Tranh Mèo của họa sĩ Lê Bá Đảng
Là đất nước đa đảo, biệt lập với lục địa, nền văn hóa mỹ thuật Nhật Bản luôn tồn tại 2 mặt: vừa mang nét độc đáo riêng biệt, đầy cá tính, vừa có những tiếp thu chừng mực với mỹ thuật lục địa – nhất là nền mỹ thuật Trung Hoa. Đến cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, mỹ thuật Nhật Bản đã có những ảnh hưởng nhất định đến một số nước khác sau khi Nhật Bản mở cửa giao thương với các nước phương Tây và các quốc gia lân cận.
Với mỹ thuật thời Nguyễn, từ điều kiện giao thương Việt - Nhật phát triển, mỹ thuật Nhật Bản đã để lại những dấu ấn không chỉ trên một số trang trí kiến trúc phố cổ ở Huế, Hội An mà in sâu trong đó là tinh thần mỹ thuật đời sống, như nghệ thuật cắm hoa, tạo dáng Bonsai, sử dụng các họa tiết hoa văn truyền thống Nhật Bản trong trang trí gốm, kiến trúc. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ở lăng ông hoàng Kiên Thái Vương và nhiều bình gốm sứ tại các sưu tập tư nhân và bảo tàng ở Huế cũng như trong một số hoa văn trang trí minh họa trên B.A.V.H. Cũng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhiều hình ảnh mỹ thuật trang trí Nhật Bản được in trên giấy gói quà đã trở thành "thông điệp" văn hóa đến các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Sức quyến rũ của văn hóa – mỹ thuật Nhật Bản được minh chứng qua các tranh in và các sản phẩm như đồ trang sức, vật dụng, đồ gốm… và phát triển song hành cùng với tác phẩm hội họa. Sự xuất hiện của mỹ thuật Nhật Bản ở Pháp đã làm mê hoặc các danh họa như Matisse, Cezanne, Vincent van Gogh, Degas… cũng như trở nên quen thuộc với các họa sĩ Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời (1925).
Truyền thống tranh khắc gỗ Nhật Bản với phong cách Ukiyo – E qua tranh của những đại danh họa như Hokusai (1760 - 1849), Utamaro (1754 - 1806), HiroShige (1792 - 1858) đã chinh phục được các nghệ sĩ Việt Nam. Một trong những người chịu ảnh hưởng sâu sắc và đậm nét về nền nghệ thuật Nhật Bản Ukiyo – E là họa sĩ Trần Văn Cẩn với bức tranh khắc gỗ nổi tiếng của hội họa Việt Nam thời bấy giờ, tác phẩm "Gội đầu" (1940).
Tác phẩm "Gội đầu" của họa sĩ Trần Văn Cẩn
Bức tranh thể hiện vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của người phụ nữ Việt Nam, với cách diễn tả hình tượng nghệ thuật theo phong cách diễn hình, diễn màu hiện đại, trong một không gian ước lệ thuận mắt. Tác giả đã tiếp thu tinh hoa nghệ thuật hiện đại của mỹ thuật phương Tây và cả nét tinh hoa của tranh khắc dân gian Việt Nam cùng với sự tinh tế trong tranh khắc gỗ Nhật Bản.
Với bức “Gội đầu”, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã khai thác tối đa những thế mạnh đặc thù của chất liệu, sử dụng nét tinh tế, kết hợp những mảng màu tĩnh dịu, hoà sắc tươi, nhẹ nhàng. Tác phẩm này là kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tài nghệ của một bút pháp lớn; là sự kết hợp hài hòa giữa mảng và nét, giữa mảng lớn và mảng nhỏ, giữa động với tĩnh để diễn tả thân hình người phụ nữ Việt cùng với suối tóc, tạo nên cái đẹp, cái duyên trong tác phẩm. Và rõ ràng, đường nét và cách xử lý không gian đã chịu ảnh hưởng nhiều từ tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản. Đó là kết quả một cuộc kiếm tìm lâu dài trong hành trình nghệ thuật vô cùng gian nan mà cũng không kém phần hứng khởi của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Một họa sĩ nổi tiếng khác là họa sĩ Lê Bá Đảng với những tác phẩm đồ họa và lối vẽ có tiếp thu tinh tế phong cách nghệ thuật Nhật Bản, ít nhiều gần gũi với phong cách tranh Mèo của họa sĩ Foujita kết hợp nét hiện thực để diễn tả. Tuy nhiên, ở hình tượng Mèo của họa sĩ Lê Bá Đảng với sắc đen, nét sắc mạnh không kém gì đồ họa khiến những chú mèo càng có nét Đông Á tinh tế, sâu lắng lại vừa rất sâu sắc ở sự diễn tả tình cảm của con người. Tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị (25 Lê Lợi, TP. Huế) còn trưng bày 12 tranh mèo đầy thi vị của họa sĩ Lê Bá Đảng và nhiều tranh khắc gỗ giấy. Đây là một trong những cảm hứng liên tưởng về văn hóa Nhật Bản, về những đồng nghiệp mà họa sĩ Lê Bá Đảng yêu quý.
Ngoài những tác phẩm, họa sĩ tiêu biểu nói trên, tại triển lãm sơn mài năm 2016 ở Đà Nẵng của họa sĩ Nguyễn Đức Huy (Trường đại học Nghệ thuật Huế) tổ chức cùng họa sĩ đến từ một số nước với chủ đề “Chúng tôi”, những tác phẩm về xứ hoa anh đào với những sắc thái văn hóa, cuộc sống và con người của đất nước mặt trời mọc của các họa sĩ Nhật Bản đã được đông đảo giới nghệ sĩ và công chúng đón nhận, như một minh chứng giao lưu về văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước Việt – Nhật.
Bài, ảnh: NHÃ HƯƠNG