ClockChủ Nhật, 29/03/2020 06:15

Giữ áo dài Nhật Bình cho Huế

TTH - Như rất nhiều cô dâu khác, tôi từng một lần khoác lên mình chiếc áo dài Nhật Bình khi vái lạy bàn thờ tổ tiên trong ngày theo chồng, nhưng lại không biết đó là kiểu trang phục có tên rất hay và đậm chất truyền thống. Và theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cùng với việc đa dạng hóa hoặc khôi phục lại vẻ sang trọng của áo dài truyền thống, Huế phải giữ cho được giá trị riêng có của áo dài Nhật Bình.

Điểm nhấn cho áo dàiGiữ ân tình trong từng tà áoNối dài chương trình “áo ấm cho em”

Áo Nhật Bình hiện đã được phục dựng nhưng còn nhiều chi tiết chưa đúng hoàn toàn với nguyên mẫu

Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế, trước năm 1945, phụ nữ Huế còn gắn bó với áo dài Nhật Bình và khăn vành. Đây là trang phục thông thường của các bậc phi tần, công chúa đã lan truyền sang giới mệnh phụ và con gái nhà giàu sang quyền quý. Về sau, được phụ nữ trong dân gian yêu thích, sử dụng trong những dịp cưới hỏi và lễ nghi trang trọng. 

Câu chuyện Thừa Thiên Huế cần chủ động, tiên phong gìn giữ bản sắc của áo dài Nhật Bình được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa tâm huyết trong bối cảnh cả nước Việt Nam nói chung, Huế nói riêng đang nỗ lực bảo tồn và phát giá trị truyền thống của áo dài dân tộc. Một trong những dấu mốc quan trọng của văn hoá trang phục áo dài Huế phải đề cập đến là vào năm 1744, sau khi lên ngôi vương ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Từ đó, áo dài được ra đời, trở thành trang phục chính của cả đàn ông và phụ nữ ở vùng đất Đàng Trong. Gần 100 năm sau, bộ trang phục áo dài được sản sinh ở kinh thành Phú Xuân – Huế đã từng bước thay thế nhiều dạng trang phục cổ truyền Đàng Ngoài. Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa độc đáo, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu. Với riêng Huế, áo dài còn mang theo một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ.

Áo Nhật Bình hiện đã được phục dựng nhưng còn nhiều chi tiết chưa đúng hoàn toàn với nguyên mẫu

Gần đây, các nhà làm phim Phượng Khấu đã được đánh giá rất cao khi bộ sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn được phỏng dựng gần sát nhất với lịch sử, trong đó nổi bật là những mẫu áo dài Nhật Bình của nội cung. Tương truyền, Nhật Bình có nguyên mẫu là áo Phi Phong thời Minh. Đây là loại là áo xẻ cổ giữa, cổ áo to bản, đăng đối, tạo thành hình chữ Nhật ở trước ngực, có nút cài khoảng giữa ngực, áo rộng, hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt sau nối sống, tay áo rộng và dài phủ tay. Các họa tiết trên áo được thêu thùa trang trí theo các mô-tip cung đình.

Ngay từ năm Gia Long thứ 6 (1807) đã quy định về việc sử dụng áo dài Nhật Bình trong nội cung. Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ thì áo dài Nhật Bình là triều phục dành cho các bậc Nhất giai Phi, Nhị giai Phi, Tam giai Tần, Tứ giai Tần. Tùy theo màu sắc mà phân biệt phẩm trật khác nhau. Với các bậc Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu/Hoàng Quý phi và công chúa thì sử dụng phượng bào làm triều phục, còn áo dài Nhật Bình được sử dụng như một loại thường phục. Quy chế mũ mão đi kèm với trang phục áo dài Nhật Bình không cố định, đầu thời Nguyễn sử dụng Kim ước phát, đến thời Thiệu Trị năm 1846 được đổi thành một loại thủ sức gọi là Kim phượng. Đến cuối thời Nguyễn, hình ảnh khá quen thuộc là các bà hoàng thời kỳ này sử dụng áo dài Nhật Bình và đầu vấn khăn vành.

Hiện nay, nhiều nhà may ở các thành phố lớn đã may, bán và cho thuê áo dài Nhật Bình. Đây cũng là mẫu trang phục gần gũi với nhiều cô dâu trong ngày cưới khi hành lễ trước ban thời gia tiên. “Tuy nhiên, trong nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu áo dài Huế gắn với các giá trị truyền thống của Cố đô, Thừa Thiên Huế phải tiên phong khôi phục quốc phục áo dài Việt Nam, khôi phục áo dài Nhật Bình Huế. Đồng thời, tìm kiếm thị trường để đưa các sản phẩm áo dài Huế, áo dài Nhật Bình Huế, khăn vành Huế ra thị trường ngoại tỉnh. Việc khôi phục áo dài Nhật Bình tại Huế sẽ làm đa dạng hơn, phong phú hơn di sản áo dài truyền thống của Việt Nam. Và khi chúng ta nói Huế là chiếc nôi của áo dài Việt Nam thì áo dài Nhật Bình chính là một trong những yếu tố để thể hiện sự riêng có và đậm chất Huế”, ông Nguyễn Xuân Hoa nói.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: DOÃN QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình áo dài từ đời thực lên sách

“Áo dài truyền thống – hành trình trở lại” (NXB Thế Giới) vừa được ra mắt tại Huế - vùng đất được mệnh danh là kinh đô của áo dài. Ấn phẩm được xem như là cẩm nang xuyên suốt về áo dài, với sự góp mặt của các tác giả từ chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà báo…

Hành trình áo dài từ đời thực lên sách
Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa

Sau hơn 4 năm triển khai, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã ít nhiều lan tỏa đến với công chúng thông qua rất nhiều các hoạt động, sự kiện hưởng ứng. Cùng với đó là những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may đo, cũng như khuyến khích, ủng hộ người dân mặc áo dài vào những dịp, sự kiện quan trọng, hình ảnh áo dài đã trở thành nét đẹp quen thuộc.

Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa
Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok?

Trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024, lần đầu tiên, áo dài Việt Nam đứng chung sân khấu với hanbok của Hàn Quốc trong một đêm trình diễn. Tuy vậy, áo dài và hanbok lại có hai số phận khác nhau, dù rằng đều là trang phục truyền thống của hai dân tộc.

Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok
Áo dài trong đời sống Huế

Suốt dọc dài dải đất chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có. Nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây. Một dấu mốc quan trọng của trang phục áo dài Huế là vào năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi ở Phú Xuân đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Sang Triều Nguyễn, triều đình đã ban bố lệnh, tạo cơ hội cho phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mặc áo dài thường xuyên. Theo đó, truyền thống mang áo dài dần đi vào nếp sống hằng ngày của người dân.

Áo dài trong đời sống Huế
Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

Những tà áo dài được các nhà thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng các giá trị làng nghề truyền thống xứ Huế được trình diễn giữa sân khấu cộng đồng khiến người xem hào hứng, bất ngờ.

Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

TIN MỚI

Return to top