộc cứ ám ảnh Diệu suốt cả ngày dài. Nhiệt độ ở các tỉnh miền núi lạnh hơn dưới xuôi nhiều. Những đứa trẻ đáng thương thiếu quần áo, chăn màn, tơ hơ chịu lạnh. Diệu muốn làm một việc gì đó để các em bớt khổ. Hay là lại lên đường? Diệu không cần phải suy nghĩ đắn đo quá lâu. Vì Diệu biết sẽ có rất nhiều người sẵn sàng đồng hành cùng mình như nhiều chuyến đi trong những mùa đông trước. Ngay lập tức Diệu viết một status “chung tay sưởi ấm vùng cao” đăng lên facebook. Lòng Diệu ấm dần lên nhờ những comment đầu tiên của nhiều người xa lạ. “Em không có nhiều, chỉ xin góp cho các cháu vài thùng sữa”. “Mình có quần áo cũ, đều đã giặt thơm tho. Giúp mình mang lên cho các cháu”. “Để mình chuyển khoản nhé. Của ít lòng nhiều”. Nói là làm, tin nhắn báo biến  động số dư tài khoản kêu tin tít. Hai trăm, năm trăm, một triệu, Diệu thử tính xem sẽ mua được bao nhiêu chăn ấm. Phải là mua của những người bán hảo tâm, chỉ lấy giá gốc thì mới mong đủ tiền để mua nhiều. Chuyện ấy không quá khó, Diệu chỉ cần mở lời trên trang cá nhân là rất nhiều bạn muốn chung tay. Mùa đông lạnh nhưng lòng người ấm lắm. Nếu chỉ có một mình Diệu thôi thì chẳng thể có nổi chuyến đi nào.

Ai có gì đóng góp đó, từ chăn màn, quần áo cũ đến lương thực, sách vở, thuốc men. Diệu không chê thứ gì, miễn là sạch sẽ và còn hạn sử dụng. Diệu sẽ nhờ bạn bè phân loại, đóng vào từng thùng giấy và tổ chức một chuyến đi gần nhất lên trao tận tay những hoàn cảnh khó khăn. Đây không phải lần đầu tiên Diệu tổ chức quyên góp từ thiện nhưng vẫn gặp những khó khăn nhất định. Vì với số lượng đồ quyên góp gửi về lớn, việc phân loại cần nhiều nhân công. Chưa kể lo thuê xe, khảo sát đường đi, liên hệ trước chỗ ăn ở cho đoàn không phải chuyện dễ dàng. Để có được một chuyến đi ý nghĩa, hiệu quả và an toàn Diệu phải mất rất nhiều tâm sức. Nhưng chỉ cần nghĩ đến những đứa trẻ vùng cao có thêm manh áo ấm, đôi dép lành, cuốn vở thơm tho là Diệu chẳng nề hà. Chiều về, bác bảo vệ ở công ty chỉ đống bao tải để chồng lên nhau bảo:

- Của cháu hết đấy. Lại quyên góp từ thiện đúng không?

- Vâng ạ. Năm nay lạnh quá, cháu lại mang quần áo ấm lên miền núi.

- Vậy cho bác góp mấy ngày lương với nhé. Gọi là mua cho các cháu vài đôi ủng đi cho đỡ lạnh.

Diệu xúc động, nắm lấy tay bác bảo vệ già. Lần nào biết Diệu quyên góp bác cũng tham gia. Dù hoàn cảnh của bác cũng khó khăn khi phải lo thuốc thang cho người vợ suốt ngày đau ốm. Mà lương bảo vệ vốn chẳng nhiều nhặn gì, cuộc sống cả trăm thứ cần chi tiêu. Bác bảo vệ vẫn thường nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Tụi Diệu thỉnh thoảng vẫn mang đến biếu bác gói xôi, bắp ngô luộc hay đĩa bánh trôi. Nhiều khi nhắc bác phải ăn sáng mới có sức làm việc nhưng lần nào cũng là lời phân bua “bác quen rồi”. Cầm những đồng tiền lương của bác trên tay Diệu mới hiểu hết được tình người. Chẳng cần phải đợi đến lúc giàu có mới biết cho đi. Ngay cả khi khó khăn chúng ta vẫn còn có tấm lòng thơm thảo. Diệu bỗng nhớ về những năm tháng cũ. Cả làng Diệu đều nghèo khổ phải ăn cơm độn sắn. Nhưng thỉnh thoảng có người ăn xin đến nhà mẹ vẫn hào phóng mang cho ít gạo. Có khi đó là chỗ gạo cuối cùng vét được trong chum, tối hôm ấy cả nhà phải ăn khoai luộc. Nhưng chị em Diệu không hề phụng phịu vì mẹ bảo “lá lành đùm lá rách”. Diệu có khi phì cười vì nhìn trong nhà thấy quần áo rách bươm, nhà dột nát, tài sản chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp cũ bố đạp đi phụ hồ mỗi ngày. Nhưng ít ra tụi Diệu còn có gia đình, có một mái nhà trú ngụ, có sức khỏe để làm việc kiếm cơm.

