ClockThứ Sáu, 09/02/2024 10:30

“Thỉnh ý thần khe”

TTH - Sau hàng trăm năm mở biển, có lẽ trong tâm thức nhiều người, nhắc đến biển sẽ nghĩ ngay đến lễ hội cầu ngư. Song, ở các làng quê bãi ngang ven biển vẫn còn một tục lệ được lưu giữ - tục cúng khe (Long nguồn, khe Long) khi hương xuân chạm ngõ.

Nông dân Điền Lộc tất bật chuẩn bị rau tếtĐiểm sáng xây dựng nông thôn mới

 Đường về làng Thế Mỹ A

1. Con đường bê tông phẳng lỳ, án ngữ trước mặt làng rợp bóng xà cừ. Trưởng thôn Lê Văn Hướng (thôn 10, Điền Hòa, Phong Điền) bảo, từ sự đồng lòng của dân cùng những hỗ trợ của chính quyền địa phương, con đường có giá trị hơn 300 triệu đồng được xây dựng tạo nên diện mạo mới cho vùng đất ven biển này.

Điểm khởi đầu của tuyến đường từ cổng làng Thế Mỹ A (Điền Hòa), cũng là nơi thờ Long nguồn tồn tại đã hàng trăm năm. Đường kéo dài đến chân sóng. Điều bất ngờ là câu chuyện giữa tôi và ông Hướng không bị cuốn vào con đường, mà tập trung vào con khe vắt ngang trước mặt làng.

Lời kể của ông Hướng như thước phim quay chậm. Trên nền đất cũ ấy, hình ảnh làng chài xưa hiện ra chừng như vừa mới hôm qua. Không phải là những ngôi nhà cao tầng, kiên cố; cũng chẳng phải những con đường bê tông mới cứng. Đó là những mái tranh lụp xụp; trảng cát rát chân người mỗi khi hè đến. Bóng người xưa đội nón lá, quang gánh trên vai với rổ ruốc đỏ au, mớ cá trích, cá nục tươi rói; trẻ em nô đùa, chơi trốn tìm, tấp nập dưới chân khe.

Khe không biết có tự bao giờ nhưng ngày trước, khi nước non thiếu thốn, nguồn nước này dung dưỡng bao phận đời. Khe dẫn nguồn nước ngọt từ cồn cát phía tây, vắt qua làng xuôi về phía biển. “Khi chưa có nước máy, người dân tắm giặt, sinh hoạt đều sử dụng nước khe. Nguồn nước trong vắt, mát lạnh này có vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân ngày trước”, ông Hướng nói.

 Người dân vùng bãi ngang ven biển có tục lệ thờ cúng thần khe

Làng biển không tự nhiên mà có, nó hình thành từ quá trình di cư từ hàng trăm năm trước. Ở những ngôi làng phía bắc, những cư dân Quảng Trị vào thành lập cộng đồng làm nghề đánh cá; cư dân của những ngôi làng phía nam có thể có gốc gác từ vùng đất Sầm Sơn, Thanh Hóa… Và không chỉ làng Thế Mỹ, làng Mỹ Hòa, Tân Hội (Điền Lộc, Phong Điền), Hải Nhuận (Phong Hải, Phong Điền) ở phía bắc, hay làng Mỹ Lợi (Phú Lộc) ở phía nam đều có khe Long. Những miếu thờ khe Long vì thế được lập nên khắp các miền quê ven biển như một cách tri ân tạo hóa giúp đỡ ngư dân trong những ngày khai canh lập ấp.

Dẫn chúng tôi tham quan công trình đền thờ khe Long được hoàn thành cách đây hơn 2 năm, ông Nguyễn Dũng (làng Mỹ Lợi) bảo, công trình này tiêu tốn gần 200 triệu đồng, với dân làng, đây được xem là di tích lịch sử.

Theo ông Dũng, huyền thoại Long Vương sinh ra mưa để tạo nên nguồn nước bất tận. Ở những vùng đất khô cằn, giáp biển, nguồn nước ngọt khan hiếm, mạch nước ngầm chảy từ khe giúp dân sống qua mùa hạn, cây cối tốt tươi. Tại những ngôi làng ba mặt giáp biển, nguồn nước này cũng giúp họ vượt qua tháng ngày khốn khó. Nước trên đồi cao ngầm chảy trong cát đổ về phía biển vắt qua mỗi làng quê. Dân lập miếu thờ để gìn giữ niềm tin.

2. “Trong đời người, nếu chưa từng chứng kiến sự nguy nan hay hung dữ tàn bạo của thiên nhiên thì chắc hẳn sẽ không đặt niềm tin vào một điều gì đó. Như kiểu người dân làng biển đặt niềm tin vào thần khe để cầu mong mưa thuận, gió hòa, cung cấp nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt. Khe Long có thể hình thành tự nhiên nhưng khi các thế hệ ông cha chọn nơi này định cư chắc hẳn sẽ có lý do”, lão ngư Lê Văn Lượng (làng Thế Mỹ) nói với tôi thế trước khi giúp tôi hình dung về câu chuyện “thỉnh ý thần khe”.

