ClockThứ Tư, 09/06/2021 06:19

Ẩm thực vùng cao, khởi nguyên của văn hóa làng bản

TTH - Khó mà kể hết được những món ăn truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Rất ít món ăn thất truyền cho thấy, dù thời nào đi chăng nữa, ẩm thực vùng cao vẫn luôn gắn chặt với đời sống người dân bản địa.

Chợ đêm A Lưới với độc đáo ẩm thực vùng caoBánh tét nếp than – sự biến tấu cho ẩm thực ngày tết

Các món ăn truyền thống không thể thiếu tại các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Tấm lòng của người miệt núi

Trong câu chuyện về ẩm thực vùng cao, già làng Hồ Thanh Xoa (huyện A Lưới) bảo, chính thiên nhiên giúp đồng bào miền sơn cước tạo nên những món ăn dân dã, mang đậm văn hóa vùng đất. Sản vật từ tự nhiên là nguyên liệu chính để hình thành món ăn.

Không chỉ người dân bản địa, món ăn vùng cao đã làm thỏa trí tò mò, thậm chí hút hồn người đồng bằng. Độc, lạ và hương vị đặc trưng đó là những gì cảm nhận được khi một lần thưởng thức. Người đồng bào sử dụng những món ăn độc đáo ấy ngay trong bữa cơm sinh hoạt đời thường và khi có khách ghé nhà. Hồ Văn Đơm (xã Trung Sơn, huyện A Lưới) tỏ ra rành mạch khi nhắc đến các món ăn truyền thống. “Kể thì không hết, có khi hơn cả trăm món, nhưng nhắc đến vùng cao thì phải thưởng những món như: cơm lam, kà lèng, thịt ống, món chèo, canh sắn, sùng tre…”, Đơm nói.

Đơm là một lâm dân chính hiệu, hết mùa mật anh băng rừng tìm mây, bắt sùng tre hay bẻ măng rừng. Có lần, Đơm giới thiệu cho tôi một loại côn trùng giống sâu đất có tên là ting hia sống trên những triền đất đá pha lẫn phù sa. Ting hia không chỉ chế biến được là món ăn truyền thống và còn là thứ đặc sản bán được giá – 250.000 đồng/kg.

Thực ra, ting hia, sùng tre hay cá suối chỉ là những nguyên liệu kết hợp với nhiều thứ khác nữa để tạo nên món ăn. Để nấu được món truyền thống phải là người bản địa và am hiểu cả vùng đất. Và không phải ai cũng hợp khẩu vị để thưởng thức món ăn của người đồng bào, song không ít người xem như món khoái khẩu. “Ví dụ hương vị món cà lèng không phải ai cũng đủ can đảm thưởng thức, nhưng khi ăn được sẽ rất ghiền. Quy trình chế biến món ăn này cũng lắm công phu, chỉ người dân hay đầu bếp bản địa mới thực hiện nhuần nhuyễn. Làm kà lèng hương vị gì thì phải lấy lục phủ ngũ tạng của con vật ấy và không phải con vật nào cũng làm kà lèng được”, Đơm chia sẻ.

Sự tiến bộ của công nghệ và chuyển biến nhận thức của người đồng bào giúp khoảng cách giữa đồng bằng và vùng cao được rút ngắn. Muốn thưởng thức đặc sản vùng cao, du khách không cần phải băng đèo lội suối mà chỉ cần click chuột, hàng sẽ giao đến tận nơi. Mạng xã hội giúp người ta dễ hình dung hơn về các món ăn vùng cao. Cô bạn tên Thoa (thị trấn A Lưới, huyện A lưới) hàng ngày đều đặn giới thiệu các món ăn của người đồng bào trên trang cá nhân facebook. Thoa không chỉ chào hàng mà còn quay những clip ngắn về quy trình chế biến để khách hàng tường tận.

Bây giờ, dù ít dù nhiều, món ăn vùng cao có thể hái ra tiền và ắt hẳn sẽ không còn khu biệt trong gian bếp của nhà sinh hoạt cộng đồng, hay mỗi bữa cơm của người sơn cước.

Bảo tồn & hơn thế nữa…

Vùng cao đang thay da đổi thịt từng ngày, nhiều lễ hội được bảo tồn phục dựng và cả những hệ thống du lịch cộng đồng mọc lên, giúp giới thiệu văn hóa dân tộc thiểu số đến du khách. Trong chuỗi phát triển liên hoàn đó, văn hóa ẩm thực người đồng bào được xem như gạch nối giúp du khách dễ nhận diện miền sơn cước, nói đúng hơn là hiểu được nét sinh hoạt đời thường của họ.

Không chỉ lễ lạt, hội hè, những món ngon, như cơm lam, kà lèng, thịt ống, món chèo, canh sắn, sùng tre… được chế biến mà trong mỗi tour tuyến đến vùng cao đó là một phần không thể thiếu. “Khi du khách trải nghiệm, tham quan các điểm đến ở A Lưới, chắc chắn chúng tôi sẽ giới thiệu các món ăn đặc sản bên cạnh những nét văn hóa phi vật thể”, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới nói.

Huế đang triển khai xây dựng hồ sơ di sản tư liệu ẩm thực cung đình Huế. Đây là bước quan trọng góp phần xây dựng bộ hồ sơ di sản Ẩm thực Huế trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Đối với dân vùng cao, tại sao không bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị ẩm thực của chính đồng bào mình?!

Ngày nay, trong các loại hình du lịch, người ta hay nhắc đến du lịch ẩm thực. Suy nghĩ ẩm thực chỉ đóng vai trò phụ trợ hay dịch vụ kèm theo đã trở nên lạc hậu. Sẽ ra sao nếu du khách đến A Lưới, Nam Đông không được thưởng thức món ngon của dân bản địa. “Mỗi lần tham quan các điểm nghỉ dưỡng ở A Lưới, nếu không được thưởng thức món ăn người đồng bào sẽ có gì đó hụt hẫng. Những món ăn ấy được kết tinh qua nhiều thế hệ người bản địa, thưởng thức không chỉ để “ấm” bụng mà còn hiểu được đời sống thường nhật của họ ra sao”, anh Nguyễn Thắng (TP. Huế) chia sẻ.

Trong một báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, ẩm thực định hình cho thương hiệu và hình ảnh của điểm đến. Nói không ngoa những điểm đến tại A Lưới hay Nam Đông được định hình nhờ ẩm thực bản địa. “Ẩm thực miền sơn cước không chỉ là vị ngon trên đầu lưỡi là trong mỗi món ăn chứa đựng cả hành trình sống của con dân làng bản. Chúng tôi không chỉ bảo tồn mà lâu nay thông qua các hoạt động du lịch, văn hóa, các món ăn đã được quảng bá đến du khách. Sắp tới sẽ có những chính sách nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh của ẩm thực vùng cao tại Huế, và sẽ không khu biệt trong địa phương mà lan tỏa cả nước”, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu nói.

Bài, ảnh: L. Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Return to top