ClockThứ Năm, 17/12/2020 08:32

Đìu hiu nghề làm lịch tết

TTH - Mọi năm, cứ vào tháng 12, các hàng lịch Huế lại rộn ràng người mua kẻ bán và đầy ắp những đơn đặt hàng. Tuy nhiên năm nay, nghề làm lịch ở Huế đìu hiu, ế ẩm.

Nghề không có tết

Nhân viên Công ty Đại Việt Á in lịch cho năm mới

Do ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19 và bão lụt, các ngành nghề tại Huế suy giảm và thiệt hại trầm trọng. Trong xu thế chung đó, nghề làm lịch, vốn đã không nhiều người theo đuổi, nay lại càng thêm khó khăn.

Theo bà Hà Thị Ngọc Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sách và văn hóa tổng hợp Thiện Phát, một trong những nơi làm lịch có tiếng ở Huế, mọi năm cứ đến tháng 12, công ty nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Tuy nhiên năm nay, số lượng đơn hàng sụt giảm nặng. “Năm nay, lịch “ế” hơn nhiều so với mọi năm. Những năm trước, người ta đặt lịch để tặng tết cho người quen, quảng cáo thương hiệu, nhưng năm nay khó khăn quá, nên số lượng đơn đặt hàng giảm còn một phần tư so với mọi năm”. Bà Thu cho biết.

Số đơn và số người đặt hàng đã giảm, nhưng kể cả nếu có người đặt lịch nhiều thì các cơ sở làm lịch ở Huế cũng khó đáp ứng đủ về số lượng. Nguyên do là vì các nhà xuất bản block lịch ở TP. Hồ Chí Minh không tái bản như mọi năm, nên gặp hạn chế về số lượng nhập về Huế. Số lượng lịch giảm xuống cũng kéo theo sự sụt giảm về doanh thu của cơ sở sản xuất. Thêm vào đó, nếu ở các tỉnh, thành khác, các cơ sở kinh doanh đặt lịch để tặng Tết Dương lịch, thì ở Huế người ta có thói quen tặng vào Tết cổ truyền nhiều hơn. “Người Huế mình thì tết Âm lịch mới đem lịch đi tặng. Giờ các tỉnh, thành khác người ta gia công, sản xuất xong rồi, đóng xưởng cả rồi thì Huế mình mới bắt đầu làm. Mình làm chậm hơn nên thiếu nguyên liệu lắm”. Bà Thu thông tin.

Nằm trong xu thế xuống dốc của nghề làm lịch, Công ty TNHH MTV Văn hóa Đại Việt Á cũng gặp phải những khó khăn trong mùa sản xuất. Chị Nguyễn Thu Nhi, quản lý Công ty Đại Việt Á, ngày đêm trăn trở bên những cuốn block lịch và những tấm bìa ép. Chị kể, mọi năm, công ty đều nhập những tấm bìa ép và phôi ép từ nước ngoài. Nhưng năm nay dịch bệnh, Việt Nam không nhập khẩu hàng hóa về được nên những tấm bìa ép trở nên khan hiếm. Cũng vì không nhập được hàng nên công ty cũng gặp khó khăn trong việc tìm phôi để in bìa. Lượng hàng của công ty chỉ còn một phần ba so với mọi năm. “Không bìa, không lịch, không có hàng bán” – chị Thu Nhi buồn rầu.

Sự thất bát của nghề làm lịch cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động. Theo chị Thu Nhi, trong xưởng của công ty có những anh, chị, suốt năm vừa rồi làm đủ nghề để mưu sinh, từ lái xe ôm cho tới shipper cho các quán hàng. Những người lao động đó chỉ mong đến cuối năm có mùa làm lịch, để họ kiếm thêm được thu nhập, chuẩn bị cho dịp tết đến xuân về. Tuy vậy, những sụt giảm về số lượng hàng cũng như doanh thu của công ty đã ảnh hưởng đến người lao động rất nhiều. “Mọi năm, công việc làm lịch kéo dài trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12, với số lượng hàng lớn, người lao động có được 4 tháng tiền lương, chưa kể thưởng tết. Năm nay vì ít hàng, nên công việc làm lịch đến tháng 11 mới bắt đầu. Các anh, chị ấy chỉ có 2 tháng lương, thưởng tết cũng ít đi” – chị Thu Nhi chia sẻ.

Khó khăn là thế, nhưng những xưởng sản xuất, gia công lịch vẫn đang ngày đêm tất tả hoàn tất những quyển lịch, chuẩn bị cho năm 2021 sắp đến. Giữa những giọt mồ hôi của sự mệt mỏi, những lo toan về thu nhập, những suy nghĩ về một dịp tết thiếu thốn hơn mọi năm, vẫn là những nụ cười, là niềm hạnh phúc, vì ít ra vẫn còn được lao động, được làm việc, để “có thêm chút tiền mua áo mới cho con".

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề

Lực lượng trẻ đóng vai trò quan trọng trong làm chủ kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ còn là đội ngũ kế cận trên hành trình xây dựng, phát triển đơn vị hướng tới ngang tầm khu vực, thế giới…

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề
Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Từng là đầu bếp của một nhà hàng hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh, cháu gái tôi quyết định về lại Huế làm việc. Một buổi đi làm, buổi còn lại nhận làm bánh sinh nhật. Khách thấy mẫu mã đẹp lại đặt hàng nên có việc làm quanh năm. Cộng hai khoản tiền thu nhập, cháu tôi bắt đầu có tiền dành dụm.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị

Gặt hái những “quả ngọt” từ các hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng dịch vụ, massage chăm sóc phục hồi sức khỏe đã trở thành nghề mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người mù, người khiếm thị.

Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị
Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù

Sau khi làng bún Vân Cù được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, tiếng tăm làng nghề vang xa hơn, tạo cơ hội giúp nghề bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, số hộ tham gia sản xuất càng tăng lên...

Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù
Return to top