Diệu lớn lên bằng hạt lúa, hạt ngô quê hương chiu chắt. Bằng tình yêu thương của gia đình. Bằng tâm hồn mộc mạc mà quê nhà trao tặng. Diệu xuống phố, có đêm gió lạnh giật mình thức giấc ngó ra ngoài cửa sổ thấy có người co ro ngồi ngủ gục bên hè đường. Diệu thấy xót xa, cũng là một kiếp người nhưng đâu phải ai cũng có một giấc ngủ bình yên. Diệu nhớ đến ông cụ ăn xin từng ngủ lại trong nhà. Mẹ nhường chăn ấm, đốt một chậu than nhỏ để bên. Trong chậu than mẹ vùi vài củ khoai “để đêm đói ông cụ còn có cái ăn”. Sáng sớm ông cụ đi có cơm nắm muối lạc mang theo. Mẹ đứng ở cổng nhìn theo dáng người đi khuất sau lũy tre làng mắt còn rưng rưng lệ. Đời người có khi cũng chỉ gặp nhau một lần như thế lúc cùng cực cơ hàn. Nhưng tất cả đều là cái duyên, có khi đã hẹn từ kiếp trước. Lòng nhân ái của mẹ sưởi ấm các con mình . Đã có lúc Diệu nghĩ nhờ có tình thương của mẹ gửi ở nhân gian mà cuộc đời cũng đã nhiều lần bao dung với mình. Diệu còn có bố mẹ già và những đứa con thơ cần nhân gian bao bọc. Cuộc đời đâu ai biết được ngày sau. Nhà thơ Trần Nhuận Minh chẳng phải cũng từng “Dặn con”: “Mình tạm gọi là no ấm/ Ai biết cơ trời vần xoay/ Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này...”.

Nửa đêm gió lạnh khua ngoài cửa sổ. Diệu thức giấc, đó là thói quen có từ ngày nhỏ mỗi khi nghe gió trở mình là thấy rét mướt luồn trong da thịt. Dù Diệu biết đó chỉ là thứ cảm giác còn sót lại trong những năm tháng ấu thơ nghèo nàn đói rét. Giờ có nằm trong chăn ấm đệm êm cũng không thể nào chạy thoát nổi những ẩn ức trong lòng. Diệu ngồi dậy đi soạn quần áo ấm. Mỗi một bọc quần áo được gửi đến tay Diệu đều chứa đựng tình thương giữa con người với con người. Trông cách họ gập quần áo gọn gàng, giặt giũ thơm tho cũng đủ khiến Diệu thấy ấm lòng. Nhưng cũng có khi Diệu thấy bị xúc phạm khi lẫn trong đống đồ quyên góp vẫn có vài bọc quần áo còn hôi hám, bẩn thỉu. Người mang chúng đến quyên góp đã vơ vội vàng nhét vào trong tải. Những chiếc váy dạ hội lóng la lóng lánh, đồ bơi, đồ lót cũ màu, quần áo hở hang. Diệu không biết sử dụng chúng vào việc gì đành mang vứt ra thùng rác. Diệu vài lần phản ứng mạnh mẽ trên trang cá nhân của mình vì chuyện ấy. Nhà Diệu không phải là kho chứa rác. Những em bé nghèo khổ trên miền núi cũng đâu thể mặc bikini đi học. Diệu chưa bao giờ kén chọn khi quyên góp từ thiện. Một manh áo cũ cũng có thể mang đến cả giấc mơ ấm áp cho đứa trẻ nghèo. Nhưng manh áo ấy phải còn sạch sẽ.

Xe xuất phát lúc bốn rưỡi sáng khi thành phố vẫn còn ngon giấc. Tụi Diệu bê những thùng đồ chất lên ba chiếc xe bán tải rồi bỏ lại thành phố phía sau. Cùng đồng hành lần này có những người Diệu quen, có những người chưa từng biết mặt. Chỉ một lời kêu gọi mà họ có mặt trong chuyến đi này không quản đường xá xa xôi và thời tiết lạnh căm rét buốt. Họ cùng nhau bắt nhịp rồi cất lên tiếng hát. Có người tay còn ôm thùng muối mắm, cá khô. Có người mệt quá ngủ gục trên chồng sách vở mang lên cho các cháu. Đời Diệu có thêm nhiều người bạn nhờ những chuyến đi thế này. Có những người chỉ làm bạn vài ngày rồi cuộc sống lại cuốn mỗi người mỗi phương. Có người trở thành bạn tâm giao. Có người đã trở thành tri kỷ. Để không chỉ đồng hành cùng nhau những chuyến đi vì cộng đồng. Mà những biến cố thăng trầm cũng có nhau bên cạnh. Bạn của Diệu có người dành hết cả thanh xuân để xẻ núi làm đường cho bà con dân tộc. Có người cõng chữ lên non. Có người nỗ lực mang nước sạch về bản. Có người mang ánh sáng về với vùng cao. So với những con người giàu nhiệt huyết ấy Diệu có là gì…

Xe trôi qua đèo, sương bắt đầu tan. Những tia nắng mặt trời đầu tiên chiếu rọi vào cửa kính xe. Bên đường những bông hoa trạng nguyên đỏ tươi rạo rực lòng người. Thỉnh thoảng xe dừng lại bên đường khi thấy một em bé nào đó còn đi chân trần, mặc phong phanh. Tụi Diệu xuống xe mặc cho các em áo ấm, đi vào chân các em đôi ủng, ủ các em bằng găng tay ấm. Nhìn những đôi mắt long lanh mừng vui khi nhận từ tay người lạ vài cái kẹo mà lòng Diệu cũng hạnh phúc theo. Rồi tụi Diệu sẽ đến nơi cần đến. Diệu sẽ ôm những mái đầu bé nhỏ vào lòng và tận tay trao từng phần quà nhỏ. Không gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy những đôi chân trần bỡ ngỡ mừng vui khi xỏ vào một đôi dép mới…

HUYỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu

“Với tầm khái quát lý luận cao và tổng kết thực tiễn sâu sắc, các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hàm chứa những giá trị lý luận và thực tiễn mà đội ngũ giảng viên nhà trường cần quan tâm nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học” - TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Vận dụng tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy, nghiên cứu
Return to top