Ngày xưa, dân làng biển khi tìm được nơi định cư với nguồn nước trong lành, mát lạnh thì cả làng lập bến phía khe và tổ chức lễ cúng hằng năm vào đầu năm. Lễ vật cúng tế chính là bất cứ thứ gì người dân làng đánh bắt được, gom góp, bày biện phía đầu nguồn. Sau khi trưởng làng thực hiện xong nghi lễ, các mâm cúng được bày biện tại chỗ, dân làng quây quần, vui vẻ, như là dịp gặp mặt đầu xuân, chúc nhau sức khỏe.

Lễ cúng khe Long diễn ra trong không khí nhộn nhịp đông vui. Những người con tha hương làm ăn xa xứ cũng về dự lễ để xin lộc cầu may. Mỗi người đến đây đều mang theo lời nguyện cầu, hoài vọng về một cuộc sống thanh bình, yên vui, sung túc.

“Từ xưa đến nay, làng có việc chi quan trọng đều phải “thỉnh ý thần khe”, từ chuyện nhỏ như tổ chức hội hè dịp tết hay đến việc lớn của làng như bầu trưởng làng. Bây giờ, người dân không còn thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước từ khe cũng đã cạn nhưng không vì thế mà lấp khe. Nếu khe biến mất, đại họa sẽ giáng xuống dân làng, điều này đã xảy ra ở một số làng. Do vậy, ngoài tu bổ, vệ sinh khu vực quanh khe, hương khói là công việc thường xuyên”, ông Lượng nói.

“Ly hương bất ly tổ”, câu chuyện “thỉnh ý thần khe” không khu biệt ở cư dân những ngôi làng bên chân sống, khi họ di cư, tục cúng khe Long vẫn được mang theo. Như câu chuyện của dân làng Thế Mỹ định cư ở nước Mỹ xa xôi, hàng năm cộng đồng dân làng tập trung cúng thần khe, điều này như để tri ân, tưởng nhớ tổ tiên đã khai canh vùng đất. Đó không chỉ là dịp dân làng quần tụ, giao lưu, chia sẻ những điều trong cuộc sống mà còn như cách giữ đạo ở xứ người. “Tất cả những tục lệ gì ở Việt Nam khi sang Mỹ chúng tôi đều lưu giữ. Với chúng tôi đó là tập tục tốt đẹp đã tồn tại ngàn đời”, anh Nguyễn Văn Chương (Việt kiều Mỹ) chia sẻ.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, trong tâm thức người dân ven biển, từ xưa đến nay họ luôn tôn trọng nguồn nước. Với họ, hình tượng con rồng sinh ra nước, do vậy từ xa xưa nguồn nước từ những con khe vắt qua làng biển gọi là khe Long. Từ văn hóa Sa Huỳnh chuyển sang văn hóa Chăm Pa, đến thời người Việt đều sử dụng nguồn nước tự nhiên đó để sinh hoạt, tưới cho cây cối. Đó là nguồn nước sạch. Dù không ai tỏ tường tất cả, nhưng có một điều chắc chắn, thực tiễn đã giúp con người loại bỏ những tục lệ không phù hợp, tục lệ tốt đẹp đã được giữ lại. Những giá trị về văn hóa, đạo đức của người Huế không chỉ được trân quý ngay tại nơi sản sinh ra mà còn được lưu giữ ngay ở những vùng đất mới.

Cuộc sống đổi thay, dân đã bớt nghèo, đỡ khổ, song, có người sẽ luyến tiếc về những điều xưa cũ, đó là việc thưa dần những chiếc thuyền nan buổi sớm mai, vắng dần con cá tươi buổi chợ hôm và trên hết, dân theo nghiệp ngư cũng vơi dần theo năm tháng. Dù vậy, ở làng chài bãi ngang ven biển còn hiện hữu với hội cầu ngư, tục “thỉnh ý thần khe” đầu năm. Nó sẽ tồn tại ngàn đời, tạo nên gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm

Sáng 5/12, ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, huyện Phong Điền xác nhận, vào chiều tối 4/12, tại nhà ông Nguyễn Chánh Thương ở Đội 2, Bồ Điền, Phong An xảy ra vụ cháy ở gác lửng 2 tầng.

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm
Phong Điền: 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch năm 2024

Chiều 4/12, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền tổ chức hội nghị Huyện ủy lần thứ 19 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) năm 2024; bàn và ra Nghị quyết nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy…

Phong Điền 9 12 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch năm 2024

TIN MỚI

Return to top