Khai giảng năm học mới 2018 – 2019 ở Thừa Thiên Huế có một điểm nhấn khó quên. Đó là thư ngỏ của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ gửi các trường học về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài. Với việc tích cực tham gia cuộc vận động này, ông Thọ viết: “Hình ảnh áo dài Huế sẽ có cơ hội trở lại “thuở vàng son”, góp phần quan trọng nâng cao vị thế ngành giáo dục và vẻ đẹp của người phụ nữ Huế với một tâm thế mới trong quá trình hội nhập và phát triển, “làm cho Huế đẹp hơn” trong mắt bạn bè và du khách”.
Cả nước đều có truyền thống mặc áo dài, thế nhưng không phải ngẫu nhiên mà ngày nay khi bàn đến chiếc áo dài nữ Việt Nam nhiều người lập tức nghĩ đến cái gốc gác xứ Huế của nó. Lịch sử ra đời của chiếc áo dài được cho lần đầu tiên là vào năm 1774. Sau khi đúc ấn quốc lên ngôi vương ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi làm sao cho y phục xứ Đàng Trong khác với Đàng Ngoài. So với Đàng Ngoài bấy giờ mặc váy, phụ nữ Đàng Trong mặc quần với áo và đó là y phục gần với chiếc áo dài nhất. Từ đó đến nay, hơn 2 thế kỷ, chiếc áo dài Huế đã đi qua một chặng đường dài và đó là quá trình từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy đến chiếc áo dài Đàng Trong vạt được xẻ thành tà áo.
Không phải là nhà nghiên cứu để có thể luận bàn, song điều tôi cảm nhận được là chiếc áo dài đã có sự gắn bó lạ kỳ với con người đất Thần kinh. Phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục hàng ngày và duy trì đến tận hôm nay. Xưa nay ở Huế, dễ dàng bắt gặp tà áo dài ở mọi nơi. Còn đáng yêu nhất một thời là tà áo dài tím của nữ sinh Đồng Khánh. Cái màu tím trở thành nỗi ám ảnh dịu dàng đã được nhà thơ Võ Quê lý giải, phảng phất màu của kinh thành, của sự uy nghiêm, cho nên dường như điều này ảnh hưởng đến tính cách cũng như trang phục của cư dân Huế. Tím chính là màu được người Huế ưa thích cũng bởi câu ví “lầu son, gác tía”. Tía chính tím, màu của bậc vương giả tôn quý, chứa đựng trong ấy niềm sâu kín khiến người khác phải khám phá, phải ngẩn ngơ.
Với những lễ hội áo dài trong các dịp lễ trọng, đặc biệt là festival, người Huế biết cách và đã đi đầu trong việc tôn vinh giá trị của loại y phục mang đậm đà bản sắc Việt. Nguyễn Lan Vy, Tổng giám đốc Công ty CP VKSTAR, đạo diễn đêm diễn áo dài “Huế vàng son” trong Festival Huế 2018 kể rằng, là người từng sống và học tập ở nước ngoài, tất cả những bạn bè quốc tế đều nói với cô rằng, “làm ơn hãy mặc áo dài”. Còn áo dài lấy nhanh đã trở thành món quà không thể thiếu của nhiều chị em khi đến Huế. Du khách nước yêu thích dịch vụ này thường gọi đó là áo dài “short – time” và những con phố Mai Thúc Loan, Bến Nghé, Nguyễn Sinh Cung… quanh năm tấp nập khách.
Tôi bất ngờ đọc được trên internet bài khảo sát “Những điều gì khiến Huế luôn nằm trong trái tim du khách”. Câu trả lời đầy ngạc nhiên, là không phải là đền đài, lăng tẩm uy nghi mà chính những điều bình dị như góc phố yên bình, giọng nói ngọt ngào, hoàng hôn trên phá Tam Giang và đặc biệt dịu dàng áo trắng đã để lại nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng du khách. Cách lý giải của tác giả cũng thật hay và thấm sâu: “Chỉ một tà áo dài thoáng qua cũng đủ gợi nét dịu dàng xứ Huế. Chẳng biết từ bao giờ, chiếc áo dài truyền thống được chọn làm đồng phục cho nữ sinh ở nhiều trường trung học Huế. Trong khi màu trắng gợi nét đẹp trang nhã, tinh khôi thì màu tím áo dài lại tôn lên vẻ dịu dàng, đằm thắm cho người con gái Huế”. Tôi nghĩ, ông Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã cảm nhận sâu sắc được điều này…
ĐAN DUY