ClockThứ Năm, 02/03/2017 14:18

Hơn trăm năm ấy, biết bao ân tình…

TTH - Hẳn không phải ngẫu nhiên, trong lịch trình chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 2 này của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản, sau Hà Nội, điểm tiếp theo được chọn là Cố đô Huế. Huế có một di sản gợi nhớ đến quan hệ với Nhật Bản "không nơi nào có được" - như lời một bài hát quen thuộc - đó là Phong trào Đông Du với người khởi sướng là chí sĩ Phan Bội Châu (1867 - 1940) .

Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí MinhChủ tịch nước chủ trì lễ đón chính thức Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậuVì sao Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chọn Huế để tới thămGiao thoa văn hóa Việt-Nhật qua sắc thái mỹ thuật Việt Nam đương đại

1 - Một sự ngẫu nhiên lý thú, năm Đinh Dậu - 2017 này, vừa tròn kỷ niệm 150 năm ngày sinh cụ Phan và cũng là kỷ niệm tròn 110 năm phong trào Đông Du tạo nên những dấu ấn rầm rộ nhất, kể từ khi thành lập Duy Tân Hội. Cụ Phan cùng một số sĩ phu sang Nhật Bản vào tháng 1/1905, nhưng 2 năm 1907 và 1908 là giai đoạn phong trào có ảnh hưởng lớn đến cả 3 miền đất nước; được Đảng Tiến Bộ (đảng cầm quyền ở Nhật Bản lúc đó) với hai nhân vật chủ yếu là Okuma Shigenobu và Thủ tướng Inukai Tsuyoshi ủng hộ, trên 200 du học sinh Việt Nam đã được đưa sang Nhật học tập để về nước làm cách mạng giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Đấy cũng là giai đoạn cụ Phan viết nhiều tác phẩm quan trọng nhằm thức tỉnh tinh thần yêu nước và kêu gọi các tầng lớp Nhân dân ủng hộ phong trào Đông Du chống Pháp, như Hải ngoại huyết thư, Kính cáo toàn quốc phụ lão, Tân Việt Nam, Đề tỉnh quốc dân hồn… Những tác phẩm này được viết trong 2 năm 1906 và 1907, khi gửi về nước đã tạo ra một làn sóng ngầm nhưng có sức lan tỏa rộng và dài lâu, có ảnh hưởng lớn đến nhiều tầng lớp Nhân dân… Rất tiếc là thực dân Pháp dò ra manh mối của tổ chức, lo sợ trước sự lớn mạnh của Phong trào Đông Du làm lung lay chế độ cai trị của chúng, đã tác động lên chính phủ Nhật, khiến các du học sinh phải rời khỏi Nhật Bản từ tháng 9/1908. Trong quá trình tổ chức lớp học cũng như việc đưa du học sinh trở về nước, người dân Nhật Bản, trong đó, đặc biệt có bác sĩ Asaba Sakitaro đã giúp đỡ về tài chính lớn cho Phong trào Đông Du…

Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ Phong trào Đông Du được dựng trong khuôn viên nhà lưu niệm cụ Phan trên dốc Bến Ngự

2 - Hơn một thế kỷ đã qua, hiện vật ghi dấu mối quan hệ Việt - Nhật giai đoạn đó chỉ còn lại tấm bia đá mà năm 1918, khi cụ Phan cùng một số chí sĩ đã xây dựng được Việt Nam Quang Phục hội tại Trung Quốc, các nhà yêu nước Việt Nam trở lại Nhật Bản và với sự giúp đỡ của nhân dân Nhật tại địa phương, đã dựng nên tại quê hương Asaba để tỏ lòng tri ân sự giúp đỡ vô tư của vị bác sĩ Nhật Bản đáng kính. Theo một bài viết năm 2013 của giáo sư Chương Thâu, một “chuyên gia” về Phan Bội Châu, bài Văn bia viết bằng chữ Hán, bản dịch có đoạn như sau: “… Xưa nay, ít người hào hiệp như ông. Lòng nhân nghĩa của ông bao trùm khắp trong ngoài. Ông giúp chúng tôi như trời; chúng tôi chịu ơn ông như biển…”.

Ngày 3/11/2010, nhân 70 năm ngày mất chí sĩ Phan Bội Châu và 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro, những người Nhật hảo tâm đã trao tặng tấm “Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ Phong trào Đông Du” (góc trái bia là bản dập Bia đá cụ Phan dựng tại chùa Jorin Nhật Bản, tháng 3/1918) hiện được (phường Trường An – TP. Huế), đi kèm với đó là những giá trị tinh thần - có thể gọi là “Bài học kép” từ sự kiện Phong trào Đông Du.

