ClockThứ Tư, 17/05/2023 15:30

Đóng cửa tuyến đi bộ Thượng Thành vào ban đêm do nạn vẽ bậy trên di tích

TTH.VN - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa thông báo sẽ tạm thời đóng cửa tham quan vào ban đêm trên khu vực Thượng Thành do nạn vẽ bậy lên di tích.

Phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá HuếĐưa di sản Huế trở thành hạt nhân cho sự phát triển

leftcenterrightdel
 Tuyến đi bộ Thượng Thành trở thành điểm thu hút người dân và du khách đến check-in, ngắm cảnh

Vẽ bậy trên di tích

Từ đầu năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành chỉnh trang 2 eo bầu, dọn dẹp và nối thông đoạn đường đi bộ phía Thượng Thành từ eo bầu Nam Xương (phía trong cửa Ngăn) sang eo bầu Nam Thắng (phía trong cửa Quảng Đức), ngang qua cột cờ Phu Văn Lâu.

Đây được xem là điểm check-in, thưởng ngoạn mới của du khách để ngắm trọn Kinh thành Huế từ trên cao, góc nhìn từ cột cờ Phu Văn Lâu ra phía bờ sông Hương và ngược lại.

Tuyến đi bộ Thượng Thành được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa miễn phí 24/24h để mọi người dân và du khách được tham quan miễn phí. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân và du khách thuận tiện đi lên xuống phía Thượng Thành, giảm tắc nghẽn giao thông ở cửa Ngăn và cửa Quảng Đức.

Tuy nhiên, gần đây, trên tường thành khu vực cột cờ Phu Văn Lâu và một số điểm trên Thượng Thành bị xâm hại với sự xuất hiện nhiều hình vẽ, viết bậy của một số người thiếu ý thức khiến di tích nhếch nhác, mất thẩm mỹ.

leftcenterrightdel
 Bức tường thành bị viết, vẽ bậy nham nhở

Nhiều dòng chữ viết, vẽ bậy hoặc khắc tên lên mặt các bức tường, thậm chí là các câu chữ vô nghĩa, nguệch ngoạc, những chữ có nội dung phản cảm… gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh di tích. Ngoài việc dùng phấn, bút, các bức tường của tường thành còn bị dùng vật cứng khắc chữ.

Nhiều người bức xúc trước hành động thiếu ý thức này. Phan Nguyễn Hoàng Minh bày tỏ: “Không thể nói là vô ý thức được, mà phải gọi cho đúng là phá hoại. Sự vô văn hoá này gây ảnh hưởng đến di sản, du khách và những người khác. Việc đóng cửa tuyến đi bộ Thượng Thành sẽ làm cho nhiều người không thể trải nghiệm vẻ đẹp, góc nhìn, một sản phẩm du lịch của Huế vào ban đêm”.

Cần xử phạt thật nghiêm

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trung tâm đã cắt cử bảo vệ Kinh thành nhắc nhở, giám sát, đồng thời sơn lại một số hình ảnh, viết vẽ bậy trên bờ thành để đảm bảo trả lại đúng mỹ quan của Thượng Thành. Đồng thời, làm biển báo khuyến cáo về việc viết vẽ bậy và leo trèo lên bờ thành Thượng Thành. Thế nhưng, do lực lượng mỏng, việc viết vẽ bậy thường xuyên xảy ra vào đêm khuya nên việc theo dõi rất khó khăn. Bên cạnh đó, một số bạn trẻ còn ngồi phía trên bờ thành của Thượng Thành rất nguy hiểm.

Trước thực trạng này, thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ sơn sửa lại các điểm bị viết vẽ bậy và tạm thời đóng cửa tham quan về đêm trên khu vực Thượng Thành cho tới khi bố trí được lực lượng bảo vệ giám sát.

leftcenterrightdel
 Hành động viết, vẽ bậy lên di tích vô ý thức khiến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải tạm đóng cửa tham quan khu vực Thượng Thành vào ban đêm

Vấn nạn viết, vẽ bậy lên di tích không phải chỉ xảy ra ở Thượng Thành mà còn ở các di tích khác nhiều năm nay. Việc vẽ, khắc bậy lên di tích không chỉ là hành vi xâm hại mà còn làm biến dạng di tích. Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng, thậm chí xem thường di sản mà ông cha để lại. Điều này không chỉ làm giảm giá trị văn hóa, lịch sử của di tích mà còn làm hình ảnh du lịch Huế trở nên xấu xí.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử phạt trước hành động phá hoại này. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên lắp camera giám sát và hỗ trợ lực lượng bảo vệ, tăng cường tuyên truyền qua biển báo và có chế tài xử phạt thật nghiêm để bảo vệ cảnh quan di tích.

Ngoài lắp camera hỗ trợ lực lượng bảo vệ, cần phạt nguội hành vi này, chứ sức người có tăng thêm mấy đi nữa cũng không quản lý hết được. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ có phương án bảo vệ di sản và sớm mở cửa trở lại cho người dân và du khách tham quan.

Hành động vẽ, viết, khắc lên di tích là vi phạm Luật Di sản văn hoá. Vậy nhưng, đã có bao nhiêu trường hợp được phát hiện và đưa ra xử lý? Ngoài việc giáo dục về đạo đức, lối sống và thái độ, tình yêu với di sản, sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng xã hội đi kèm với những hình phạt theo quy định đối với những đối tượng có hành vi thiếu tôn trọng di sản may ra mới ngăn chặn tình trạng này.

Bài: MINH HIỀN. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế
ĐÁNH GIÁ
4
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (2)
mm
minh - 23/05/2023 09:13
Thiết nghĩ cần bắt camera để giám sát. Chứ mở ra rồi nói quản lý khó rồi đóng lại thì khó chấp nhận được. Thiết nghĩ chúng ta cần quản lý trên một tổng thể khách quan, chứ không vì một vài cá nhân sâu mọt mà lại nghiêm cấm.
hm
huynh van minh - 22/05/2023 22:11
Nên đóng luôn cả ngày và đêm tuyến du lịch thượng thành. Nhiều nơi như Cấm cung Trung Quốc vẫn có nhiều nơi đóng không cho khách vào. Đã có một thời Hà nội mở cho du khách leo lên cả tháp rùa Hồ Hoàn Kiếm nhưng sau phải ngừng.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

TIN MỚI

Return to top