Đó là cách chọn lựa, thể hiện tình cảm của bạn trẻ Huế dành cho bè bạn, những người mình thương quý trong những ngày khởi đầu một năm mới. Những cuốn sách từ văn chương, nghệ thuật, hay khởi nghiệp thường được tặng nhiều nhất.
Lì xì bằng sách
Những cuộc gặp đầu năm khi tiết trời xuân se lạnh của các bạn trẻ trở nên ấm áp hơn khi được nhận món quà ý nghĩa của năm mới đó là những cuốn sách mới toanh, được in nhỏ gọn. Hành trang của cô giáo trẻ Phan Thị Phương Nhung (Phú Thượng, Phú Vang) từ TP. Hồ Chí Minh về quê ăn Tết ngoài một vài bộ áo quần thì toàn là sách. Hỏi ra mới biết đó là những cuốn sách được cô chắt chiu mua được ở mỗi hội sách giảm giá để đem về lì xì cho các em nhỏ bà con cũng như trong xóm. “Lì xì bằng tiền đã trở thành một thói quen, nay lì xì bằng sách thay tiền mình mong các em có cách nhìn nhận, thay đổi về việc đọc sách”, Nhung cho hay. Vậy là gặp em nhỏ nào trong xóm những ngày đầu năm Nhung đều tặng sách. Những cuốn sách mà Nhung tặng xoay quanh các chủ đề thiếu nhi, danh nhân Việt Nam hay những câu chuyện tốt…
Một em nhỏ vui mừng khi được tặng sách và đọc chăm chú vào những ngày đầu năm mới
Tại một cuộc gặp đầu năm ở quán cà phê trên đường Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế), Nguyễn Mỹ Hà (nhân viên Trung tâm Anh ngữ) đã khiến nhiều bạn bè bất ngờ khi tặng bạn bè của mình những cuốn sách khởi nghiệp như Quốc gia khởi nghiệp, Không bao giờ thất bại - Tất cả là thử thách (Chung Yu Jung), Đắc nhân tâm… Nhiều người nhận sách không khỏi sung sướng, lật từng trang, ngồi đọc say sưa. “Sách quá hay, quá ý nghĩa với những bạn trẻ như mình, nó không những giúp mình tích lũy được kiến thức mà còn trau dồi cho mình những điều hay lẽ phải trong câu chuyện tiến thân, khởi nghiệp”, Nguyễn Nhật Minh (sinh viên ĐH Kinh tế Huế) vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa.
Nói về lý do tặng những cuốn sách hay về chủ đề khởi nghiệp vào những ngày đầu năm, Nguyễn Mỹ Hà cho hay, việc chia sẻ sách, chia sẻ tri thức cho bạn bè và người thân vào những thời điểm quan trọng như vậy là vô cùng cần thiết. Mỗi cuốn sách kể về một câu chuyện thật mà ở đó tinh thần dân tộc cùng chung tay vượt lên khó khăn để xây dựng, trở thành cường quốc tiếng tăm như Israel, Nhật Bản hay Hàn Quốc là vô cùng quý. “Chúng ta phải đọc, phải học ở họ tinh thần, sự cần cù, năng lực thực nghiệm. Có như vậy, sự sáng tạo và phát triển quốc gia mới phát triển mạnh mẽ”, Hà nhấn mạnh.
Còn với Nguyễn Huỳnh Giao (nhân viên văn phòng), món quà đầu năm khiến bạn ấn tượng đó chính là những tiểu thuyết do chính người bạn trai tặng. Giao kể rằng, ban đầu khá dè dặt với sách bởi không có thời gian đọc và mỗi khi nhìn những cuốn sách dày hay bị… choáng ngợp. “Nhưng rồi khi biết tranh thủ thời gian để đọc mình mới hiểu được giá trị của văn chương, nó giúp mình điều tiết được cuộc sống, hiểu và yêu thương một cách chân thành, ngoài ra còn dạy được nhiều điều hay lẽ phải trên đời…”, Giao tâm tình. Bạn trẻ này còn khoe, không chỉ nhận sách, mà còn đem sách cũ đi tặng lại nhiều người thân của mình với ước mong cùng chia sẻ sách, cùng đọc, cùng lan rộng kiến thức cho nhau.
Tôn vinh giá trị văn hóa đọc
Phan Thu Hà (26 tuổi, Phú Vang) cho biết, vừa được người anh trai từ TP. Hồ Chí Minh tặng cuốn Kinh điển về khởi nghiệp vì biết ước mong theo đuổi đam mê khởi nghiệp. Hà kể rằng, hồi còn nhỏ được bao nhiêu tiền lì xì Tết đều để dành mua những cuốn sách yêu thích. Bởi vậy, khi nhận được những cuốn sách vào đúng thời điểm như vậy thì không có gì hạnh phúc bằng. Hà hào hứng: “Mỗi trang sách, cuốn sách đều vô cùng quý. Qúy hơn đây là những cuốn sách dạy khởi nghiệp bởi tính thực tế trong từng ngôn ngữ, câu chữ, lời dạy chân thật, đi từ thất bại đến thành công, đau khổ đến vinh quang… Cảm ơn món quà lì xì Tết quý nhất mà mình được nhận từ trước đến nay”.
Tặng sách đầu năm mới không chỉ là cách lì xì hay, mà qua đó còn tôn vinh giá trị văn hóa đọc
Trong khi đó, với nhiều người tặng, họ rất chu đáo từ tìm hiểu gu đọc sách của từng người để lựa chọn những cuốn sách phù hợp. Bạn trẻ Trần Anh Sơn về quê ăn Tết ngoài vài ba bộ áo quần còn lại là sách, trong đó sách khởi nghiệp chiếm 80%. Sau một thời gian tìm hiểu thông tin bạn bè ở Huế, ai cũng có ước mong tìm hiểu kiến thức khởi nghiệp, vậy là tranh sau giờ làm, Sơn lùng sục mua đem ra Huế tặng bạn bè. Với Sơn, trao một cuốn sách như trao một tấm lòng với vô vàng yêu thương và nhắn gửi. “Hãy bắt đầu một năm mới bằng một khởi đầu nhẹ nhàng với những câu chuyện trong từng trang sách. Ở đó mọi người còn có thể bắt gặp hình ảnh chính mình trong từ trang sách, câu chuyện thực tiễn về khởi nghiệp. Và chúng ta, cùng chung tay khởi nghiệp vào thời khắc đầu năm mới”, Sơn chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, một người mê sách có tiếng ở Huế, việc tặng sách vào những ngày đầu năm mới rất ý nghĩa khi mà đời sống, văn hóa đọc ngày càng “chết dần, chết mòn” bởi ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ. Ông Phan cho rằng, tặng sách đã quý, thì tặng sách viết về khởi nghiệp còn quý hơn. Ở đó, những câu chuyện chân thật sẽ giúp người đọc có góc nhìn thực tế, dễ so sánh để vươn lên khởi nghiệp trong thời buổi mà Việt Nam đang hòa nhập với toàn cầu hóa. “Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhắc nhở mọi người về ý nghĩa của văn hóa đọc một thời sôi động khắp nơi, không riêng gì Huế. Mong mọi người cùng nhau chung tay tặng sách cho nhau, cho nhiều người, nhiều đối tượng. Không riêng gì Tết, mà hãy tặng hàng ngày, hàng giờ, khi chúng ta có thể”, ông Phan, nói.
Bài, ảnh: Phan Thành