Huế hội đủ các yếu tố để trở thành phim trường
Trong cuộc hội thảo về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã từng gợi ý về việc Huế xây dựng một trường quay.
“Ta xây dựng một trường quay lớn nhất nước như Trung Quốc người ta làm, Hollywood người ta làm. Ông nào muốn quay phim đến trường quay đấy, thích cảnh gì có cảnh đấy, thích công nghệ nào có công nghệ đấy. Một trường quay lớn nhất, trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước. Từ đó nó có sức lan tỏa không những trong nước mà cả quốc tế”, ông Bình nói.
Cây vông đồng nằm giữa cánh đồng mía thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền sẽ chẳng mấy nổi tiếng nếu như “Mắt biếc” không về. Trường tiểu học Quảng Phú, góc phố đường Huỳnh Thúc Kháng, đồi Thiên An, Trường đại học Sư phạm Huế… những khung cảnh quá đỗi quen thuộc với người dân Huế bỗng một ngày xuất hiện đầy chất thơ, lãng mạn trên khung hình điện ảnh. Qua con mắt của những người làm nghệ thuật một vài khung cảnh nhỏ cũng trở nên đắt giá và đầy hào nhoáng khi xuất hiện trên phim.
Những gốc cây như vông đồng ở Hà Cảng cũng sẽ bình thường và lặng sống hàng chục năm qua nếu như nó không lọt vào những thước phim. Một hình ảnh với người dân vùng đó đã quá quen nên chẳng mấy ai thấy được vẻ đẹp. Mãi đến khi những người làm điện ảnh về trát lên cho nó một chút “phấn”, rồi hiện ra đầy kiêu sa.
Huế hội đủ các yếu tố để trở thành phim trường
Không phải đến khi “Mắt biếc” về người ta mới nhìn ra Huế là một nơi có vẻ đẹp, có nét điện ảnh. Huế đã từng là bối cảnh của nhiều bộ phim. Với đề tài chiến tranh có “Dòng sông phẳng lặng”, “Huế mùa mai đỏ”. Với đề tài tình cảm có “Trăng nơi đáy giếng”, “Cô gái trên sông”… Với chuyện cung cấm có “Ngọn nến hoàng cung”, “Trạng Quỳnh”, rồi dự án phim “Phượng Khấu” đang được sản xuất… Tất cả những bộ phim trên có bối cảnh hoặc là hoàn toàn tại Huế hoặc một nửa phân cảnh là Huế.
Huế là một thành phố mà xung quanh nó được bao bọc bởi sông hồ, núi rừng, đầm phá, biển và các làng quê. Thế nên, đây là nơi tạo ra sự sáng tạo thoải mái và sự lựa chọn cho các đạo diễn với các bối cảnh phim. Ngoài vẻ đẹp đến từ thiên nhiên thì hệ thống các di sản, di tích cũng sẽ là một lợi thế giúp Huế trở thành sự lựa chọn tốt cho các nhà làm phim.
Victor Vũ, đạo diễn của “Mắt biếc” khi đi tìm bối cảnh cho phim, ông đã thực sự có ấn tượng với các điểm quay ở Huế và rồi đã không ngần ngại mà chọn nơi này. “Thực ra, đoàn đã tìm được nhiều bối cảnh để sử dụng trong bộ phim này. Mình thấy được một vẻ đẹp. Mình có thể hình dung được nếu mình quay ở bối cảnh này, ở góc này thì lên phim mình tin mình thuyết phục được đây là bối cảnh của thời đó, của thập niên 70”, đạo diễn “Mắt biếc” chia sẻ.
Với những kinh đô điện ảnh nổi tiếng trên thế giới, trước khi trở thành một nơi xa hoa, lộng lẫy nó cũng chỉ là một vùng đất vô danh. Hollywood năm 1900 trước khi trở thành kinh đô điện ảnh thế giới chỉ là một ngôi làng nhỏ với dăm ba thửa ruộng và vài trăm nhân khẩu. Đến năm 1911, Công ty David Horsleys Nestor mở phim trường (studio) đầu tiên ở đây. Ngay sau đó, 15 phim trường khác rời trung tâm New York đến Hollywood. Bộ phim đầu tiên được làm tại Hollywood vào năm 1914 mang tên "The Squaw Man".
Cây “cô đơn” trong phim “Mắt biếc” trở thành điểm “check - in” của du khách
Huế khác với Hollywood là khởi điểm và có nhiều khung cảnh trải dài từ thời phong kiến đến hiện đại; thiên nhiên, làng mạc phù hợp với nhiều cảnh phim khác nhau. Một thành phố mà được phân chia ra các khu vực với những sự phát triển riêng và nhiệm vụ riêng thì đó chính là một lợi thế cho các nhà làm phim có sự lựa chọn.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Văn Bình lại gợi ý cho Huế xây dựng nơi đây trở thành một trường quay. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người mơ rằng, Huế có thể dựng nên được một phim trường nhằm phục vụ ngành công nghiệp điện ảnh. Giấc mơ đó và những gợi ý đó không phải là viễn vông. Bởi, những thứ đó đã được khẳng định với các bộ phim từ trước đến nay và đều để lại dấu ấn với bối cảnh hoàn hảo.
Huế cần gì để có thể xây dựng được một phim trường lớn, tôi nghĩ chúng ta phải mạnh dạn đặt vấn đề, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Và quan trọng nhất là biết giữ những thứ cần giữ để có được một mạch dài bối cảnh xuyên suốt từ quá khứ đến hiện đại, từ rừng núi đến đầm phá, biển, làng quê…
Bài: NGUYỄN ĐẮC THÀNH - Ảnh: TRUNG PHAN