ClockChủ Nhật, 06/12/2020 19:03

Thừa Phủ không bí đường ra

TTH - Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.

Khu chứng tích Lao Thừa Phủ mở cửa đón khách tham quan trước 22/12

Lao Thừa Phủ cũng được triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2020. Ảnh: Nguyễn Quân

Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố nhà lao Thừa Phủ nằm trong top 5 nhà tù thu hút khách tham quan nhất khi đến Việt Nam. Cùng với sự nổi tiếng là nhà tù tàn bạo, nơi giam cầm nhiều cán bộ cách mạng lão thành trong 2 cuộc kháng chiến, lao Thừa Phủ được nhắc đến với tên gọi Thừa Phủ và 2 trụ cổng là 2 trái bí bằng đá.

Theo sử liệu, lao Thừa Phủ là một phần của khu đất thuộc trại Thủy sư (nơi lính thủy binh đóng quân) dưới thời nhà Nguyễn. Vào năm 1899, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến biến nơi đây thành nhà giam chính của phủ Thừa Thiên. Thừa Phủ là gọi tắt của Thừa Thiên Phủ doãn. Cái tên Thừa Phủ còn gợi nhớ đến bến đò cùng tên nằm cách đó không xa, đã đi vào dĩ vãng khi cầu Phú Xuân, hay còn gọi là cầu Mới, được xây dựng vào năm 1973. Kiến trúc nhà lao độc đáo với hình tượng hai trái bí bằng đá ở cổng với ngụ ý của kẻ địch, “đã vào nhà lao là bí đường ra”.

Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ. Giờ ngữ văn, học tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu, bài “Khi con tu hú”, đến đoạn “Ta nghe hè dậy bên lòng/Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi”, cả lớp đều hướng sang phía lao Thừa Phủ, cùng tưởng nhớ lại thời điểm năm 1939, nhà thơ Tố Hữu khi ấy mới 19 tuổi đã hăng hái tham gia cách mạng và bị bắt giam cầm tại nơi đây. Cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu cùng với những đồng chí của mình sau đó đã “không bí đường ra” khi vào lao Thừa Phủ như kẻ thù hăm dọa.

Các nhà tù nổi tiếng một thời, như Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang) giờ đã trở thành các di tích lịch sử cách mạng và điểm tham quan du lịch, trong đó nhà tù Côn Đảo hiện nằm trong danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây không chỉ là điểm hẹn về nguồn của khách tham quan trong và ngoài nước, mà còn là nơi tìm về ký ức của nhiều cựu chiến binh Việt Nam. Mới đây, Hà Nội có tour du lịch hấp dẫn với tên gọi "Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt", khám phá nhà tù Hỏa Lò về đêm. Theo đó, du khách sẽ được ngược dòng thời gian, trở về với quá khứ qua hành trình khám phá di tích.

Phía bên trong Lao Thừa Phủ. Ảnh: Nguyễn Quân

Dự án bảo tồn và phát huy khu chứng tích lao Thừa Phủ cũng được triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 12 này.“Lao Thừa Phủ” được di dời đến nơi khác. Một phần mặt bằng dùng để thực hiện dự án mở rộng Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế - Bệnh viện Trung ương Huế và một phần khu đất, cùng các công trình xưa cũ, như tháp canh, nhà 2 tầng được xây dưới thời Mỹ - ngụy (nơi trưng bày bổ sung chứng tích), lô cốt, hệ thống tường rào cũ, nhà giam đồng chí Tố Hữu… chứng tích một thời của nhà lao được giữ lại để tiến hành trùng tu, tôn tạo và đưa vào phục vụ tham quan.

Nghe có vẻ còn khá mới mẻ nhưng trên thế giới, du lịch nhà tù sớm trở thành xu hướng phổ biến. Ở Việt Nam, cùng với hệ thống các nhà tù nổi tiếng, dự án bảo tồn khu chứng tích lao Thừa Phủ không chỉ mang đến cho du khách sự hiểu biết về lịch sử, những giá trị nhân văn của quá khứ mà còn là công cụ giáo dục cho các thế hệ tương lai sự hiểu biết, lòng biết ơn và cả trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo tồn những giá trị lịch sử nhân văn của dân tộc.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc khẩu trang

Ít người biết rằng, sự ra đời của chiếc khẩu trang mà ta đang đeo trong những ngày dịch bệnh COVID - 19 tràn lan này lại ra đời xuất phát từ một cảm nhận sai lầm.

Chiếc khẩu trang
Đừng vội nặng lời với “check - in”

Không lâu sau “cây mắt biếc”, mạng xã hội lại “gây bão” trong dịp Tết Tân Sửu và ngày lễ Tình nhân vừa qua ở Huế bởi bộ ảnh do Travel Mag giới thiệu về vườn hoa cải vàng tại phường Kim Long.

Đừng vội nặng lời với “check - in”
Aza, lễ hội & di sản

Aza là lễ hội cầu mong mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ cho dân làng yên vui, không ốm đau, bệnh tật... Aza cúng thần nông và cả cúng thần sông, thần núi, trời đất.

Aza, lễ hội  di sản
Gánh gánh... gồng gồng…

Từng là biên tập viên của Nhà xuất bản Thuận Hóa cho tới khi nghỉ hưu, cái tên Trần Thùy Mai không hề xa lạ với người dân Huế.

Gánh gánh  gồng gồng…
Return to top