ClockChủ Nhật, 09/06/2024 06:32

Nhớ tuổi học trò

TTH - Chúng tôi là thế hệ học sinh đầu thập niên 1990 của ngôi trường hồng bên dòng sông Hương, THPT Quốc Học. Thời đó trường có cả khối chuyên và khối phổ thông, mà học sinh phổ thông đông hơn học sinh chuyên rất nhiều, nên tên trường không có chữ “chuyên” như bây giờ.

Tuổi học trò ơi...

 

Bỡ ngỡ bước vào ngôi trường cấp 3, những cô cậu học trò mới rời mái trường THCS đều ngây ngô và trong sáng như nhau. Đặc biệt là các bạn từ dưới các huyện lên nhập học. Học sinh cấp huyện mà thi đỗ vào trường Quốc Học thì đều là những học sinh giỏi, những gương mặt chọn lọc từ các lớp chuyên của trường huyện. Sau này còn có các bạn ở các lớp chuyên toán, chuyên lý, chuyên Nga, vì một lý do nào đó, được đưa ra khối phổ thông, và tất cả đều “bị” chuyển về lớp tôi. Vì vậy, có thể nói lớp chúng tôi là một tập hợp đặc biệt nhất của khối: có học sinh thành phố, có học sinh huyện - mà rất nhiều huyện, và có cả những học sinh chuyên “rớt hạng”.

Bọn học sinh thành phố chúng tôi có lợi thế là trong lớp có vài đứa cùng học lên từ cấp hai. Có đồng bọn nên cũng dễ chơi, dễ học. Các bạn từ huyện lên thì khác, mỗi huyện chỉ có một đến hai gương mặt, không quen biết nhau, nhưng vì đồng hương nên tự nhiên “kết” với nhau rất nhanh. Lẻ loi là các bạn không tìm được đồng hương, cứ thui thủi một mình, dè dặt và có chút phần tự ti. Nhưng chỉ cần sau một học kỳ là mọi thứ đâu vào đấy. Nhiều bạn học sinh huyện học rất giỏi, nhất là các môn tự nhiên, khiến các bạn ở thành phố phải nể phục. Và “thế trận” lớp học đã thay đổi, chỉ còn sự phân biệt giữa những người học giỏi và những người học bình thường.

Sang năm học lớp 11, chỉ còn là một tập thể ai cũng nỗ lực học tập để không thua kém bạn bè. So với các bạn cùng khóa, lớp tôi ít chơi bời chỉ lo học. Tuy vậy, lớp A cũng không thua kém các bạn cùng khóa trong các hoạt động ngoại khóa, thậm chí còn đạt một số giải cao như báo tường, văn nghệ, hội trại... Nhớ nhất là những đợt tổ chức đi thăm nhà các bạn ở huyện. Ở thành phố, ai cũng tò mò không biết nhà các bạn ở xa như thế nào. Vậy là rủ nhau đi, ban đầu là từng nhóm, sau đó mở rộng ra cả lớp, bạn nào thích đi thì cùng lên đường. Thường là đi trong dịp Tết hoặc dịp đầu hè được nghỉ học. Ai cũng hồ hởi dù đường xa và có khi chỉ đi xe đạp, hoặc oách lắm là đi tàu chợ, ngồi ở toa chở hàng cho được vé rẻ nhất. Đi xa mới biết, nhà bạn mình ở quê thật nghèo, có đứa ba mẹ chỉ làm nông, cửa nhà tuềnh toàng thôi mà nuôi 4 đứa con ăn học và đứa nào cũng học giỏi. Những bữa cơm ở nhà bạn với mấy món quê giản dị, có đứa nuốt không vào nhưng đã là một bữa ngon mà gia đình bạn dành để đãi khách. Chính những chuyến đi như vậy đã kết nối chúng tôi gần, hiểu và thương nhau hơn.

Ba năm học phổ thông trôi cái vèo. Ngày chia tay đến gần trong tiếng ve và màu hoa phượng nở bừng trong mỗi góc sân trường. Những tiết học cuối cùng bịn rịn như không ngờ có ngày phải chia xa. Cuối mỗi buổi học, không ai muốn ra về, cứ lần lữa ngồi lại trong lớp, hoặc dắt nhau đi mãi giữa sân trường bâng khuâng. Trao vội cho nhau cuốn lưu bút, để đến nay, nét chữ của mỗi đứa bạn vẫn còn hằn sâu trong ký ức.

Mới đó mà đã 30 năm, kể từ ngày ra trường. Lứa học trò năm đó ai cũng đã có những thành tựu cho riêng mình, đóng góp cho xã hội ở rất nhiều lĩnh vực. Thỉnh thoảng chúng tôi lại có dịp cùng nhau trở về ngôi trường cũ, thủ thỉ về những kỷ niệm đã qua, để nhớ và phá lên cười khúc khích. Tiếng cười vẫn cứ trong trẻo, hồn nhiên như thời còn đi học.

Nguyên Thu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào ngôi trường mang tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Vinh dự và tự hào là ngôi trường mang tên vị tướng tài ba của dân tộc - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhiều năm qua, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền) đã không ngừng vươn lên dạy tốt, học tốt, đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Tự hào ngôi trường mang tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ngôi trường vững chắc

Từ “tay trắng”, tập thể Trường THCS Vinh Hà đã xây dựng được ngôi trường lớn mạnh, vững chắc: số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước; liên tục được công nhận tập thể lao động xuất sắc, nhiều năm được UBND tỉnh tặng cờ thi đua; Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tặng bằng khen...

Ngôi trường vững chắc
KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2023)
Hai ngôi trường Bác Hồ từng học ở Huế

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không có nhiều thời gian được học tập tại các trường học. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người theo học tại 4 trường. Đáng nói là, một nửa trong số đó tại Huế: Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc Học.

Hai ngôi trường Bác Hồ từng học ở Huế
Hưởng ứng Tuần lễ Không khói thuốc quốc gia (25-31/5)
Trường Sơn – Ngôi trường không khói thuốc

Nằm ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới nước bạn Lào, nhưng Trường THCS - THPT Trường Sơn (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) luôn là một trong những đơn vị giáo dục làm tốt việc xây dựng trường học không khói thuốc.

Trường Sơn – Ngôi trường không khói thuốc
Ngôi trường không khói thuốc

Trường THCS Phú Lương là một trong những ngôi trường thực hiện tốt hoạt động xây dựng trường học không khói thuốc lá.

Ngôi trường không khói thuốc
Return to top