|
Một góc không gian Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham thu hút người xem |
Tính đến thời điểm này, Huế có 5 bảo tàng ngoài công lập: Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham.
Không chỉ làm đa dạng cho thiết chế văn hóa, các bảo tàng ngoài công lập còn đóng góp vai trò quan trọng khi bổ trợ cho các bảo tàng công lập trong việc lan tỏa, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất. Kể từ khi thành lập vào tháng 4/2022 cho đến nay, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế) đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch.
Bước vào không gian này, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi khối lượng cổ vật đồ sộ, kể về câu chuyện của dòng sông với chiều dài lịch sử từ xa xưa cho đến giai đoạn hiện đại. Du khách như bị "hớp hồn" bởi những chiếc bình vôi, chiếc lu, sành, đĩa, chén… được vớt từ dòng sông thơ mộng nằm ngay ở phía trước ngôi nhà và cũng là không gian trưng bày.
Nhắc đến hệ thống bảo tàng ngoài công lập không thể không nhắc đến Bảo tàng đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn (114 Mai Thúc Loan, TP. Huế) – bảo tàng ngoài công lập đầu tiên ở Huế, được thành lập vào năm 2013 của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Hơn chục năm đi vào hoạt động, bảo tàng này trở thành điểm đi về của những người yêu cổ vật, đặc biệt là đố sứ ký kiểu triều Nguyễn. Ngoài ra, ở đó người xem sẽ bắt gặp rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa một thời của các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt là triều Nguyễn, được làm bằng các loại chất liệu như vàng, bạc, ngọc, ngà, đồng, gỗ, tre, gốm... cũng như các bộ “tứ thú”: ăn trầu, uống trà, hút thuốc và uống rượu của người xưa.
Anh Nguyễn Thái, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh không khỏi ngỡ ngàng khi biết ở Huế - một thành phố dù nhỏ nhưng có đến tận 5 bảo tàng ngoài công lập. Đến Huế du lịch, anh dành thời gian đi nhiều bảo tàng và cảm nhận được sự hấp dẫn, lối cuốn từ hiện vật cho đến không gian được chủ nhân các bảo tàng sắp xếp, trưng bày.
“Tôi khá ấn tượng Bảo tàng gốm cổ sông Hương. Những hiện vật này giúp tôi ít nhiều hiểu hơn về sông Hương và xa hơn là hiểu được câu chuyện của Huế từ dòng sông. Phải nói rằng, những bảo tàng tư nhân này không chỉ trưng bày những hiện vật theo chuyên đề chuyên sâu mà còn cho thấy sự tài tình trong cách tổ chức của chính chủ nhân của nó”, anh Thái cảm nhận.
|
Bảo tàng gốm cổ sông Hương - một trong những bảo tàng ngoài công lập của Huế |
Bên cạnh những bảo tàng ngoài công lập được định danh, không gian lưu niệm Lê Bá Đảng nằm trên ngọn đồi Kim Sơn (xã Thủy Bằng, TP. Huế) cũng được xem là một điểm đến văn hóa ngoài công lập “ăn nên làm ra”. Sau 4 năm đi vào hoạt động, không gian này đã trở thành một điểm nhấn trên bản đồ du lịch, khi được nhiều công ty du lịch lữ hành đưa vào tour phục vụ khách tham quan. Rất nhiều du khách quốc tế sau khi đến Huế tham quan di tích cũng đã tìm đến đây và tỏ ra ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp, bài bản từ không gian cho đến cách bài trí tác phẩm nghệ thuật.
“Ngoài kiến trúc tuyệt đẹp, đáp ứng đúng công năng trưng bày thì thiết kế các hệ thống chiếu sáng, bày biện từng tác phẩm bên trong không gian ấy phải nói rằng đẳng cấp. Ít có một không gian tư nhân nào ở Việt Nam đạt được sự chuyên nghiệp ấy”, chị Hoài Trinh, một du khách đến từ Hà Nội khẳng định. Vì thế, du khách này cho rằng, việc chi tiền vé vào tham quan không gian này là “xứng đồng tiền bát gạo”.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, các bảo tàng ngoài công lập hiện đang sưu tập và lưu giữ hàng chục ngàn hiện vật có giá trị, góp phần vào việc bảo quản, trưng bày các hiện vật.
Tuy chưa tổ chức thường xuyên các hoạt động trưng bày, triển lãm như bảo tàng công lập nhưng các bảo tàng ngoài công lập đã tổ chức các cuộc trưng bày tư liệu, sưu tập hiện vật theo các chuyên đề. Từ khi ra đời đến nay các bảo tàng dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có sức hút với công chúng. Ngoài ra, các bảo tàng ngoài công lập còn có tác dụng tích cực trong việc khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật.
Theo ông Hải, để giúp các bảo tàng ngoài công lập phát triển, chính quyền đã có nhiều quyết sách như giá thuê cơ sở nhà đất, hỗ trợ hoạt động trưng bày triển lãm, hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ quảng bá hình ảnh…
N. MINH