Bài học đầu tiên là mặc dù trong điều kiện bị chế độ thực dân kềm kẹp, các “thủ lĩnh” xuất thân từ nền giáo dục khoa cử phong kiến lỗi thời, một tổ chức không có bộ máy quản lý, không kinh phí, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, với ý chí đáng gọi là “dời non lấp bể”, đã tập hợp được hàng trăm thanh niên, huy động được sự đóng góp to lớn của nhiều tầng lớp nhân dân, đủ sức tổ chức những chuyến vượt ra ngoài biên giới rất tốn kém và biết bao nguy hiểm, quyết tâm tìm đường “cách tân” đất nước, giành độc lập cho Tổ quốc. Tuy Phong trào Đông Du không đi tới đích cuối cùng, nhưng tinh thần của nó mãi vẫn là tấm gương sáng cho nhiều cuộc cách mạng về sau...

Gọi đây là “bài học kép” vì chính là tấm gương cách tân thành công của Nhật Bản thời đó đã tạo nên sức hút những người yêu nước Việt Nam, đứng đầu là Phan Bội Châu. Chúng ta đều biết, thời Minh Trị (có thể tính từ năm 1868) ở Nhật Bản là thời kỳ canh tân của đất nước “Mặt trời mọc”.

Giáo sư Nguyễn Hồng Phong (1929-1998), một chàng rể của Huế, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, trong một công trình nghiên cứu rất có giá trị, đã chỉ ra bài học thành công của Nhật Bản, rất đáng suy ngẫm: “… Với ý thức quốc gia mạnh mẽ, có lòng tự hào về các giá trị bản sắc văn hoá Nhật Bản sâu sắc, khi tiếp xúc với phương Tây nên họ có thể gạt bớt những gì tiêu cực hoặc không thích hợp đối với Nhật. Và tiếp thu lấy cái tốt, cái thích hợp đối với Nhật Bản.

Họ học lấy cái hay của mỗi nước, chẳng hạn: hải quân thì bắt chước hải quân Anh, nhưng lục quân thì theo tổ chức của Pháp. Điện tín và xe lửa được thành lâp theo mô hình Mỹ. Hiến pháp và luật pháp dân sự thì lại được hiện đại hóa theo kiểu Đức. Luật hình sự thì lại hiện đại hóa theo kiểu Pháp. Một hệ thống hỗn hợp như vậy đã hoạt động theo kiểu Nhật…” (Trích từ Tập 3 của bộ sách “Một số công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn” của giáo sư Nguyễn Hồng Phong – NXB Khoa học Xã hội, 2005).

***

Tiếp nối di sản tinh thần Phong trào Đông Du, trong một thế kỷ vừa qua, không biết bao nhiêu là thế hệ người Việt Nam đã sang Nhật Bản học tập, “tiếp thu lấy cái tốt, cái thích hợp” mang về giúp “canh tân" đất nước và bảo vệ Tổ quốc mà tiêu biểu là những trí thức tinh hoa như Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ… Cũng với tinh thần ấy, những năm vừa qua, hàng vạn du học sinh và công nhân Việt Nam đã sang học tập và lao động tại Nhật Bản - trong đó có không ít người từng học tiếng Nhật với cô giáo Trần Phương Liên, người đi xe lăn hơn 20 năm qua biến ngôi nhà nhỏ của mình ở Huế thành Trung tâm Nhật ngữ… Cũng đã có biết bao “hậu duệ” của bác sĩ Asaba Sakitaro từng hết lòng với Việt Nam trong nhiều năm qua...

Vượt qua những biến cố và sự trớ trêu của lịch sử, hơn một thế kỷ qua, mối ân tình Việt - Nhật nảy nở từ Phong trào Đông Du trước đây, đang ngày một sâu đậm và đem lại kết quả rực rỡ như hoa anh đào mùa xuân…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024
Việt Nam giành ngôi đầu bảng

Trong trận đấu ở bảng B tối 15/12 trên sân Việt Trì (Phú Thọ), dù được đánh giá cao hơn Indonesia về mọi mặt, đội tuyển Việt Nam khá vất vả mới giành trọn ba điểm nhờ sự tỏa sáng của đội trưởng Quang Hải.

Việt Nam giành ngôi đầu bảng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top