ClockChủ Nhật, 10/05/2020 15:33

Cung đường bảo tàng

TTH - Sau nhiều đắn đo kéo dài đến 20 năm, cuối cùng phương án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế thoát cảnh “ăn đậu, ở nhờ” tại di tích Quốc tử giám đã được triển khai và sắp thành hiện thực. Địa điểm mới của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tọa lạc tại khu đất 268 Điện Biên Phủ.

Lâu nay, du khách khi đến Huế, ngoài được tham quan hệ thống đền đài là lăng tẩm thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế, còn được tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người của vùng đất này thông qua hệ thống các bảo tàng. Lưu giữ trên 30.000 tư liệu, hiện vật và nhiều bộ sưu tập có giá trị, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhiều hiện vật, tư liệu quý giá. Chưa kể, nơi đây còn có không gian trưng bày ngoài trời với nhiều hiện vật có kích thước, trọng lượng lên đến hàng tấn. Đây là những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại được sử dụng trên chiến trường Việt Nam, như: Máy bay, xe tăng, pháo tự hành...

Huế tự hào là “thành phố bảo tàng”. Cả nước có 162 bảo tàng, gồm 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập, lưu trữ gần 3 triệu hiện vật. Riêng Huế có 8 bảo tàng. Gần đây, người ta nói nhiều đến việc ra đời của “phố bảo tàng” Lê Lợi ở Huế với điểm nhấn đầu tiên là Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (Bảo tàng Mỹ thuật) dưới chân cầu Trường Tiền. Sát đó là Bảo tàng Văn hóa Huế (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế), Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung và Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (Bảo tàng Mỹ thuật), nơi trưng bày hơn 300 tác phẩm nghệ thuật do họa sư này hiến tặng cho Huế năm 2006 và xa hơn chút là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chưa kể, nơi đây còn có những "bảo tàng ngoài trời" là những vườn tượng ở công viên, nơi trưng bày tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Cô gái Việt Nam” và tượng cụ Phan Bội Châu của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn.

Địa điểm mới của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tọa lạc tại khu đất 268 Điện Biên Phủ. Ảnh: NQ

Đầu tuần này, các chiếc máy bay, xe tăng trưng bày trong không gian Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã bắt đầu được tháo dỡ để về với nơi mới. Việc tháo dỡ được thực hiện một cách chi tiết, cẩn trọng cùng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đảm bảo được sau khi về nơi mới vẫn giữ nguyên trạng ban đầu. Và, với Bảo tàng Lịch sử nằm ở đường Điện Biên Phủ, tôi đã hình dung về một “cung đường bảo tàng” ở Huế. Nó bắt đầu với Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn ở 114 Mai Thúc Loan qua Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ở 3 Lê Trực ở bờ bắc sông Hương qua “phố Bảo tàng” Lê Lợi và có điểm kết là Bảo tàng Lịch sử. Đó được xem là một cung đường lý tưởng khi du khách được đi qua cầu Trường Tiền, ngắm nhìn sông Hương và không xa là Đại Nội với cột cờ Phu Văn Lâu cùng nhiều điểm đến của Huế.

Ông Cao Huy Hùng, nguyên Giám đốc, đã nói đến vị trí mới của Bảo tàng Lịch sử tại 268 Điện Biên Phủ góp phần hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, tạo thêm sản phẩm du lịch theo tuyến lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, đền Huyền Trân... Hy vọng là thế.

Đan Duy

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản

Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đang được lên kế hoạch tái thiết, xây dựng để phù hợp với không gian di sản theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó

Phương án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế từ di tích Quốc Tử Giám (số 1 đường 23/8, trong Kinh thành Huế) về địa chỉ mới 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế theo kế hoạch được tiến hành sau tết Giáp Thìn 2024. Thế nhưng do gặp trở ngại về kinh phí nên công tác này vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó
Return to top