ClockThứ Tư, 20/05/2020 06:00

Bảo tồn và nâng cao vị thế di sản

TTH - Nhiều thành tựu của Đảng bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong nhiệm kỳ qua được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nhà và nâng cao vị thế của di sản văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Nâng cao vị thế di sản văn hóa HuếThăm quan xưởng triều Nguyễn

 Diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế sau nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị. Ảnh: TTBTDTCĐH

Thay đổi diện mạo

Nhiệm kỳ 2015-2020 đánh dấu bước phát triển của Đảng bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (trung tâm) trong công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Đảng ủy Trung tâm đã tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. Các hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã được tổ chức triển khai thực hiện gặt hái được nhiều thành công, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể cũng được đơn vị chú trọng. Công tác nghiên cứu, phục dựng các bài bản Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng Cung đình được thực hiện đúng trọng tâm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích Huế; thực hiện tốt các chương trình nghệ thuật lớn mang tầm quốc gia, quốc tế. Năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập hồ sơ, đệ trình và đã được UNESCO công nhận Di sản Ký ức thế giới cho thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo cảnh quan di tích được trung tâm ứng dụng. Đáng chú ý là nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động bảo tồn các giá trị đặc sắc của cảnh quan khu di tích, ứng dụng các sản phẩm mới của khoa học công nghệ trong bảo quản giống cây trồng, nhân giống và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đảm bảo không ô nhiễm môi trường di tích và nâng cao chất lượng trang trí cảnh quan. Công tác nghiên cứu bảo tồn các khu vườn Thượng uyển nổi tiếng cũng đã được trung tâm tích cực triển khai. Nhờ đó, vườn Thượng uyển Thiệu Phương, Cơ Hạ… dần được hồi sinh, góp phần phục hồi diện mạo cảnh quan đặc sắc của các khu di sản. Nhiều dự án hợp tác quốc tế được thực hiện hiệu quả góp phần bảo tồn trùng tu và phát huy giá trị di tích Huế, như: Dự án công nghệ giải trí hiện thực ảo tại di tích Huế do Công ty công nghệ VR - Hàn Quốc thực hiện; dự án bảo tồn cổng và bình phong Điện Phụng Tiên do chuyên gia Đức - Andrea Teufle thực hiện...

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy trung tâm đã xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc mối quan hệ phối hợp giữa Đảng ủy và lãnh đạo trung tâm, tham gia với lãnh đạo trung tâm trong công tác tổ chức cán bộ, chỉ đạo đổi mới, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã bồi dưỡng, kết nạp 32 đảng viên, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện thường xuyên. Đảng ủy Trung tâm đã xây dựng và ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của đơn vị, lấy đó làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và đưa vào trong tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, viên chức hàng năm.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được triển khai nghiêm túc. Trong hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, các Đảng ủy bộ phận, các Chi ủy Chi bộ luôn chú trọng công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách lề lối làm việc. Các cấp ủy đảng luôn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Đổi mới mô hình quản lý

Ông Võ Lê Nhật, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, nhiệm kỳ mới 2020-2025, Đảng bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung lãnh chỉ đạo việc đổi mới mô hình quản lý trung tâm theo hướng tách chức năng hoạt động kinh doanh, dịch vụ để thành lập công ty hoặc thực hiện xã hội hóa, phấn đấu xây dựng cơ chế tự chủ tài chính theo cơ chế của Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng phải đối mặt với những khó khăn. Tuy vậy, trung tâm đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng nguồn thu hàng năm từ 10 đến 15%, phấn đấu đến năm 2025 thu sự nghiệp đạt 500 tỷ đồng/năm. Đồng thời, tập trung các nguồn lực để bảo tồn có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế cũng như mở rộng, đa dạng các loại hình dịch vụ để tạo nguồn thu phục vụ cho công tác bảo tồn.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ lãnh đạo triển khai có hiệu quả đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế cũng được đặt ra trong nhiệm kỳ này; trong đó, khuyến khích công tác xã hội hóa trong phát triển dịch vụ tại di tích Huế nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ cộng đồng và các doanh nghiệp, phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới, chất lượng cao; nâng cao chất lượng tuyên truyền quảng bá để thu hút du khách.

Đảng bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng bám Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó chú trọng khôi phục các công trình chính ở Đại Nội. Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ các công trình tu bổ, nghiên cứu chọn lựa các công trình tiêu biểu để ưu tiên tu bổ phù hợp với khả năng kinh phí từng giai đoạn. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I hệ thống di tích Kinh Thành Huế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2018, với những thành tích đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm
Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Return to top