ClockThứ Hai, 14/12/2015 16:23

Thế giới hoa sen và những nụ hôn

TTH - Họa sĩ Lại Thanh Dũng sinh năm 1982, tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế, có tranh trong các sưu tập tư nhân trong nước và tại các nước Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore. Là một họa sĩ trẻ thể hiện sắc thái riêng trong phong cách sáng tác, anh đã có gần 30 triển lãm nhóm trong nước và quốc tế và một triển lãm cá nhân ở Huế vào năm 2011.

Loạt tranh gây tiếng vang cho Lại Thanh Dũng có chủ để về hoa sen trong cuộc triển lãm có tên “Mang đi”. Dũng không vẽ sen như một số họa sĩ khác. Sen trong tranh của Dũng có sức cuốn hút mạnh, mỗi đóa sen chứa đựng cả thế giới sống động ở bên trong đó. Trên nền chính là sen, các biểu tượng khác được thể hiện nhỏ hơn đã tôn vinh sen thành cái nôi lớn của tạo hóa để mọi sự vật tồn tại bình yên nơi cảnh giới đó, điều này thể hiện trong các tác phẩm: “Chiều phế tích”, “Huế ban mai”, “Thuyền xứ”, “Cổng đỏ”...

Chân dung họa sĩ Lại Thanh Dũng

Một số tác phẩm sen của tác giả như một hoài niệm về những thần thoại, những cổ tích hoàng kim bằng những biểu tượng nghê (Hoài niệm 1), rồng (Hoài niệm 2) và những áng mây bềnh bồng kéo cái nhìn của người xem về phía chân trời thiện mỹ như tự tính sẵn có trong hoa sen. Trong “Hồi môn”, ẩn chứa cả một kho tàng di sản, cùng với dấu ấn văn hóa qua các hoa văn cổ điển mà tiền nhân đã để lại, như một lời nhắc cho hậu thế hãy giữ gìn và trân trọng văn hóa. “Cuối đông” là giấc ngủ an lành của các đàn vịt trời bên luống sen úa màu, lác đác một vài cánh sen sót lại gợi lên vẻ đẹp muộn màng cuối mùa. Đặc điểm nổi bật trong các tác phẩm về hoa sen của Lại Thanh Dũng là gam màu anh thể hiện khiến người thưởng ngoạn như rơi vào trong không gian đầy ám dụ đó. Mỗi tác phẩm có gam màu riêng, khi vàng rực rỡ, màu cam nồng cháy hay màu xám của một chiều đông, hoặc tông lục non mơ mộng. Dù ở tông màu nào, sen trong tác phẩm của Dũng cũng đều toát vẻ đẹp thuần khiết và thiêng liêng như thuộc tính vô nhiễm của chính nó. Qua sen trong tranh của Lại Thanh Dũng, người xem có thể thấy được dấu ấn thành quách của xứ Thần kinh, cảm nhận được chiều sâu hun hút trong không gian Cố đô Huế và sự thơ mộng trên từng vệt màu lung linh của tác giả trên khung vải đầy ấn tượng.

Họa sĩ Lại Thanh Dũng đang thực hiện loạt tác phẩm với chủ đề “Nụ hôn” và sẽ ra mắt công chúng trong một ngày gần đây. “Nụ hôn” được lấy ý tưởng từ tác phẩm nỗi tiếng có tên “Nụ hôn” của danh họa thế giới Gustav Klimt. “Nụ hôn” là thông điệp của họa sĩ Lại Thanh Dũng gửi đến mọi người về việc bảo vệ sinh thái môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm,... cũng như cảnh báo sự cạn kiệt của thiên nhiên và gợi lên trong chúng ta câu chuyện của nàng Bạch Tuyết lạc giữa cánh rừng cổ tích tràn ngập những giấc mơ.

Mỗi bức tranh của Dũng là câu chuyện được tác giả kể lại bằng màu sắc trong sáng mà cao trào là những nụ hôn của nàng công chúa đối với các loài vật, như: trâu, mèo, chim, dê, hổ,... đang sinh sống trong thế giới con người, như muốn nhắc nhở con người phải “lễ độ với thiên nhiên”. Ngược lại là sự ban tặng của thiên nhiên cho chúng ta qua những nụ hôn của muôn loài trao tặng nàng công chúa trong giấc ngủ đầy mộng mị.

Loạt tranh có kích cỡ lớn bằng chất liệu sơn dầu đầy ấn tượng với chủ đề “Nụ hôn” lần này có thừa kế những hình thể, đường nét trong các tác phẩm trước đó của Dũng cũng như phong cách thể hiện. Vàng là sắc màu mà tác giả chọn làm nền trong loạt tác phẩm này cùng với những xâu cườm điểm xuyết long lanh để tạo nên không gian huyền ảo. Trong các tác phẩm “Nụ hôn”, cùng với sự xuất hiện trở lại của hoa sen như một sự thanh lọc mà tác giả đã có chủ ý để tạo ra thế giới hoa sen và những nụ hôn quyện vào nhau một cách hài hòa và thánh thiện. Bất chợt tôi cảm nghiệm thật rõ ràng, mỗi hoa sen như một nụ hôn từ bi của thiên nhiên ban tặng cho muôn loài.

Lê Huỳnh Lâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

TIN MỚI

Return to top